Hệ thống pháp luật

Chương 10 Nghị định 160/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khoáng sản và Luật Khoáng sản sửa đổi

Chương X

THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN, BÁO CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 38. Thẩm định đề án khảo sát, thăm dò khoáng sản

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, theo thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Khoáng sản, tổ chức thẩm định các đề án khảo sát, thăm dò khoáng sản trước khi quyết định cấp giấy phép khảo sát, thăm dò.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, thẩm định đề án khảo sát, thăm dò khoáng sản.

Điều 39. Thẩm định và phê duyệt báo cáo thăm dò khoáng sản

1. Báo cáo thăm dò khoáng sản được thẩm định theo các yêu cầu sau đây:

a) Độ tin cậy về trữ lượng, hàm lượng và chất lượng khoáng sản, kể cả khoáng sản có ích đi kèm;

b) Độ tin cậy về các điều kiện địa chất thuỷ văn, địa chất công trình liên quan đến nghiên cứu khả thi khai thác khoáng sản.

2. Báo cáo thăm dò khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, phải nộp vào Lưu trữ địa chất nhà nước. Báo cáo thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn phải nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có khoáng sản được thăm dò.

Điều 40. Thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư khai thác khoáng sản

1. Việc thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư khai thác khoáng sản thuộc các dự án đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng.

2. Việc thẩm định dự án đầu tư khai thác khoáng sản thuộc các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 41. Thẩm định và phê duyệt thiết kế mỏ

1. Thiết kế mỏ thuộc các dự án đầu tư khai thác khoáng sản được thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Tổ chức, cá nhân thẩm định thiết kế mỏ phải là tổ chức, cá nhân độc lập về lợi ích đối với tổ chức, cá nhân lập thiết kế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định của mình.

3. Bộ Công nghiệp hướng dẫn chi tiết nội dung thiết kế, thủ tục thẩm định và phê duyệt thiết kế mỏ.

Điều 42. Báo cáo về hoạt động khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu, thông tin báo cáo.

2. Báo cáo về hoạt động khoáng sản bao gồm:

a) Báo cáo về hoạt động khảo sát khoáng sản, báo cáo về hoạt động thăm dò khoáng sản, báo cáo về hoạt động khai thác khoáng sản, báo cáo về hoạt động chế biến khoáng sản;

b) Báo cáo về hoạt động khoáng sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Chế độ báo cáo về hoạt động khoáng sản được quy định như sau:

a) Chế độ báo cáo về hoạt động khoáng sản được thực hiện theo định kỳ sáu tháng và một năm. Định kỳ sáu tháng đầu năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 của năm báo cáo. Định kỳ một năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo;

b) Ngoài việc thực hiện chế độ báo cáo nêu tại điểm a khoản này, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản phải thực hiện báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động khoáng sản.

4. Trách nhiệm nộp báo cáo về hoạt động khoáng sản được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có trách nhiệm lập báo cáo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và chậm nhất sau năm (05) ngày của kỳ báo cáo quy định tại khoản 3 Điều này phải nộp báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi hoạt động khoáng sản. Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản theo giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phải nộp cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo quy định tại điểm b khoản 2 của Điều này và chậm nhất sau mười lăm (15) ngày của kỳ báo cáo quy định tại khoản 3 Điều này gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), Bộ Công nghiệp và Bộ Xây dựng.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn mẫu báo cáo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 43. Đề án đóng cửa mỏ

1. Đề án đóng cửa mỏ phải được thẩm định và phê duyệt nội dung, yêu cầu về bảo đảm an toàn, phục hồi môi trường, đất đai và các yêu cầu khác theo quy định tại các điểm b và d khoản 2 Điều 40 của Luật Khoáng sản.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác loại khoáng sản nào thì có quyền thẩm định, phê duyệt đề án đóng cửa mỏ đối với loại khoáng sản đó.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung đề án và thủ tục đóng cửa mỏ.

Nghị định 160/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khoáng sản và Luật Khoáng sản sửa đổi

  • Số hiệu: 160/2005/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/12/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 9 đến số 10
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH