Hệ thống pháp luật

Chương 6 Luật cư trú 2020

Chương VITRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CƯ TRÚ

Điều 32. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú và có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về cư trú;

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú; tổ chức việc đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc, cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

c) Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ quy định về quản lý cư trú trái với quy định của Luật này;

d) Ban hành, in ấn và quản lý tờ khai thay đổi thông tin cư trú và các giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu, sổ sách về cư trú;

đ) Trang bị máy móc, phương tiện, thiết bị; bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý cư trú;

e) Thống kê nhà nước về cư trú, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý cư trú, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;

g) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật;

h) Hợp tác quốc tế về quản lý cư trú.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú theo sự phân công của Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú tại địa phương;

b) Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở địa phương về quản lý cư trú;

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;

d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú

1. Niêm yết công khai thủ tục hành chính; hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú; công khai địa điểm, số điện thoại hoặc cách thức khác để tiếp nhận thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.

2. Cập nhật thông tin về cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

3. Xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

4. Quản lý, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu về đăng ký, quản lý cư trú và bảo mật thông tin về đăng ký cư trú của công dân.

5. Giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú theo thẩm quyền.

Điều 34. Người làm công tác đăng ký cư trú

1. Người làm công tác đăng ký cư trú phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao.

2. Khi thực hiện nhiệm vụ, người làm công tác đăng ký cư trú phải có thái độ, lời nói, cử chỉ nghiêm túc, khiêm tốn, hòa nhã; tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, tài liệu có liên quan và giải quyết đúng thời hạn theo quy định của Luật này; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn cụ thể, đầy đủ bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc hướng dẫn đó.

Điều 35. Hủy bỏ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú

Trường hợp cơ quan, người có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật này thì cơ quan đã thực hiện việc đăng ký hoặc thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan đã đăng ký có trách nhiệm ra quyết định hủy bỏ việc đăng ký đó. Cơ quan đã đăng ký có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người đăng ký và nêu rõ lý do.

Điều 36. Cơ sở dữ liệu về cư trú

1. Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú, là tài sản quốc gia do Bộ Công an thống nhất quản lý.

2. Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin.

3. Việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng dữ liệu về cư trú phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin về cư trú đầy đủ, nhanh chóng, chính xác; bảo đảm an toàn dữ liệu theo đúng nguyên tắc, định dạng hệ cơ sở dữ liệu;

b) Bảo đảm an toàn các thiết bị lưu trữ thông tin, tài liệu về cư trú;

c) Bảo vệ an ninh mạng, an ninh thông tin về cư trú trên mạng máy tính; bảo đảm an toàn thông tin, tài liệu lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; phòng, chống các hành vi tấn công, xâm nhập, đánh cắp thông tin, phá hoại hoặc làm hư hỏng dữ liệu về cư trú;

d) Mọi sự truy nhập đến Cơ sở dữ liệu về cư trú để thay đổi thông tin về cư trú của công dân phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú hoặc cơ quan khác có thẩm quyền;

đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, trao đổi, sao chép, in trái phép thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc xây dựng, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật cư trú 2020

  • Số hiệu: 68/2020/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 13/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1179 đến số 1180
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH