Hệ thống pháp luật

Điều 3 Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan và được tổ chức thực hiện nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hệ thống kiểm soát nội bộ thực hiện giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và kiểm toán nội bộ.

2. Giám sát của quản lý cấp cao là việc giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thanh viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), ngân hàng mẹ đối với kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và giám sát của Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, ngân hàng mẹ, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với kiểm toán nội bộ.

3. Kiểm soát nội bộ là việc kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy định nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kiểm soát nhằm kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát rủi ro, đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt được các mục tiêu đề ra đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật.

4. Quản lý rủi ro là việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

5. Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn là việc tự đánh giá mức đủ vốn đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn và đạt được yêu cầu đề ra của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Văn hóa kiểm soát là giá trị văn hóa doanh nghiệp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thể hiện sự nhận thức thống nhất về tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát và quản trị rủi ro của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các cá nhân, bộ phận. Văn hóa kiểm soát được hình thành thông qua chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy định nội bộ, chế độ khen thưởng, kỷ luật nhằm khuyến khích, đảm bảo các cá nhân, bộ phận chủ động nhận diện, kiểm soát rủi ro trong hoạt động của mình và hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

7. Vốn kinh tế là mức vốn do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định trên cơ sở tính toán mức vốn cần thiết bù đắp các rủi ro trọng yếu và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn trong kịch bản có diễn biến bất lợi.

8. Kiểm tra sức chịu đựng là việc đánh giá mức độ tác động của biến động, thay đổi bất lợi đối với tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau để xác định khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

9. Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất (tổn thất tài chính, tổn thất phi tài chính) làm giảm thu nhập, vốn tự có dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

10. Khẩu vị rủi ro là mức độ rủi ro mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẵn sàng chấp nhận trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh được thể hiện bằng các tỷ lệ và chỉ tiêu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Thông tư này.

11. Trạng thái rủi ro là phần giá trị của tài sản có rủi ro, nợ phải trả có rủi ro và các khoản mục ngoại bảng có rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

12. Hoạt động trọng yếu là hoạt động do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định trên cơ sở quy mô của hoạt động đó so với một trong số các chỉ số tài chính (vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, thu nhập, chi phí hoặc các chỉ tiêu tài chính khác) theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

13. Rủi ro trọng yếu bao gồm:

a) Rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Rủi ro thanh khoản, rủi ro tập trung;

c) Các rủi ro khác phát sinh từ hoạt động trọng yếu.

14. Rủi ro thanh khoản là rủi ro do:

a) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn; hoặc

b) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nhưng phải trả chi phí cao hơn mức chi phí bình quân của thị trường theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

15. Rủi ro tập trung là rủi ro do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hoạt động kinh doanh tập trung vào một khách hàng (bao gồm người có liên quan), đối tác, sản phẩm, giao dịch, ngành, lĩnh vực kinh tế, loại tiền tệ ở mức độ có tác động đáng kể đến thu nhập, trạng thái rủi ro theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

16. Xung đột lợi ích là tình huống khi một cá nhân, bộ phận đưa ra các quyết định theo thẩm quyền tạo ra lợi ích không phù hợp hoặc trái với lợi ích của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

17. Quyết định có rủi ro là các quyết định của cấp có thẩm quyền của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm phát sinh rủi ro hoặc thay đổi trạng thái rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

18. Quyết định có rủi ro tín dụng là quyết định có rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hoạt động tín dụng, tối thiểu bao gồm: quyết định cấp tín dụng; quyết định hạn mức tín dụng; quyết định cấp tín dụng vượt hạn mức; quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ; quyết định chuyển nhóm nợ.

19. Khoản cấp tín dụng có vấn đề do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định đảm bảo tối thiểu là khoản cấp tín dụng được phân loại vào nhóm nợ từ nhóm 2 trở lên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

20. Hoạt động thuê ngoài là việc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận bằng văn bản (hợp đồng dịch vụ thuê ngoài) về việc thuê doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác (gọi là doanh nghiệp thuê ngoài) để thực hiện một hoặc một số hoạt động (bao gồm xử lý dữ liệu hoặc một số công đoạn của quy trình nghiệp vụ) thay cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

21. Kiểm toán viên nội bộ là người thực hiện kiểm toán nội bộ thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

22. Ngân hàng mẹ là ngân hàng nước ngoài có chi nhánh được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 13/2018/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
  • Ngày công báo: 17/06/2018
  • Số công báo: Từ số 711 đến số 712
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH