Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-TC/CN

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 1989

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 33-TC/CN NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 1989 HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ NỘP KHẤU HAO CƠ BẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ VÀ XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 93/HĐBT NGÀY 24-7-89 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Thi hành Quyết định số 93/HĐBT ngày 24-7-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi chế độ nộp khấu hao cơ bản tài sản cố định của các tổ chức kinh tế và xí nghiệp quốc doanh, (dưới đây gọi tắt là xí nghiệp quốc doanh), Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cụ thể như sau:

1. Mức trích khấu hao tài sản cố đinh:

Mức trích khấu hao TSCĐ, trong đó có khấu hao cơ bản vào giá thành sản phẩm và phí lưu thông (gọi chung là giá thành) được tính như những quy định hiện hành:

- Tỷ lệ (%) KHCB được tính theo quy định tại Quyết định số 507 TC/ĐTXD ngày 22-7-1986 của Bộ Tài chính.

- Giá trị TSCĐ làm căn cứ để tính KHCB và mức trích KHCB vào giá thành sản phẩm được áp dụng như công văn số 457 VGNN/PPCĐ ngày 8-7-88 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn sau khi đã thống nhất với Bộ Tài chính.

2. Mức khấu hao cơ bản nộp NSNN và để lại xí nghiệp quốc doanh.

Tất cả các xí nghiệp quốc doanh hạch toán kinh tế độc lập đang hoạt động, có trích KHCB vào giá thành sản phẩm, có TSCĐ đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước cấp hoặc coi như ngân sách Nhà nước cấp (TSCĐ đã được quốc hữu hoá sau giải phóng, TSCĐ do Nhà nước nhận viện trợ nước ngoài), thì có trách nhiệm nộp vào NSNN tiền trích KHCB theo tỷ lệ (%) quy định ở phụ lục kèm theo Thông tư này. Phần KHCB còn lại dùng để lập vốn tự có về đầu tư XDCB của đơn vị.

- Những công trình kinh tế và TSCĐ được đầu tư và mua sắm bằng nguồn vốn NSNN cấp mới đưa vào hoạt động thuộc tất cả các ngành kinh tế thì trong 3 năm đầu kể từ khi bắt đầu đi vào sản xuất chính thức, các xí nghiệp quốc doanh phải nộp 70% tiền trích HKCB vào NSNN. Số khấu hao cơ bản còn lại để lập vốn tự có về đầu tư XDCB của đơn vị. Sau thời hạn 3 năm, các XNQD được để lại tiền trích KHCB theo tỷ lệ (%) quy định trong phụ lục nói trên như đối với các đơn vị cùng loại hình đang hoạt động.

- Toàn bộ tiền trích KHCB của các công trình kinh tế và TSCĐ được đầu tư và mua sắm bằng nguồn vốn tự có của các XNQD bao gồm vốn tự có về đầu tư XDCB, các nguồn vốn tự huy động khác được để lại cho đơn vị để tiếp tục bổ sung và hình thành nguồn vốn tự có về đầu tư XDCB.

- Toàn bộ tiền trích KHCB của các công trình kinh tế và TSCĐ được đầu tư và mua sắm bằng nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc nguồn vốn do xí nghiệp quốc doanh tự đi vay nước ngoài được để lại để trả nợ các nguồn vốn vay. Sau khi trả hết nợ vay, nếu TSCĐ vẫn còn sử dụng thì các xí nghiệp quốc doanh được tiếp tục trích khấu hao và phần KHCB đó được để lại đưa vào vốn tự có về đầu tư XDCB của đơn vị.

3- Nguyên tắc sử dụng và quản lý vốn KHCB để lại XNQD.

- Số KHCB để lại XNQD là một phần nguồn vốn tự có về đầu tư XDCB được dùng vào việc đầu tư thay thế đổi mới trang thiết bị, duy trì năng lực sản xuất, đầu tư chiều sâu hoặc bổ sung xây dựng các công trình mới mở rộng sản xuất - kinh doanh của đơn vị.

- Để thực hiện đúng những quy định về việc quản lý và sử dụng vốn KHCB, các xí nghiệp quốc doanh cần thực hiện việc kiểm kê phân loại TSCĐ theo từng nguồn hình thành, phản ánh rõ số KHCB của từng loại TSCĐ trong các báo biểu kế hoạch và sổ kế toán chi tiết về TSCĐ của đơn vị.

Trong kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính hàng năm của xí nghiệp quốc doanh, cần xác định rõ kế hoạch đầu tư XDCB mua sắm, đổi mới trang thiết bị hoặc đầu tư chiều sâu mở rộng sản xuất - kinh doanh và việc trích lập sử dụng nguồn vốn tự có về đầu tư XDCB của đơn vị cho các công trình đó.

- Vốn tự có về đầu tư XDCB của xí nghiệp quốc doanh được hình thành từ nguồn trích KHCB TSCĐ, từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi, phải được gửi ngay vào tài khoản tiền gửi "Vốn tự có về đầu tư XDCB" của xí nghiệp mở lại ngân hàng.

Việc trích lập, quản lý và sử dụng phải theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

- Hàng tháng các Xí nghiệp quốc doanh có trách nhiệm trích nộp kịp thời, đúng hạn và đầy đủ số khấu hao cơ bản phải nộp vào NSNN theo kế hoạch tài chính và điều chỉnh theo báo cáo quyết toán của xí nghiệp. Trong báo cáo quyết toán thường kỳ, các đơn vị xí nghiệp phải lập biểu tăng giảm TSCĐ và vốn khấu hao cơ bản, trong đó xác định rõ giá trị TSCĐ và số trích khấu hao trong kỳ, tỷ lệ trích khấu hao, số nộp ngân sách và số để lại xí nghiệp lập vốn tự có về đầu tư XDCB.

Vốn khấu hao cơ bản trích được sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau:

1. Nộp vào NSNN theo tỷ lệ (%) quy định tương ứng với số TSCĐ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

2. Trả nợ vay ngân hàng đối với TSCĐ đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng.

3. Để lại xí nghiệp tương ứng với số TSCĐ đầu tư bằng nguồn vốn tự có của xí nghiệp.

Nghiêm cấm các xí nghiệp quốc doanh không được sử dụng vốn KHCB phải nộp ngân sách Nhà nước để trả nợ ngân hàng hoặc vào các mục đích khác.

4. Điều khoản thi hành.

Chế độ sử dụng vốn KHCB-TSCĐ của xí nghiệp quốc doanh quy định trong thông tư này được áp dụng từ 1-7-1989. Những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các xí nghiệp quốc doanh, các ngành phản ánh cho Bộ Tài chính biết để kịp thời giải quyết.

Hồ Tế

(Đã ký)

PHỤ LỤC

TỶ LỆ KHCB NỘP NSNN VÀ ĐỂ LẠI XÍ NGHIỆP
(Kèm theo TT số 33 TC/CN 1-9-1989)

Tỷ lệ % KHCB nộp NS so với tổng số KHCB trích được trong năm

Tỷ lệ % KHCB để lại XN so với tổng số KHCB trích được trong năm

I. Ngành công nghiệp

1.Công nghiệp điện năng

- Nhiệt điện

50

50

- Thuỷ điện

65

35

2. Công nghiệp nhiên liệu

- Khai thác,tuyển chọn,chế biến than

40

60

- Khai thác, chế biến dầu và khí đốt

40

60

3. Công nghiệp luyện kim

40

60

4. Công nghiệp cơ khí

- SX chế tạo máy móc thiết bị

40

60

- Cơ khí sửa chữa

50

50

- SX dụng cụ thô sơ

50

50

5. CN kỹ thuật điện, điện tử

50

50

6. CN hoá chất

- SX hoá chất, cao su, chất dẻo và sản phẩm từ hoá chất, cao su, chất dẻo khác

50

50

- Khai thác tuyển quặng apatít

40

60

- SX phân bón, thuốc từ sâu

50

50

- SX thuốc các loại

50

50

7. CNSX vật liệu xây dựng

50

50

8. CN chế biến và SX sản phẩm từ gỗ

50

50

9. CN khai thác cá biển

40

60

10. SXCN các sản phẩm từ tre, nứa, trúc, song, mây

50

50

11. CN xenlulô và giấy các loại

50

50

12. CN thực phẩm

50

50

13. CN lương thực

50

50

14. CN may đo quần áo các loại

50

50

15. CN dệt

50

50

16. CN thuộc da, giả da, và các sản phẩm từ da, giả da

50

50

17. Sành sứ thuỷ tinh

60

40

18. Công nghiệp in

50

50

19. Công nghiệp khác

60

40

II. Ngành khảo sát, xây dựng

20. Các xí nghiệp xây lắp

- Các thiết bị TC các CT thiết bị toàn bộ

65

35

- Các thiết bị TC các CT và TSCĐ khác

50

50

21. Các XN thăm dò địa chất, khảo sát khoan sâu, đo đạc

40

60

III. Ngành nông nghiệp

22. Các công trường

40

60

23. Trạm máy kéo

50

50

24. XN thuỷ nông, thuỷ lợi

40

60

25. Trạm trại chăn nuôi, trồng trọt

40

60

26. XN nuôi trồng cá, thuỷ sản

50

50

IV. Ngành lâm nghiệp

27. Trồng rừng, tu bổ, cải tạo

40

60

28. XN chăm sóc cây trồng và thu hái quả

50

50

29. Khai thác gỗ, vận chuyển từ nơi khai thác gỗ đến kho bãi (gồm cả khai thác mủ cao su)

40

60

V. Ngành Giao thông VT

30. Vận tải đường bộ

50

50

31. Vận tải đường biển

50

50

32. Vận tải đường sắt

50

50

33. Vận tải hàng không

50

50

34. Vận tải đường sông

50

50

35. XN bốc dỡ, kho bãi

50

50

VI. Bưu điện, thông tin, liên lạc

50

50

VII. NH, thương nghiệp, cung ứng, vật tư, thu mua

36. Ngành ngân hàng

50

50

37. Ngành thương nghiệp

50

50

38. Cung ứng, vật tư, thu mua

50

50

VIII. Các ngành SX vật chất khác, dịch vụ

39. Sản xuất vật chất khác

50

50

40. Dịch vụ

50

50