Hệ thống pháp luật

Điều 26 Thông tư 23/2010/TT-NHNN quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Điều 26. Giấy tờ có giá được sử dụng ký quỹ

1. Các giấy tờ có giá được sử dụng ký quỹ (sau đây gọi tắt là giấy tờ có giá ký quỹ) để thiết lập hạn mức nợ ròng trong thanh toán giá trị thấp bao gồm:

a) Tín phiếu Kho bạc Nhà nước;

b) Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

c) Trái phiếu Kho bạc Nhà nước;

d) Trái phiếu công trình Trung ương;

đ) Công trái xây dựng Tổ quốc;

e) Trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành;

g) Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn;

h) Trái phiếu do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn;

i) Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành;

k) Các giấy tờ có giá khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Tính toán giấy tờ có giá ký quỹ

a) Sở Giao dịch thực hiện cầm cố giấy tờ có giá của thành viên ký quỹ để tham gia thanh toán giá trị thấp có giá trị còn lại bằng 10% hạn mức nợ ròng do Sở Giao dịch thông báo cho thành viên;

b) Sở Giao dịch có thể điều chỉnh số tiền tương đương giá trị của giấy tờ có giá ký quỹ của các thành viên gửi vào trong phạm vi được phép để bảo đảm khả năng thanh toán của các thành viên này;

c) Kết quả sau khi thực hiện tính toán số tiền giấy tờ có giá ký quỹ, phần thập phân dưới 100 triệu đồng sẽ được làm tròn lên số nguyên gần nhất.

3. Thời điểm gửi giấy tờ có giá ký quỹ

Các thành viên tham gia quyết toán bù trừ phải cung cấp các giấy tờ có giá ký quỹ cho Sở Giao dịch vào các thời điểm sau:

a) Giấy tờ có giá ký quỹ theo nội dung đã nêu tại Điểm a Khoản 2 Điều này, được nộp cho Sở Giao dịch vào thời điểm thông báo về hạn mức nợ ròng được thiết lập hoặc điều chỉnh tăng. Trường hợp tăng hạn mức nợ ròng như đã quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này, giấy tờ có giá ký quỹ được nộp vào thời điểm quy định cùng ngày xử lý khoản quyết toán bù trừ liên quan đến việc tăng này;

b) Giấy tờ có giá ký quỹ theo nội dung đã nêu tại Điểm b Khoản 2 Điều này, sẽ được nộp vào cuối tháng, sau khi hoàn thành việc tính toán số tiền tối thiểu của giấy tờ có giá ký quỹ.

4. Định giá giấy tờ có giá ký quỹ

Giấy tờ có giá ký quỹ tham gia thanh toán giá trị thấp được định giá theo giá trị còn lại của từng loại giấy tờ có giá tại thời điểm định giá.

5. Hoàn trả các giấy tờ có giá ký quỹ

a) Khi giá trị của các giấy tờ có giá ký quỹ gửi tại Sở Giao dịch vượt quá số tiền tối thiểu đã được tính toán theo Điểm b Khoản 2 Điều này, thành viên tham gia quyết toán bù trừ tương ứng có thể yêu cầu trả lại các giấy tờ có giá ký quỹ tương đương với phần vượt nêu trên;

b) Nhận được yêu cầu trả lại các giấy tờ có giá ký quỹ hợp lệ, Sở Giao dịch làm thủ tục trả lại các giấy tờ có giá ký quỹ này vào ngày làm việc tiếp sau.

6. Chuyển nhượng giấy tờ có giá ký quỹ

Trường hợp thành viên thiếu vốn thanh toán, sau khi đã thực hiện các giải pháp được quy định tại Điều 31 Thông tư này mà vẫn không đủ vốn thanh toán, thì Sở Giao dịch sẽ thực hiện chuyển nhượng các giấy tờ có giá ký quỹ của thành viên này tại phiên giao dịch gần nhất của Thị trường tiền tệ hoặc Thị trường chứng khoán. Thủ tục chuyển nhượng các giấy tờ có giá ký quỹ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư 23/2010/TT-NHNN quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 23/2010/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/11/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Toàn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 704 đến số 705
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH