Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-BTC/TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 1991

THÔNG TƯ

SỐ 15-BTC/TT NGÀY 16-3-1991 CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI QUỐC DOANH VÀ NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN

Thi hành Nghị định số 196-HĐBT ngày 11-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng "quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ", Nghị định số 155-HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng "quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính", các Luật thuế doanh thu, thuế lợi tức ban hành theo Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, Kỳ họp thứ 7 ngày 30-6-1990 và Nghị định số 351-HĐBộ trưởng, Nghị định số 353-HĐBT ngày 02-10-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành các luật thuế.
Căn cứ Pháp lệnh kế toán - thống kê do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 20-5-1988 và Nghị định số 25-HĐBT ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước.
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính ban hành theo lệnh số 38-LCT/HĐNN ngày 24-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính đối với Ngân hàng thương mại quốc doanh và Ngân hàng đầu tư và phát triển như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh và Ngân hàng đầu tư và phát triển (dưới đây gọi tắt là Ngân hàng quốc doanh) là đối tượng thực hiện các quy định trong Thông tư này.

2. Ngân hàng quốc doanh là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, được Nhà nước cấp vốn điều lệ, có quyền tự chủ về tài chính, chịu trách nhiệm vật chất về kết quả kinh doanh, đảm bảo vốn của Nhà nước được bảo toàn và phát triển, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước theo đúng luật định.

3. Ngân hàng quốc doanh thực hiện các chế độ tài chính của Nhà nước quy định chung cho xí nghiệp quốc doanh và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

II- NỘI DUNG QUẢN LÝ THU, CHI TÀI CHÍNH

1. Vốn Nhà nước và trách nhiệm bảo toàn:

a) Vốn Nhà nước thuộc quyền sử dụng, bảo toàn và phát triển của Ngân hàng quốc doanh gồm:

- Vốn ngân sách cấp: bao gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản do ngân sách cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (như chênh lệch giá và các khoản phải nộp ngân sách nhưng được ngân sách để lại), vốn được viện trợ, quyên tặng hoặc tiếp quản từ chế độ cũ để lại.

- Vốn Ngân hàng quốc doanh bổ sung: gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản hình thành từ lợi nhuận để lại, các quỹ của Ngân hàng (trừ quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng).

b) Trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của Ngân hàng quốc doanh

- Toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước cấp và vốn Ngân hàng bổ sung thêm từ sau thời điểm giao vốn đều phải tính chung vào số vốn Ngân hàng quốc doanh đã nhận và phải bảo toàn.

- Đối với vốn bổ sung, Ngân hàng quốc doanh được tự chủ trong việc sử dụng như thay thế đổi mới tài sản cố định, gốp vốn liên doanh liên kết. Tuy nhiên, số vốn này chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, không được sử dụng vốn Ngân hàng quốc doanh bổ sung vào mục đích ngoài kinh doanh, dịch vụ như xây dựng các công trình phúc lợi, mua sắm các phương tiện đồ dùng phục vụ sinh hoạt và đời sống.

- Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng quốc doanh xác định lại số vốn Ngân hàng quốc doanh phải bảo toàn đến thời điểm 31-12. Số liệu này được dùng làm căn cứ duyệt quyết toán số vốn bảo toàn năm báo cáo và làm cơ sở kiểm tra mức độ bảo toàn vốn trong năm tiếp theo.

Việc xác định mức độ bảo toàn vốn thực hiện theo các văn bản của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc doanh chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng vốn. Mọi tổn thất, thiếu hụt vốn, tuỳ từng trường hợp sẽ sử lý theo quy định của Nhà nước.

- Ngân hàng đầu tư và phát triển chịu sự quản lý, kiểm tra của cơ quan tài chính trong quá trình thực hiện chức năng quản lý, cho vay và cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch Nhà nước. Hàng năm, quyết toán vốn đầu tư theo nội dung hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Thu nhập, chi phí của Ngân hàng quốc doanh:

a) Thu nhập của Ngân hàng quốc doanh:

- Thu lãi cho vay (vốn cố định, vốn lưu động, vốn lưu động, nợ quá hạn).

- Thu lãi tiền gửi

- Thu lãi về hùn vốn, góp vốn liên doanh, liên kết

- Thu nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ và đối ngoại

- Thu lệ phí hoa hồng về các dịch vụ Ngân hàng

- Thu tiền phạt khách hàng phát hành séc quá số dư

- Các khoản thu khác trong hoạt động kinh doanh (bao gồm cả thu về cho thuê tài sản cố định).

Ngân hàng quốc doanh phải hạch toán đầy đủ, toàn bộ các khoản thu nhập theo đúng Pháp lệnh kế toán - thống kê và Điều lệ tổ chức kế toán do Nhà nước ban hành.

Các khoản thu lãi Ngân hàng quốc doanh hạch toán thu nhập theo lãi suất do Nhà nước quy định. Các khoản thu lãi bằng ngoại tệ, bằng vàng (nếu có) đều hạch toán quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỉ giá Nhà nước quy định tại thời điểm phát sinh.

Ngân hàng quốc doanh phải đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thu nhập theo quy định.

b) Chi phí hoạt động của Ngân hàng quốc doanh:

+ Chi phí nghiệp vụ kinh doanh;

+ Trả lãi tiền gửi các tổ chức kinh tế, lãi huy động tiết kiệm của dân cư và huy động các nguồn vốn khác.

+ Trả lãi tiền vay Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác.

+ Trả lãi vay nước ngoài (nếu có)

+ Chi về nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ và đối ngoại

+ Chi trả lệ phí hoa hồng về các nghiệp vụ uỷ nhiệm

+ Các khoản chi khác về nghiệp vụ kinh doanh

+ Chi phí quản lý:

- Các khoản chi cho người lao động:

+ Chi lương theo đơn giá tiền lương được duyệt

+ Các khoản phải nộp về Bảo hiểm xã hội

+ Chi phương tiện bảo hộ lao động đối với những đối tượng được cấp bảo hộ lao động theo quy định của Nhà nước.

- Các khoản chi quản lý khác

+ Chi công tác phí theo quy định của Nhà nước

+ Chi khấu hao tài sản cố định theo quy định của Nhà nước

+ Chi phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định; sửa chữa hệ thống bảo vệ, bảo quản kho tiền không thuộc nguồn vốn khấu hao sửa chữa lớn và nguồn vốn xây dựng cơ bản theo nhu cầu thực tế phát sinh, nhưng mức chi không vượt quá tỉ lệ sau: mà chi

- Ngân hàng công thương: 5%

- Ngân hàng nông nghiệp: 10%

- Ngân hàng đầu tư và phát triển: 8%

- Ngân hàng ngoại thương: 3%

(Tỉ lệ chi sửa chữa thường xuyên tính trên tổng giá trị tài sản cố định bình quân năm).

+ Chi công cụ lao động cần thiết cho hoạt động kinh doanh.

+ Chi trang phục giao dịch cho CNVC Ngân hàng theo định mức.

+ Chi giấy tờ in, vật liệu Văn phòng, kho tàng, vận chuyển bốc xếp, tuyên truyền quản cáo, đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, cước phí bưu điện, thông tin liên lạc v.v...

+ Các khoản chi khác hợp lý phát sinh do yêu cầu kinh doanh.

Các Ngân hàng quốc doanh phải hạch toán đầy đủ, chính xác, đúng chế độ các khoản chi theo quy định. Đối với chi trả lãi, Ngân hàng quốc doanh hạch toán chi phí theo lãi suất do Nhà nước quy định. Các khoản chi bằng ngoại tệ, bằng vàng (nếu có) đều phải hạch toán quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỉ giá Nhà nước quy định tại thời điểm phát sinh.

c) Các Ngân hàng quốc doanh không được hạch toán vào chi phí các khoản sau:

+ Tiền phạt phải nộp ngân sách Nhà nước do vi phạm luật thuế và vi phạm nghĩa vụ báo cáo, cung cấp số tài liệu với cơ quan tài chính.

+ Các khoản tiền phạt phải trả khách hàng về những thiệt hại vật chất do Ngân hàng quốc doanh gây ra.

+ Các khoản mất mát, tổn thất tài sản Nhà nước do cá nhân, tập thể các Ngân hàng gây ra.

+ Các khoản mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản.

+ Các khoản chi thuộc nguồn vốn khác đài thọ (bù đắp rủi ro trong kinh doanh...).

Toàn bộ các khoản trên nếu có phát sinh, các Ngân hàng quốc doanh phải sử dụng đúng nguồn để bù đắp; trường hợp hết nguồn vốn thì phải tính trừ vào phần lợi nhuận để lại Ngân hàng (lợi nhuận sau khi làm nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước và trích lập các quỹ dự trữ).

3. Nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước của Ngân hàng quốc doanh:

(+) Ngân hàng quốc doanh phải nộp đầy đủ và đúng thời hạn vào ngân sách Nhà nước các khoản sau:

+ Thuế doanh thu, thuế lợi tức và thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

+ Khấu hao cơ bản tài sản cố định theo quy định của Nhà nước.

+ Các khoản phải nộp khác theo chế độ quy định.

Về nghĩa vụ nộp thuế được quy định như sau:

- Thuế doanh thu:

Doanh thu tính thuế của Ngân hàng quốc doanh là tiền thu về lãi suất do người vay trả hoặc tiền hoa hồng được hưởng đối với các hoạt động dịch vụ khác (các khoản thu nhập đã nêu tại mục a, phần 2; đối với Ngân hàng đầu tư và phát triển có bao gồm cả nguồn thu lãi từ quỹ tín dụng đầu tư của ngân sách Nhà nước chuyển sang để Ngân hàng cho vay).

Thuế doanh thu do các chi nhánh Ngân hàng quốc doanh (tỉnh, thành phố, đặc khu) nộp trực tiếp vào Chi cục Kho bạc Nhà nước nơi Chi nhánh có phát sinh các hoạt động và nộp định kỳ hàng tháng theo luật định (thuế doanh thu Ngân hàng không thuộc diện điều tiết cho ngân sách địa phương và vẫn thống nhất nộp lên ngân sách trung ương).

Cơ quan tài chính có nhiệm vụ kiểm tra doanh thu tính thuế, cấp chứng từ xác nhận việc đã thu thuế cho Ngân hàng quốc doanh bằng ấn chỉ do Bộ Tài chính thống nhất phát hành để các chi nhánh Ngân hàng làm căn cứ báo cáo tình hình thu nộp về Ngân hàng quốc doanh trung ương.

- Thuế lợi tức:

Lợi tức chịu thuế của Ngân hàng quốc doanh là lợi nhuận sau khi loại trừ thuế doanh thu và thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Thuế lợi tức của Ngân hàng quốc doanh được thu tập trung tại Ngân hàng trung ương hàng tháng; Ngân hàng quốc doanh - trung ương có trách nhiệm nộp thuế lợi tức tại địa điểm do Tổng cục thuế ấn định.

Ngân hàng quốc doanh không được tính vào chi phí kinh doanh để xác định lợi tức chịu thuế hoặc giảm trừ lợi tức chịu thuế các khoản như đã đề cập ở mục c, phần 2.

Mức thuế doanh thu và thuế lợi tức được thi hành theo luật thuế, cụ thể như sau:

Thuế doanh thu

Thuế lợi tức

Ngân hàng công thương

6%

50%

Ngân hàng nông nghiệp

4%

50%

Ngân hàng ngoại thương

8%

50%

Ngân hàng đầu tư và phát triển

6%

50%

Căn cứ tính thuế, thời hạn nộp thuế và các thủ tục nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức của Ngân hàng quốc doanh được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 351-HĐBộ trưởng, Nghị định số 353-HĐBộ trưởng ngày 02-10-1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 45-TC/TCT, số 47-TC/TCT ngày 04-10-1990 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành các nghị định trên.

- Thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được thực hiện theo Nghị định số 22-HĐBT ngày 24-01-1991 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 13-TC/TCT ngày 28-02-1991 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định trên.

+ Trường hợp Ngân hàng quốc doanh có tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thì phải nộp thuế theo đúng luật thuế quy định cho từng loại hoạt động. Việc nộp thuế đối với các hoạt động này được thực hiện tại địa phương nơi các chi nhánh có phát sinh hoạt động.

(+) Hoạt động kinh doanh vàng bạc trực thuộc các Ngân hàng quốc doanh phải hạch toán riêng và nộp thuế theo thuế suất quy định đối với các ngành nghề tương ứng. Các khoản thuế của công ty kinh doanh vàng bạc trực thuộc Ngân hàng quốc doanh đều thực hiện nộp vào Chi cục Kho bạc Nhà nước nơi công ty đóng trụ sở.

Các Ngân hàng quốc doanh không được sử dụng các khoản phải nộp NSHH vào việc khác, kể cả nộp lên ngân hàng Nhà nước dưới bất kỳ hình thức nào mà không có ý kiến của cơ quan tài chính.

4. Phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ:

- Lợi nhuận Ngân hàng quyết định được xác định:

Lợi nhuận của Ngân hàng quốc doanh được để lại


=

Thu nhập


-

Chi phí hợp lý hợp lệ


-

Thuế doanh thu và thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước


-

Thuế lợi tức

- Lợi nhuận của Ngân hàng quốc doanh sau khi nộp thuế lợi tức 50%, số còn lại (coi như 100%) được phân phối như sau:

+ 5% trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ

+ 10% trích lập quỹ dự trữ đặc biệt (trích quỹ dự trữ đặc biệt thực hiện theo tỉ lệ 10% cho đến khi bằng 100% vốn điều lệ).

+ 85% lợi nhuận còn lại, trước hết phải dùng để nộp tiền phạt cho ngân sách Nhà nước và cho khách hàng (nếu có), sau đó được sử dụng lập 3 quỹ của Ngân hàng: quỹ phát triển kỹ thuật nghiệp vụ, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng. Tỉ lệ trích lập các quỹ do Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc doanh quy định.

Riêng quỹ khen thưởng trích trong năm, tối đa không quá 50% quỹ tiền lương thực hiện cả năm của đơn vị. Ngoài tiền thưởng từ lợi nhuận còn lại của đơn vị, các Ngân hàng không được lấy bất kỳ nguồn nào để trả thưởng cho CNVC dưới mọi hình thức.

- Việc tạm trích được quy định như sau:

+ Hàng quý, sau khi xác nhận được kết quả lợi nhuận và thực hiện nộp thuế do Nhà nước, Ngân hàng quốc doanh được trích đủ vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự trữ đặc biệt. Riêng 3 quỹ chỉ tạm được trích tối đa 70% số lợi nhuận còn lại (sau khi đã trừ số tiền trích vào 2 quỹ dự trữ trên).

+ Kết thúc năm tài chính, sau khi quyết toán tài chính năm đã được Bộ Tài chính công nhận và sau khi đã làm đầy đủ nghĩa vụ cho ngân sách Nhà nước, các Ngân hàng quốc doanh mới được chính thức trích đủ 100% cho 3 quỹ.

+ Việc quản lý và sử dụng các quỹ: phát triển kỹ thuật nghiệp vụ, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5. Khấu hao tài sản cố định, xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định:

a) Khấu hao tài sản cố định:

Chế độ khấu hao tài sản cố định của các Ngân hàng quốc doanh được thực hiện theo Thông tư số 33-TC/CN ngày 01-9-1989, Thông tư số 33-TC/CN ngày 31-7-1990 của Bộ Tài chính.

b) Chuyển giao, cho thuê, nhượng bán, thanh lý tài sản cố định:

Các Ngân hàng quốc doanh thực hiện theo Thông tư số 34-TC/CN ngày 31-7-1990 của Bộ Tài chính.

c) Xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định:

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Ngân hàng quốc doanh hình thành từ các nguồn sau:

- Vốn khấu hao cơ bản tài sản cố định được để lại theo quy định

- Quỹ phát triển kỹ thuật nghiệp vụ

- Các nguồn vốn khác (kể cả vốn vay Ngân hàng đầu tư và phát triển).

Các Ngân hàng quốc doanh chỉ được thực hiện việc thanh toán xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định trong phạm vi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của mình, không được dùng vốn kinh doanh để sử dụng cho mục đích xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định.

III- CHẾ ĐỘ LẬP VÀ BÁO CÁO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

- Các Ngân hàng quốc doanh thực hiện báo cáo kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch theo đúng Pháp lệnh kế toán - thống kê của Nhà nước và theo các quy định cụ thể tại Thông tư số 40-TC/VP ngày 08-9-1990 của Bộ Tài chính.

- Hàng năm, chậm nhất là ngày 01-11, Ngân hàng quốc doanh phải lập và gửi cho Bộ Tài chính các tài liệu kế hoạch của năm tiếp theo:

+ Kế hoạch nguồn vốn và sử dụng vốn

+ Kế hoạch thu nhập - chi phí - lợi nhuận

+ Kế hoạch thu nộp ngân sách Nhà nước

+ Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản

+ Kế hoạch khấu hao tài sản cố định

+ Kế hoạch biên chế, quỹ lương và tổng thu nhập

+ Kế hoạch trích lập các quỹ.

Sau khi kế hoạch tài chính được cấp có thẩm quyền duyệt, Ngân hàng quốc doanh có trách nhiệm gửi kịp thời kế hoạch chính thức.

- Ngày 10 đến 15 tháng sau, Ngân hàng quốc doanh gửi Bộ Tài chính báo cáo nhanh tình hình thực hiện kết quả kinh doanh của tháng trước.

- Hàng quý, chậm nhất là ngày thứ 40 của quý sau, Ngân hàng quốc doanh gửi báo cáo tình hình thực hiện các kế hoạch của quý trước cho Bộ Tài chính.

- Báo cáo quyết toán tài chính năm phải hoàn thành và gửi Bộ Tài chính chậm nhất vào ngày 01-3 năm sau.

Quyết toán tài chính năm phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng kết quả hoạt động tài chính trong năm của Ngân hàng quốc doanh và các Chi nhánh phụ thuộc, đồng thời phản ánh tình hình thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước theo luật định.

Báo cáo quyết toán tài chính năm bao gồm các báo cáo thực hiện kế hoạch tài chính đã được duyệt kèm theo báo cáo tình hình thực tế doanh nghiệp và bảng tổng kết tài sản của Ngân hàng quốc doanh.

- Ngân hàng đầu tư và phát triển, ngoài việc gửi các báo cáo như trên, hàng tháng phải có báo cáo thanh toán vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đã chuyển trong tháng, quý đó; hàng năm quyết toán vốn đầu tư theo nội dung hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Các Ngân hàng quốc doanh có nguồn thu ngoại tệ, hàng quý sau khi đã nộp thuế cho Nhà nước, thực hiện bán số ngoại tệ thu được cho quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước theo tỉ lệ do Nhà nước quy định. Ngoại tệ bán cho Nhà nước được quy đổi thành đôla Mỹ.

IV- KHOẢN THỰC HIỆN

- Ngân hàng quốc doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng có hiệu quả tài sản, tiền vốn của Nhà nước, vốn huy động của nhân dân; bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước và hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước theo luật định.

- Ngân hàng quốc doanh chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan tài chính Nhà nước theo luật thuế, theo Pháp lệnh kế toán - thống kê, Pháp lệnh thanh tra quy định.

- Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1991 và thay thế cho Thông tư số 29-TC/CĐTC ngày 10-8-1989 của Bộ Tài chính.

- Các Ngân hàng quốc doanh có trách nhiệm gửi cho Bộ Tài chính các văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư này trong phạm vi nội ngành.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét bổ sung, sửa đổi kịp thời.

Hoàng Quy

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 15-BTC/TT năm 1991 quy định chế độ quản lý tài chính đối với Ngân hàng thương mại Quốc doanh và Ngân hàng đầu tư và phát triển do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 15-BTC/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/03/1991
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hoàng Quy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản