Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 33/2012/TT-BGTVT quy định về đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 4.

BÁO HIỆU ĐƯỜNG NGANG

Điều 20. Cọc tiêu và hàng rào cố định

1. Dọc hai bên lề đường bộ dẫn vào đường ngang phải có cọc tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT (Phụ lục 2).

2. Cọc tiêu gần đường sắt nhất phải cách ray ngoài cùng là 2,5 m, chiều dài mỗi hàng cọc tiêu tính từ ray ngoài cùng ra ít nhất là 20 m, khoảng cách giữa các cọc tiêu là 1,5 m. Ngoài phạm vi này khoảng cách giữa các cọc tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT.

3. Trên đường ngang có người gác, những cọc tiêu từ chắn đường bộ đến đường sắt phải làm bằng hàng rào cố định, đỉnh cột hàng rào cố định phải đặt thanh ngang suốt phạm vi hàng rào.

Điều 21. Vạch tín hiệu trên mặt đường bộ vào đường ngang

1. Trên đường bộ dẫn vào đường ngang phải có sơn vạch tín hiệu số 1.12 “Dừng lại”, biển báo hiệu số 122 “Dừng lại”.

2. Vị trí sơn vạch tín hiệu số 1.12 “Dừng lại” tính từ chắn đường bộ trở ra 3 m ở nơi có chắn hoặc từ má ray ngoài cùng trở ra 6 m ở nơi không có chắn; quy cách vạch này theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT (Phụ lục 2, vạch số 1.12).

3. Đối với đường bộ có kết cấu mặt đường là bê tông nhựa, bê tông xi măng thì phải có vạch tín hiệu trên mặt đường theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT.

Điều 22. Bỉển báo hiệu tại đường ngang

Trên hai phía đường bộ đi vào đường ngang phải đặt đầy đủ biển báo hiệu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT:

1. Trước đường ngang có người gác

a) Có đèn báo hiệu trên đường bộ

- Biển số 210 “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” (Phụ lục 2);

- Biển số 242 (a, b) “Nơi đường sắt giao với đường bộ” (Phụ lục 2);

- Cột đèn báo hiệu, biển chỉ dẫn, chuông của đường sắt trên đường bộ;

Tại đường ngang này biển số 242 (a, b) bố trí trên cột đèn báo hiệu, chuông của đường sắt. Biển số 242 (a, b) ở trên, đèn tín hiệu ở dưới. Quy cách được quy định tại Phụ lục 2.

b) Không có đèn báo hiệu trên đường bộ, chuông điện

- Biển số 210 “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” (Phụ lục 2);

- Biển số 242 (a, b) “Nơi đường sắt giao với đường bộ” (Phụ lục 2).

2. Trước đường ngang không có người gác

a) Trước đường ngang phòng vệ bằng cần chắn tự động và bằng cảnh báo tự động

- Biển số 211 “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” (Phụ lục 2);

- Biển số 242 (a, b) “Nơi đường sắt giao với đường bộ” (Phụ lục 2);

- Cột tín hiệu, biển chỉ dẫn, chuông của đường ngang cảnh báo tự động bảo đảm tiêu chuẩn, quy cách theo quy định do cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền ban hành.

- Cột tín hiệu cảnh báo đường ngang.

Tại đường ngang này biển số 242(a, b) bố trí trên cột đèn báo hiệu, chuông của đường sắt. Biển số 242(a, b) ở trên, tín hiệu đèn ở dưới. Quy cách được quy định tại Phụ lục 2.

- Biển số 243 (a, b, c) “Nơi đường sắt giao với đường bộ không vuông góc”.

- Để báo trước sắp đến vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt cùng mức, góc giao nhỏ khó quan sát phải đặt biển báo 243 (a, b, c), biển đặt ở phía dưới biển 211 (Phụ lục 2).

b) Trước đường ngang phòng vệ bằng biển báo

- Biển số 211 “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” (Phụ lục 2);

- Biển số 242(a, b) “Nơi đường sắt giao với đường bộ” (Phụ lục 2) đặt trên đường bộ cách ray ngoài cùng của đường sắt là 10 m; biển chỉ dẫn;

- Biển số 243 (a, b, c) “Nơi đường sắt giao với đường bộ không vuông góc”.

Để báo trước sắp đến vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt cùng mức, góc giao nhỏ khó quan sát phải đặt biển báo 243 (a, b, c), biển đặt ở phía dưới biển 211 (Phụ lục 2).

Điều 23. Vị trí đặt đèn báo hiệu, chuông điện và cột tín hiệu cảnh báo đường ngang

1. Đối với đường ngang có lắp đặt đèn báo hiệu và chuông điện trên đường bộ, đèn báo hiệu và chuông điện trên đường bộ (trừ trường hợp đường bộ giao cắt đường bộ chạy song song với đường sắt) phải đặt trước chắn đường bộ (hoặc liền với trụ chắn đường bộ) hoặc đặt cách ray ngoài cùng 6 m trở lên.

2. Cột tín hiệu cảnh báo đường ngang đặt ở phía trái đường sắt theo hướng tàu số lẻ, mép ngoài của cột cách tim đường sắt 2.170mm đối với khổ đường 1.000 mm và cách tim đường sắt 2.610 mm đối với khổ đường 1.435mm, cách mép đường ngang phía đường bộ tối thiểu 5.000mm;

Điều 24. Yêu cầu đối với đèn báo hiệu, chuông điện và cột tín hiệu cảnh báo đường ngang

Đèn báo hiệu, chuông điện trên đường bộ và cột tín hiệu cảnh báo đường ngang quy định tại Điều 22 của Thông tư này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Đèn báo hiệu phải có hai đèn đỏ đặt ngang nhau, hai đèn này thay phiên nhau nhấp nháy khi bật sáng. Khi có tàu sắp tới đường ngang, đèn báo hiệu bật sáng, cấm đi lại qua đường ngang. Khi tàu ra hết đường ngang, chắn đã mở hoàn toàn, đèn báo hiệu tắt, việc đi lại trên đường bộ trở lại bình thường.

2. Thời điểm đèn báo hiệu bật sáng phải bảo đảm trước lúc tàu tới đường ngang ít nhất là:

a) 60 giây khi dùng đèn báo hiệu tự động (đối với đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động);

b) 90 giây khi dùng đèn báo hiệu tự động và chắn đường bộ không tự động;

c) 120 giây khi dùng đèn báo hiệu không tự động (điện hoặc dầu).

3. Tại các đường ngang cấp I, cấp II phải dùng đèn báo hiệu bằng điện. Cường độ ánh sáng phải đúng quy định của đèn tín hiệu đường bộ.

4. Chuông điện phải được lắp đặt trên cùng cột đèn báo hiệu; khi chuông kêu, phải có âm lượng đủ to để người đi bộ cách xa 15 m nghe được. Chuông kêu khi tàu tới gần đường ngang. Chuông tắt khi chắn đóng hoàn toàn.

5. Cột tín hiệu cảnh báo đường ngang sử dụng loại cột bê tông cao 10 m chôn sâu 2 m, lắp các tấm chống lún, chống lật; Tầm nhìn tín hiệu phải đảm bảo liên tục và lớn hơn 800 m đối với địa hình bình thường, nơi địa hình khó khăn không được nhỏ hơn 400 m.

Khi gặp tín hiệu đèn vàng sáng nhấp nháy biểu thị tín hiệu đường ngang gặp trở ngại, lái tàu phải hạn chế tốc độ dưới 15km/h cho đến khi tàu qua khỏi đường ngang.

Điều 25. Độ sáng và góc phát sáng của đèn báo hiệu trên đường bộ vào đường ngang

1. Ánh sáng và góc phát sáng của đèn báo hiệu phải bảo đảm để người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhìn thấy được tín hiệu từ khoảng cách 100 m trở lên.

2. Ánh sáng đỏ của đèn báo hiệu không được chiếu về phía đường sắt.

Sơ đồ đèn báo hiệu trên đường bộ được thể hiện tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

Điều 26. Vị trí đặt biển kéo còi

Trên hai phía đường sắt đi tới đường ngang phải đặt biển “Kéo còi”. Vị trí, quy cách biển được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt QCVN 06:2011/BGTVT.

Điều 27. Thẩm quyền quyết định đặt tín hiệu ngăn đường

Trên hai phía đường sắt đi tới đường ngang có người gác, khi cần phải đặt tín hiệu ngăn đường thì người có thẩm quyền thành lập đường ngang quyết định, trừ những đường ngang sau đây:

1. Đường ngang mà chắn đường bộ thường xuyên đóng hoặc có cần chắn tự động hoặc tín hiệu cảnh báo tự động;

2. Đường ngang nằm trong phạm vi phòng vệ của tín hiệu vào ga, ra ga, hoặc tín hiệu bãi dồn, tín hiệu thông qua trên đường sắt có thiết bị đóng đường tự động hoặc tín hiệu phòng vệ khác, khi các tín hiệu trên cách đường ngang dưới 800 m.

Điều 28. Vị trí đặt tín hiệu ngăn đường trên đường sắt

1. Tín hiệu ngăn đường trên đường sắt đặt cách đường ngang (tính từ vai đường bộ cùng phía) từ 100 m đến 500 m.

Nơi nhiều đường ngang có người gác ở gần nhau và khoảng cách giữa hai đường ngang nhỏ hơn 500 m mà chưa cải tạo được theo quy định tại Điều 51 của Thông tư này thì tín hiệu ngăn đường trên đường sắt bố trí ở hai đầu khu vực chung cho các đường ngang đó.

2. Tín hiệu ngăn đường phải đặt ở bên trái theo hướng tàu chạy vào đường ngang. Trường hợp khó khăn đặc biệt, người có thẩm quyền thành lập đường ngang được quyết định đặt ở bên phải theo hướng tàu chạy vào đường ngang.

3. Tầm nhìn của tín hiệu ngăn đường trên đường sắt phải bảo đảm ít nhất 800 m. Trường hợp địa hình khó khăn, tầm nhìn của tín hiệu ngăn đường không được nhỏ hơn 400 m.

Điều 29. Hoạt động của tín hiệu ngăn đường trên đường sắt

1. Tín hiệu ngăn đường trên đường sắt là tín hiệu màu đỏ, tín hiệu ngăn đường bật sáng báo hiệu dừng tàu.

2. Khi tín hiệu ngăn đường tắt, tàu hoạt động bình thường. Khi có trở ngại trên đường ngang ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu thì nhân viên gác chắn mới chuyển tín hiệu này bật sáng.

3. Đường ngang có người gác nằm trên khu gian có thiết bị đóng đường tự động thì bất kể có tín hiệu ngăn đường trên đường sắt hay không, đều phải lắp đặt thiết bị để chuyển tín hiệu đóng đường ở gần đường ngang nhất về trạng thái đóng để nhân viên gác chắn thao tác kịp thời khi trên đường ngang có trở ngại ảnh hưởng đến chạy tàu.

Điều 30. Thiết bị thông tin tại nhà gác đường ngang

Trong nhà gác đường ngang phải có các thiết bị thông tin tín hiệu như điện thoại hoặc điện thoại và thiết bị thông báo tự động cho nhân viên gác chắn biết khi tàu tới gần đường ngang.

Điều 31. Thiết bị tín hiệu và thiết bị phòng vệ đường ngang

1. Đối với đường ngang có người gác

Các thiết bị tín hiệu và thiết bị phòng vệ đường ngang có người gác hoạt động bằng điện phải được điều khiển tập trung tại nhà gác đường ngang; trường hợp không thể điều khiển tập trung được phải được người có thẩm quyền quyết định thành lập đường ngang cho phép.

Các thiết bị phải luôn ở trạng thái sử dụng tốt, phải điều khiển được bằng tay nếu thiết bị tự động bị hư hỏng đột xuất.

2. Đối với hệ thống tự động phòng vệ đường ngang, bao gồm: Phòng vệ bằng cần chắn tự động và bằng cảnh báo tự động

Các tín hiệu tự động phía đường bộ phải đảm bảo thông báo rõ ràng và kịp thời trong mọi điều kiện thời tiết về trạng thái đóng đường ngang.

Khi thiết bị của hệ thống tự động phòng vệ đường ngang có trở ngại, không thể phát tín hiệu cấm đường bộ thì đơn vị quản lý đường sắt sở tại phải khẩn trương sửa chữa, khôi phục lại hệ thống tự động phòng vệ đường ngang trong thời gian sớm nhất. Đồng thời trong thời gian chờ sửa chữa, đơn vị quản lý đường sắt sở tại phải tổ chức phòng vệ đường ngang theo biện pháp sau:

a) Phải có tín hiệu cảnh báo (đèn vàng sáng nhấp nháy) cả về phía đường sắt và đường bộ.

b) Cử người tổ chức phòng vệ tại đường ngang.

Điều 32. Chiếu sáng tại đường ngang

Đường ngang có người gác ở nơi có nguồn điện lưới quốc gia phải trang bị đèn chiếu sáng về ban đêm và ban ngày khi có sương mù. Ánh sáng đèn đủ để người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ nhìn rõ tín hiệu của người gác chắn.

Điều 33. Quy định về kỹ thuật đối với chắn đường ngang

1. Đường ngang có người gác phải đặt chắn ở hai đầu đường bộ đi vào đường ngang. Xà chắn đặt cách má ray ngoài cùng 6 m. Trường hợp địa hình hạn chế, xà chắn không được vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc của đường sắt.

2. Xà chắn có thể làm trơn hoặc treo các lá kim loại hoặc lưới kim loại.

3. Xà chắn (trừ xà chắn tự động) đều phải có bộ phận chốt hãm để chắn không thể tự di chuyển.

Điều 34. Thao tác đóng, mở chắn đường ngang

1. Ở đường ngang có người gác, khi chắn đã đóng, xà chắn phải chắn ngang hết mặt đường bộ, liền sát với hàng rào cố định và phải cao hơn mặt đường bộ từ 1 m đến 1,2 m.

2. Chắn phải bắt đầu đóng từ phía bên phải đường bộ (theo hướng đi vào đường ngang) sang phía trái. Đường ngang có nhiều chắn phải đóng chắn phía bên phải trước, đóng chắn phía trái tiếp theo cho đến chắn tận cùng phía bên trái.

3. Khi chắn mở, không một bộ phận nào của chắn được cản trở tĩnh không đường bộ.

4. Cấm để giàn chắn, cần chắn ở vị trí lơ lửng.

Điều 35. Các loại chắn đường ngang

Chắn ở đường ngang có người gác có 2 loại: cần chắn và giàn chắn. Quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật của cần chắn, giàn chắn được quy định theo sơ đồ tại Phụ lục 4 của Thông tư này.

Điều 36. Thời gian đóng chắn

1. Hai phía đường bộ đi vào đường ngang phải được đóng chắn hoàn toàn trước khi tàu đến đường ngang ít nhất:

a) 40 giây đối với chắn tự động;

b) 60 giây đối với chắn điện và tời;

c) 90 giây đối với chắn thủ công.

2. Không đóng chắn trước quá 3 phút đối với đường ngang cấp I, cấp II và trước quá 5 phút đối với đường ngang cấp III trước khi tàu đến đường ngang; trừ đường ngang có quy định riêng của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 37. Hoạt động cửa cơ cấu và thiết bị chắn tự động

Các cơ cấu và thiết bị chắn tự động phải bảo đảm hoạt động theo trình tự sau đây:

1. Khi tàu đến gần đường ngang, đèn đỏ báo hiệu trên đường bộ và đèn đỏ trên xà chắn tự động bật sáng, chuông báo hiệu tự động kêu. Sau từ 7 giây đến 8 giây, cần chắn bắt đầu đóng. Khi cần chắn đóng hoàn toàn, chuông báo hiệu tự động tắt;

2. Khi tàu qua khỏi đường ngang, cần chắn tự động mở. Khi chắn đã mở hoàn toàn, đèn trên xà chắn và đèn báo hiệu trên đường bộ tự động tắt.

Đường ngang lắp đặt cần chắn tự động và không bố trí người gác chỉ dùng loại cần đóng 1/2 hoặc 2/3 mặt đường bộ. Phần đường bộ còn lại không có cần chắn phải rộng ít nhất 3 m và ở bên trái của chiều xe chạy vào đường ngang.

Điều 38. Vị trí đặt biển báo, chuông trên đường bộ đối với đường ngang không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật

1. Nơi đường bộ chạy song song với đường sắt có đường rẽ vào đường sắt mà đường bộ từ chỗ rẽ đến má ray ngoài cùng của đường sắt cùng phía nhỏ hơn 10 m thì phải bố trí giao cắt lập thể hoặc làm đường bộ đi vòng để kéo đài đoạn đường rẽ đủ để đặt biển báo hiệu, cọc tiêu, vạch kẻ đường.

2. Việc đặt biển báo hiệu trên đoạn đường bộ nói tại Điều này được quy định như sau:

a) Khi chiều dài đoạn đường bộ nhỏ hơn 10 m: Đặt 2 biển phụ “chỗ đường sắt giao cắt với đường bộ” (biển số 242a hoặc 242b) và cột đèn báo hiệu, chuông điện trên đường bộ của đường sắt theo hướng vuông góc với chiều xe chạy trên đường bộ song song với đường sắt. Quy cách các biển theo Điều 22 của Thông tư này.

Vị trí cắm biển tại lề đường bộ, nơi giao cắt giữa lề đường bộ vào đường sắt và đường bộ chạy song song với đường sắt;

b) Khi chiều dài đoạn đường bộ từ 10 m đến 50 m: Chỉ đặt một biển phụ “chỗ đường sắt giao cắt với đường bộ” (biển số 242a hoặc 242b) và cột đèn báo hiệu, chuông trên đường bộ của đường sắt (cho đường ngang có người gác và cảnh báo tự động);

c) Khi chiều dài đoạn đường bộ trên 50 m: Đặt các biển báo hiệu theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này.

3. Mặt biển báo hiệu trên đường bộ đặt vuông góc với chiều xe đi vào đường ngang và đặt trong phạm vi đoạn đường rẽ vào đường sắt.

Điều 39. Đèn báo hiệu trên đường bộ khi khoảng cách từ đường bộ giao cắt với đường bộ vào đường ngang nhỏ hơn 50 m

Tại ngã ba, ngã tư đường bộ có nhánh đường bộ đi vào đường ngang có tổ chức phòng vệ, khi khoảng cách từ ngã ba, ngã tư đó đến đường ngang nhỏ hơn 50 m thì cơ quan quản lý đường bộ phải:

1. Đặt đèn báo hiệu trên đường bộ ở ngã ba, ngã tư nếu ở ngã ba, ngã tư không có đèn điều khiển giao thông để báo cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ sắp đi vào đường ngang đỗ lại trước ngã ba, ngã tư khi chắn đường bộ tại đường ngang phía trước đang đóng.

Nếu ở ngã ba, ngã tư có đèn điều khiển giao thông đường bộ thì đèn này phải có biểu thị phù hợp với đèn báo hiệu trên đường bộ đặt trên đoạn đường bộ đi vào đường ngang.

2. Đèn báo hiệu trên đường bộ song song với đường sắt phải có biểu thị phù hợp với biểu thị tín hiệu đường sắt (khi đường bộ vào đường ngang đóng để cho tàu chạy; đường bộ song song với đường sắt phải thanh thoát).

Điều 40. Đặt biển báo hiệu trên đường bộ đi vào đường ngang khi cùng một lúc giao cắt cả đường sắt và đường bộ chạy song song

Đường bộ cùng một lúc giao cắt cả đường sắt và đường bộ chạy song song với đường sắt, việc đặt biển báo hiệu trên đường bộ đi vào đường ngang được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Hướng đường bộ đi vào đường ngang có giao cắt với đường bộ sau đó giao cắt với đường sắt thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này;

2. Hướng đường bộ đi vào đường ngang không giao cắt với đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này.

Thông tư 33/2012/TT-BGTVT quy định về đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 33/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/08/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 26/09/2012
  • Số công báo: Từ số 603 đến số 604
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH