Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 33/2012/TT-BGTVT quy định về đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đường ngang, quy tắc giao thông tại đường ngang, tổ chức phòng vệ và tổ chức quản lý, xây dựng đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông, quản lý, xây dựng đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.

2. Thông tư này không áp dụng đối với nơi đường sắt và đường bộ cùng trên một mặt cầu; nơi đường sắt giao cắt với đường bộ trong nội bộ ga, cảng, bãi hàng nhà máy, xí nghiệp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đường sắt quốc gia là đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải chung của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế.

2. Đường sắt đô thị là đường sắt phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của hành khách ở thành phố, vùng phụ cận.

3. Đường sắt chuyên dùng là đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải riêng của từng tổ chức, cá nhân.

4. Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.

5. Đường bộ là đường dùng cho người và các phương tiện giao thông đường bộ qua lại. Đường bộ bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng, đường phục vụ triển khai dự án.

6. Đường sắt chính bao gồm:

a) Đối với đường sắt khổ 1000 mm là đường sắt cấp 1, cấp 2, cấp 3 (theo TCVN 8893:2011 cấp kỹ thuật đường sắt);

b) Đối với đường sắt khổ 1435 mm và đường sắt lồng (khổ 1435 mm và khổ 1000 mm) là đường sắt cấp 2, cấp 3 (theo TCVN 8893:2011 cấp kỹ thuật đường sắt).

Điều 4. Phạm vi đường ngang

Phạm vi đường ngang gồm:

1. Đoạn đường bộ đi qua đường sắt nằm giữa hai chắn hoặc nằm giữa hai ray chính ngoài cùng và hai bên đường sắt cách má ray ngoài cùng trở ra 6 m nơi không có chắn;

2. Đoạn đường sắt nằm giữa hai vai đường bộ tại điểm giao (Phụ lục 2);

3. Phạm vi đất nằm trong tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ.

Điều 5. Phân loại đường ngang theo thời gian sử dụng

1. Đường ngang sử dụng lâu dài.

2. Đường ngang sử dụng có thời hạn.

3. Đường ngang thường xuyên đóng (chỉ sử dụng khi có nhu cầu).

Điều 6. Phân loại đường ngang theo hình thức tổ chức phòng vệ

1. Đường ngang có người gác bao gồm:

a) Đường ngang có: Người gác, giàn chắn hoặc cần chắn, đèn báo hiệu trên đường bộ, chuông điện, biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào, vạch kẻ đường, tín hiệu ngăn đường phía đường sắt (nếu có).

b) Đường ngang có: Người gác, giàn chắn hoặc cần chắn, biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, tín hiệu ngăn đường phía đường sắt (nếu có), vạch kẻ đường (nếu có).

2. Đường ngang không có người gác bao gồm:

a) Đường ngang có cần chắn tự động là đường ngang có: cần chắn tự động, đèn báo hiệu trên đường bộ, chuông điện, biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, vạch kẻ đường, không có tín hiệu ngăn đường phía đường sắt.

b) Đường ngang cảnh báo tự động là đường ngang có: Tín hiệu cảnh báo tự động, đèn báo hiệu trên đường bộ, chuông điện, biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, vạch kẻ đường, không có cần chắn, không có tín hiệu ngăn đường phía đường sắt.

c) Đường ngang biển báo là đường ngang có: Biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, vạch kẻ đường.

Điều 7. Phân loại đường ngang theo chủ thể quản lý

1. Đường ngang do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quản lý bao gồm:

a) Đường ngang công cộng là nơi đường sắt quốc gia hoặc đường sắt chuyên dùng có kết nối với đường sắt quốc gia giao cắt với đường bộ;

b) Đường ngang nội bộ là nơi đường sắt quốc gia hoặc đường sắt chuyên dùng có kết nối với đường sắt quốc gia giao cắt với đường bộ chuyên dùng.

2. Đường ngang do tổ chức, cá nhân khác đầu tư, quản lý khai thác, bảo trì có: đường ngang chuyên dùng là nơi đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường bộ.

3. Đường ngang do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý có: đường ngang đô thị là nơi giao cắt giữa đường xe điện bánh sắt với đường bộ.

Điều 8. Phân cấp đường ngang

1. Đường ngang cấp I, cấp II, cấp III là đường ngang được phân cấp phù hợp với một trong các tiêu chuẩn được quy định tại Phụ lục 16 kèm theo Thông tư này.

2. Đường ngang nằm trong nội thành, nội thị (thành phố, thị xã, thị trấn) được xếp vào cấp tương ứng do cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 52 của Thông tư này quyết định.

3. Đường ngang đặc biệt là đường ngang khi xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định tại Thông tư này.

4. Cấp đường ngang được thay đổi khi cấp đường bộ qua đường ngang thay đổi hoặc tích số tàu xe qua đường ngang tăng lên.

Điều 9. Quy định về phòng vệ đường ngang

1. Đối với đường ngang cấp I, cấp II phải tổ chức phòng vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.

2. Đối với đường ngang cấp III:

a) Đối với đường ngang cấp III, tầm nhìn không đảm bảo theo quy định tại mục 11.4.3 - Phụ lục 1 của Thông tư này, thì phải tổ chức phòng vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này;

b) Đối với đường ngang cấp III, tầm nhìn đảm bảo theo quy định tại mục 11.4.3 - Phụ lục 1 của Thông tư này, thì tổ chức phòng vệ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.

Điều 10. Bảo vệ hệ thống báo hiệu, thiết bị, công trình đường ngang

Hệ thống báo hiệu, thiết bị, công trình đường ngang là phương tiện bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn. Mọi tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm bảo vệ; không được tự ý di chuyển, chiếm đoạt, làm hư hỏng hoặc làm giảm hiệu lực và tác đụng của các hệ thống quy định tại Điều này.

Điều 11. Phối hợp kiểm tra đường ngang

Hàng năm, cơ quan quản lý đường sắt chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ tiến hành việc kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa đường ngang theo quy định sau đây:

1. Đối với đường ngang công cộng, đường ngang nội bộ: Do cơ quan quản lý đường sắt quốc gia chủ trì.

2. Đối với đường ngang chuyên dùng: Do cơ quan quản lý đường sắt chuyên dùng chủ trì.

3. Đối với đường ngang đô thị: Do cơ quan quản lý đường sắt đô thị chủ trì.

Điều 12. Trách nhiệm của thanh tra đường sắt, thanh tra đường bộ

Lực lượng thanh tra đường sắt, thanh tra đường bộ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông tại đường ngang theo quy định của pháp luật.

Thông tư 33/2012/TT-BGTVT quy định về đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 33/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/08/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 26/09/2012
  • Số công báo: Từ số 603 đến số 604
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH