Hệ thống pháp luật

Chương 7 Thông tư 33/2012/TT-BGTVT quy định về đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 7.

QUẢN LÝ, XÂY DỰNG ĐƯỜNG NGANG

Điều 50. Xây dựng công trình gần đường ngang

Khi xây dựng mới khu dân cư, công nghiệp, vui chơi giải trí, trường học, thương mại, bệnh viện và các công trình khác tại vùng lân cận phạm vi bảo vệ đường ngang, nếu phải làm đường ngang qua đường sắt thì phải có khoảng cách từ điểm gần nhất của công trình thuộc khu đó đến tim đường sắt ít nhất là 25 m và phải có thoả thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý có thẩm quyền ngay từ khi lập dự án.

Điều 51. Điều kiện để xây dựng đường ngang

1. Đường sắt chính của đường sắt quốc gia giao nhau với đường bộ cấp I, cấp II, cấp III làm mới hoặc nâng cấp và ngược lại phải xây dựng nút giao khác mức. Đối với đường ngang hiện có thì từng bước thay bằng cầu vượt hoặc hầm chui.

2. Trong thành phố, thị xã, thị trấn đông dân cư, nếu khoảng cách giữa hai đường ngang dưới 500 m, ở nơi khác nếu khoảng cách giữa hai đường ngang dưới 1000 m thì phải làm cầu vượt hoặc hầm chui.

3. Chỉ được tiến hành xây dựng đường ngang sau khi có quyết định (giấy phép) thành lập và hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 52. Thẩm quyền quyết định (cấp giấy phép) thành lập, cải tạo, nâng cấp đường ngang

Thẩm quyền quyết định (cấp giấy phép) thành lập, cải tạo, nâng cấp đường ngang được quy định như sau:

1. Đường ngang cấp I, cấp II, cấp III giao cắt giữa đường sắt quốc gia và đường bộ các cấp do Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định;

2. Đường ngang chuyên dùng liên quan đến đường quốc lộ do Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định; liên quan đến đường địa phương do Giám đốc Sở Giao thông vận tải quyết định;

3. Đường ngang đô thị do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Đường ngang đặc biệt khi cần thành lập, cải tạo, nâng cấp phải được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.

5. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 của Điều này, có trách nhiệm quyết định (cấp giấy phép) nâng cấp đường ngang khi cấp đường bộ qua đường ngang thay đổi hoặc tích số tàu xe qua đường ngang tăng lên.

Điều 53. Trách nhiệm của doanh nghỉệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và Chính quyền địa phương trong quản lý đường ngang

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong quản lý đường ngang:

a) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm bảo vệ, kiểm tra, phát hiện kịp thời và chủ động đề xuất, phối hợp với chính quyền địa phương dỡ bỏ đường ngang không có quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 52 của Thông tư này.

b) Hàng năm doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ và chính quyền địa phương nơi có đường ngang thống kê lưu lượng tàu, xe qua đường ngang để có kiến nghị hoặc tổ chức phòng vệ đường ngang phù hợp với quy định tại Thông tư này.

2. Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý đường ngang:

Chính quyền địa phương nơi có đường ngang có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân, tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi mở đường ngang trái phép; chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt kiểm tra, phát hiện và kịp thời giải toả cây, vật kiến trúc gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ tại khu vực đường ngang.

Điều 54. Thủ tục đề nghị thành lập, bãi bỏ, cải tạo, nâng cấp đường ngang

1. Trong quá trình lập dự án, tổ chức, cá nhân phải có văn bản thoả thuận của cơ quan cấp phép xây dựng đường ngang về vị trí, mặt bằng, giải pháp kỹ thuật, an toàn giao thông, vốn đầu tư, phương án quản lý và khai thác. Thủ tục thoả thuận được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan cấp phép quy định tại Điều 52 của Thông tư này.

b) Cơ quan cấp phép tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ theo quy định. Trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan cấp phép cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan cấp phép hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân đề nghị thỏa thuận bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn thực hiện việc thỏa thuận.

c) Thành phần hồ sơ đề nghị thỏa thuận bao gồm:

- Đề nghị thỏa thuận thành lập (hoặc cải tạo, nâng cấp) đường ngang theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này;

- Bản vẽ sơ họa mặt bằng vị trí dự kiến xây dựng (hoặc cải tạo, nâng cấp) đường ngang.

d) Thời gian thỏa thuận xây dựng đường ngang giao cắt giữa đường sắt quốc gia với đường bộ các cấp chậm nhất là 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp không thỏa thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn quy định trên.

2. Trước khi thành lập, cải tạo, nâng cấp đường ngang, tổ chức, cá nhân phải có Giấy phép xây dựng đường ngang. Thủ tục cấp giấy phép như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan cấp phép quy định tại Điều 52 của Thông tư này.

b) Cơ quan cấp giấy phép tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ theo quy định. Trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan cấp phép cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan cấp giấy phép hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn thực hiện việc giải quyết đề nghị thành lập, cải tạo, nâng cấp đường ngang.

c) Thành phần hồ sơ đề nghị thành lập, cải tạo, nâng cấp đường ngang bao gồm:

- Đơn đề nghị thành lập, cải tạo, nâng cấp đường ngang theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 kèm theo Thông tư này;

- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bản vẽ thiết kế phải thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt ngang, mặt cắt dọc đường sắt, đường bộ qua đường ngang và các công trình khác có liên quan, biện pháp phòng vệ, biện pháp bảo đảm an toàn giao thông;

- Ý kiến thỏa thuận của doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền (nếu liên quan).

d) Thẩm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép:

- Trên cơ sở hồ sơ tiếp nhận, căn cứ các quy định của pháp luật và ý kiến của tổ chức, cá nhân liên quan. Cơ quan cấp giấy phép thẩm tra hồ sơ, kiểm tra thực địa (nếu cần) để quyết định cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép.

- Khi cần xác minh các thông tin liên quan đến tổ chức, cơ quan khác để phục vụ việc cấp giấy phép mà không thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép thì cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan để làm rõ.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn đề nghị của cơ quan cấp phép, các cơ quan, tổ chức được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Quá thời hạn trên, nếu không nhận được văn bản trả lời thì được coi cơ quan, tổ chức được hỏi ý kiến đó chấp thuận và phải chịu mọi hậu quả do việc không trả lời hoặc trả lời chậm trễ gây ra.

đ) Giấy phép xây dựng đường ngang được cấp trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Giấy phép xây đựng đường ngang được lập thành 10 bản chính có nội dung như nhau và theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 kèm theo Thông tư này, 01 bản gửi cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép, 07 bản gửi cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt để phổ biến cho các đơn vị liên quan, 01 bản gửi cho Cục Đường sắt Việt Nam, 01 bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép.

3. Trước khi thi công công trình, tổ chức, cá nhân phải làm việc với doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt để thống nhất về thời gian thi công và chỉ được thi công công trình khi đã có văn bản thống nhất thi công của doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt.

4. Gia hạn giấy phép xây dựng đường ngang

Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng đường ngang mà công trình chưa khởi công hoặc quá thời hạn hoàn thành công trình được ghi trong giấy phép mà công trình chưa được hoàn thành và bàn giao sử dụng thì tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng đường ngang phải làm hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng đường ngang.

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoăc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan cấp giấy phép.

b) Cơ quan cấp giấy phép tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ theo quy định. Trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan cấp phép cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan cấp phép hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn giấy phép bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn Giấy phép có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong vòng 05 (năm) ngày làm việc. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời hạn cấp gia hạn giấy phép.

c) Thành phần hồ sơ đề nghị cấp gia hạn giấy phép bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp gia hạn giấy phép xây dựng đường ngang theo quy định tại Phụ lục 14 kèm theo Thông tư này;

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy phép xây dựng đường ngang đã được cấp.

d) Thời gian xét cấp gia hạn giấy phép xây dựng đường ngang chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

đ) Cơ quan cấp gia hạn giấy phép xây dựng đường ngang là cơ quan đã cấp giấy phép xây dựng đường ngang. Mẫu quyết định gia hạn giấy phép xây dựng đường ngang theo quy định tại Phụ lục 15 kèm theo Thông tư này.

5. Các công trình, thiết bị đường ngang sau khi thi công xong đều phải được nghiệm thu và bàn giao cho đơn vị quản lý theo đúng các quy định hiện hành. Tổ chức nghiệm thu phải có đủ thành phần và đại diện của đơn vị thi công; các đơn vị quản lý đường sắt, quản lý đường bộ sở tại.

6. Các đơn vị quản lý đường sắt và quản lý đường bộ có trách nhiệm theo dõi các đường ngang sử dụng có thời hạn để yêu cầu các đơn vị sử dụng dỡ bỏ khi hết thời hạn.

Điều 55. Kinh phí để xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang

Mọi tổ chức đề nghị thành lập, cải tạo, nâng cấp đường ngang, làm hầm chui, cầu vượt qua đường sắt phải tuân theo quy định về vốn đầu tư xây dựng sau đây:

1. Đường sắt xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp giao cắt đường bộ do chủ đầu tư đường sắt đảm nhiệm;

2. Quốc lộ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp giao cắt đường sắt do chủ đầu tư quốc lộ đảm nhiệm;

3. Đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp giao cắt đường sắt do ngân sách địa phương, nguồn vốn khác đảm nhiệm và đóng góp của nhân dân;

4. Cơ quan, xí nghiệp, công ty, tổ chức xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường ngang phải tự chi trả kinh phí.

Điều 56. Vốn dành cho quản lý, sửa chữa đường ngang

1. Vốn dành cho quản lý, sửa chữa đường ngang được bố trí từ nguồn vốn ngân sách của trung ương, địa phương và của các tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập đường ngang.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đường ngang phải chỉ định rõ nguồn vốn quản lý, bảo trì, sửa chữa đường ngang đó.

Điều 57. Phạm vi quản lý đường ngang

1. Phạm vi quản lý đường ngang do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chịu trách nhiệm, bao gồm:

a) Nhà gác chắn, hàng rào cố định, cọc tiêu, các biển báo hiệu, túi hiệu, thông tin, chiếu sáng, trên đường sắt và trên đường bộ thuộc phạm vi đường ngang;

b) Nền, mặt đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;

c) Đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt tại đường ngang.

2. Phạm vi quản lý đường ngang do các tổ chức, cá nhân quản lý đường bộ chịu trách nhiệm, bao gồm:

a) Nền, mặt đường bộ, biển báo hiệu, các vạch kẻ đường trên mặt đường của phần đường bộ dẫn vào đến phạm vi đường ngang ngoài phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;

b) Đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ tại đường ngang.

3. Đơn vị quản lý đường ngang phải bảo đảm các công trình, thiết bị, tín hiệu được giao quản lý luôn ở trạng thái hoạt động bình thường trên đường ngang.

Điều 58. Quy định về an toàn giao thông khi sửa chữa đường ngang

1. Khi sửa chữa đường ngang có ảnh hưởng đến giao thông đường bộ, đơn vị thi công đường sắt phải thống nhất với cơ quan quản lý đường bộ, không được làm ách tắc giao thông đường bộ và đường sắt trong thời gian sửa chữa. Trong khi sửa chữa phải bảo đảm an toàn giao thông; khi cần, phải cử người hướng dẫn người và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ qua lại đường ngang; phải đặt các biển báo hiệu, ban đêm phải có đèn đỏ; khi tạm nghỉ giữa hai đợt sửa chữa phải bố trí người điều khiển và hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đường bộ qua lại đường ngang an toàn.

2. Trường hợp đặc biệt cần phong toả đường bộ phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền.

3. Đường ngang sau khi sửa chữa xong phải được tổ chức nghiệm thu, bàn giao theo quy định.

Thông tư 33/2012/TT-BGTVT quy định về đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 33/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/08/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 26/09/2012
  • Số công báo: Từ số 603 đến số 604
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH