Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 353-HĐBT

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 1990

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 353- HĐBT NGÀY 2-10-1990 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ LỢI TỨC

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật thuế lợi tức;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước số 270B-NQ/HĐNN8 ngày 8 tháng 8 năm 1990 về công bố hiệu lực 3 Luật thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lợi tức,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ LỢI TỨC

Điều 1. Đối tượng nộp thuế lợi tức bao gồm các tổ chức kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập và cá nhân kinh doanh có lợi tức (gọi chung là cơ sở kinh doanh) hoạt động thường xuyên hay không thường xuyên, có địa điểm kinh doanh cố định hay lưu động được quy định tại điều 1, điều 2 Luật thuế lợi tức.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ LỢI TỨC

Điều 2. Doanh thu tính lợi tức chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền dịch vụ trong kỳ quy định tại điều 8 của Luật thuế doanh thu, chưa trừ một khoản phí tổn nào, hoặc tiền bán hàng đối với hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xác định theo số lượng hàng hoá tiêu thụ và giá tính thuế quy định tại điều 6, 7, 8 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Điều 3. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc xác định lợi tức chịu thuế quy định tại điều 7 Luật thuế lợi tức đối với từng ngành, nghề.

Điều 4. Các khoản chi phí hợp lệ, hợp lý được trừ để tính lợi tức chịu thế ghi trong điều 9 Luật thuế thuế lợi tức quy định như sau:

1. Khấu hao tài sản cố định:

- Tài sản cố định có sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải trích khấu hao vào chi phí sản xuất kinh doanh.

2. Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng (gọi chung là vật tư) tính theo mức tiêu hao và giá xuất kho thực tế hợp lý sử dụng vào sản xuất kinh doanh có liên quan đến lợi tức chịu thuế phát sinh trong kỳ.

3. Tiền lương, tiền công, các khoản mang tính chất tiền lương phải trả áp dụng đối với mọi ngành nghề thuộc các thành phần kinh tế, căn cứ vào chính sách tiền lương và thu nhập do Nhà nước quy định.

4. Đối với hộ tư nhân kinh doanh được tính trừ phần tiền lương, tiền công thuê ngoài theo quy định trong khoản 3 trên đây; tiền lương, tiền công trả cho chủ hộ tư nhân không được coi là chi phí, và không được trừ khi xác định lợi tức tính thuế.

5. Các khoản chi phí khác ngoài các chi phí nói ở các khoản 1, 2, 3 trên được công nhận hợp lệ, hợp lý bao gồm:

a) Chi phí quản lý là các khoản chi phí chung.

b) Chi về mua hoặc chi trả tiền sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế phát minh, giấy phép chuyển giao công nghệ và các dịch vụ kỹ thuật (không thuộc tài sản cố định).

c) Chi phí về tiêu thụ sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ.

d) Các khoản mua về bảo hiểm theo chế độ thống nhất của Nhà nước.

đ) Các khoản chi phí bằng tiền theo chế độ.

e) Các khoản thuế dược trừ bao gồm thuế xuất nhập khẩu, thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản thuế hoặc lệ phí đã nộp có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh như thuế thổ trạch, thuế tài nguyên, thu trên vốn, lệ phí trước bạ, lệ phí giao thông, v.v...

6. Không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định lợi tức chịu thuế, hoặc không được tính để giảm trừ lợi tức chịu thuế các khoản sau đây:

a) Các khoản thiệt hại về sản phẩm hỏng vượt quá định mức cho phép, thiệt hại về ngừng sản xuất do mọi nguyên nhân, thiệt hại do trách nhiệm cá nhân gây ra hoặc do không xác định được đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường vật chất.

b) Khoản tiền nộp phạt của cơ sở kinh doanh.

c) Các khoản chi mang tính chất tiền thưởng: thưởng trong lương, thưởng tiết kiệm, phụ giá chất lượng sản phẩm v.v...

d) Các khoản chi không đúng chế độ của Nhà nước quy định.

đ) Các khoản lỗ khác.

e) Các khoản chi do nguồn vốn khác đài thọ

Điều 5. Cơ sở kinh doanh (trừ hộ kinh doanh nhỏ, hộ buôn chuyến) nộp thuế lợi tức theo thuế suất ổn định trên lợi tức chịu thế cả năm đối với từng nhóm ngành nghề quy định tại điều 10 Luật thuế lợi tức.

Cơ sở kinh doanh hoạt động nhiều nhóm ngành nghề chịu thuế suất khác nhau, trường hợp không phân biệt được lợi tức chịu thuế của từng nhóm ngành nghề, thì áp dụng thuế suất thuế lợi tức của nhóm ngành nghề chịu thuế suất cao nhất, tính trên tổng số lợi tức chịu thuế của toàn bộ cơ sở.

Điều 6. Đối với hộ tư nhân kinh doanh, nếu có lợi tức chịu thuế tháng trên 6 triệu đồng thì phải nộp thuế lợi tức bổ sung theo quy định tại quyết nghị của Hội đồng Nhà nước.

Chương 3:

KÊ KHAI, NỘP THUẾ, THU THUẾ LỢI TỨC

Điều 7. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế phải thực hiện chế độ kế toán theo Pháp lệnh kế toán thống kê ngày 10 tháng 5 năm 1988, và Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước ban hành theo Nghị định số 25-HĐBT ngày 18 tháng 3 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng và các quyết định, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 8. Bộ Tài chính thống nhất phát hành hoá đơn sử dụng cho các cơ sở kinh doanh trong cả nước.

Điều 9. Khi cơ quan thuế có yêu cầu về tài liệu liên quan đến việc kiểm tra tính thuế lợi tức, cơ sở kinh doanh có nhiệm vụ:

1. Nộp đủ, đúng hạn các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan thuế.

2. Giải thích, chứng minh các khoản chưa rõ trong tờ khai hoặc sổ sách kế toán, chứng từ hoá đơn.

Cơ sở kinh doanh không được viện lý do bí mật nghề nghiệp để từ chối xuất trình, cung cấp hoặc giải thích các tài liệu cần thiết nói trên theo yêu cầu của cơ quan thuế, cơ quan thuế phải giữ bí mật về những tài liệu do cơ sở kinh doanh cung cấp.

Điều 10. Các tổ chức kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đối tượng nộp thuế khoán, hàng tháng phải làm tờ khai nộp thuế lợi tức và được tạm nộp thuế lợi tức theo quy định của cơ quan thuế. Cuối năm phải quyết toán và thanh toán thuế lợi tức với cơ quan thuế.

Điều 11. Hộ kinh doanh nhỏ và cơ sở kinh doanh buôn chuyến nộp thuế lợi tức theo phương thức khoán trên doanh thu được nộp dứt khoát hàng tháng và từng chuyến hàng. Cuối năm không phải quyết toán lại với cơ quan thuế.

Chương 4:

GIẢM, MIỄN THUẾ LỢI TỨC

Điều 12. Việc giảm, miễn thuế lợi tức, đối với các cơ sở kinh doanh được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Những trường hợp được miễn thuế lợi tức:

a) Những người già yếu, tàn tật hoặc người kinh doanh lặt vặt có thu nhập hàng tháng dưới mức lương và phục cấp tối thiếu của cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước.

b) Các hoạt động vận tải bằng phương tiện thô sơ ở miền núi như xe đạp, xe thồ, xe ba gác, xe súc vật kéo.

c) Các cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm từ miền xuôi lên miền núi thì được miễn thuế lợi tức một năm đầu kể từ tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh. Năm thứ 2 và thứ 3 tiếp theo nếu kinh doanh còn gặp khó khăn như: thiếu vốn kinh doanh, cần phải đầu tư thêm để ổn định nơi sản xuất kinh doanh ... sẽ được xét miễn thuế lợi tức.

d) Các hoạt động sản xuất và dịch vụ sản xuất thuộc kinh tế gia đình phải bảo đảm có đủ các điều kiện theo quy định riêng.

Thẩm quyền xét miễn thuế lợi tức trong các trường hợp nêu trên do cơ quan thuế huyện hoặc cấp tương đương quyết định.

2. Cơ sở kinh doanh có khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ được xét giảm hoặc miễn thuế lợi tức như sau:

- Nếu giá trị thiệt hại từ 20% đến 50% doanh thu chịu thuế trong năm thì cơ quan thuế tỉnh hoặc cấp tương đương xét giảm thuế lợi tức theo tỷ lệ tương ứng.

- Nếu giá trị thiệt hại trên 50% so với doanh thu chịu thuế trong năm thì do Tổng cục thuế Nhà nưóc quyết định giảm hoặc miễn thuế.

3. Các tổ chức, cá nhân ở miền núi và một số ngành nhiều nghề cần khuyến khích đầu tư, nếu sau khi đã dùng hết các nguồn vốn tự có của cơ sở kinh doanh (vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quỹ xí nghiệp...) mà còn phải dùng đến lợi nhuận thu được trong năm để tái đầu tư thì được giảm thuế lợi tức. Tỷ lệ giảm thuế bằng tỷ lệ số tiền đã chi về tái đầu tư bằng nguồn lợi nhuận so với lợi tức chịu thuế trong năm nhưng mức giảm tối đa không quá 50% số thuế lợi tức phải nộp trong năm.

4. Các tổ chức kinh doanh mới thành lập ở miền núi và một số ngành nghề cần khuyến khích đầu tư, nếu năm đầu kinh doanh bị lỗ thì được chuyển số lỗ kinh doanh sang năm kế tiếp để trừ vào lợi tức chịu thuế trước khi tính thuế lợi tức.

Thẩm quyền xét giảm thuế lợi tức theo các điểm 3, 4 của Chương IV Nghị định này do Bộ tài chính (Tổng cục thuế) quyết định.

5. Việc xét giảm thuế lợi tức đối với các xí nghiệp quốc doanh được quy định tại điều 25, Luật thuế lợi tức do Bộ trưởng Bộ tài chính quyết định theo đơn đề nghị của cơ sở kinh doanh, có sự kiểm tra xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế và có đề nghị của cơ quan chủ quản cấp trên của cơ sở.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 13. Hội đồng Bộ trưởng có quy định riêng về chế độ khen thưởng đối với cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và người có công phát hiện các vụ vi phạm Luật thuế lợi tức.

Điều 14. Những quy định về thuế lợi tức đối với kinh tế ngoài quốc doanh và chế độ thu đối với kinh tế quốc doanh trước đây đều bãi bỏ.

Điều 15. Luật thuế lợi tức có hiệu lực từ 1-10-1990 đối với kinh tế ngoài quốc doanh, các xí nghiệp quốc doanh đã thực hiện bàn giao xong vốn, tài sản.

Đối với các xí nghiệp quốc doanh chưa thực hiện bàn giao xong vốn, tài sản được tiếp tục áp dụng chế độ nộp thu quốc doanh cho đến khi thực hiện bàn giao xong vốn, tài sản nhưng chậm nhất không quá ngày 31 tháng 12 năm 1990.

Điều 16. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 353-HĐBT Hướng dẫn Luật Thuế lợi tức do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 353-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/10/1990
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 17/10/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản