Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng thương mại bao gồm: Ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan và được tổ chức thực hiện nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hệ thống kiểm soát nội bộ thực hiện giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và kiểm toán nội bộ.

2. Giám sát của quản lý cấp cao là việc giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thanh viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), ngân hàng mẹ đối với kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và giám sát của Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, ngân hàng mẹ, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với kiểm toán nội bộ.

3. Kiểm soát nội bộ là việc kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy định nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kiểm soát nhằm kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát rủi ro, đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt được các mục tiêu đề ra đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật.

4. Quản lý rủi ro là việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

5. Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn là việc tự đánh giá mức đủ vốn đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn và đạt được yêu cầu đề ra của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Văn hóa kiểm soát là giá trị văn hóa doanh nghiệp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thể hiện sự nhận thức thống nhất về tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát và quản trị rủi ro của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các cá nhân, bộ phận. Văn hóa kiểm soát được hình thành thông qua chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy định nội bộ, chế độ khen thưởng, kỷ luật nhằm khuyến khích, đảm bảo các cá nhân, bộ phận chủ động nhận diện, kiểm soát rủi ro trong hoạt động của mình và hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

7. Vốn kinh tế là mức vốn do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định trên cơ sở tính toán mức vốn cần thiết bù đắp các rủi ro trọng yếu và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn trong kịch bản có diễn biến bất lợi.

8. Kiểm tra sức chịu đựng là việc đánh giá mức độ tác động của biến động, thay đổi bất lợi đối với tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau để xác định khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

9. Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất (tổn thất tài chính, tổn thất phi tài chính) làm giảm thu nhập, vốn tự có dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

10. Khẩu vị rủi ro là mức độ rủi ro mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẵn sàng chấp nhận trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh được thể hiện bằng các tỷ lệ và chỉ tiêu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Thông tư này.

11. Trạng thái rủi ro là phần giá trị của tài sản có rủi ro, nợ phải trả có rủi ro và các khoản mục ngoại bảng có rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

12. Hoạt động trọng yếu là hoạt động do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định trên cơ sở quy mô của hoạt động đó so với một trong số các chỉ số tài chính (vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, thu nhập, chi phí hoặc các chỉ tiêu tài chính khác) theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

13. Rủi ro trọng yếu bao gồm:

a) Rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Rủi ro thanh khoản, rủi ro tập trung;

c) Các rủi ro khác phát sinh từ hoạt động trọng yếu.

14. Rủi ro thanh khoản là rủi ro do:

a) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn; hoặc

b) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nhưng phải trả chi phí cao hơn mức chi phí bình quân của thị trường theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

15. Rủi ro tập trung là rủi ro do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hoạt động kinh doanh tập trung vào một khách hàng (bao gồm người có liên quan), đối tác, sản phẩm, giao dịch, ngành, lĩnh vực kinh tế, loại tiền tệ ở mức độ có tác động đáng kể đến thu nhập, trạng thái rủi ro theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

16. Xung đột lợi ích là tình huống khi một cá nhân, bộ phận đưa ra các quyết định theo thẩm quyền tạo ra lợi ích không phù hợp hoặc trái với lợi ích của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

17. Quyết định có rủi ro là các quyết định của cấp có thẩm quyền của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm phát sinh rủi ro hoặc thay đổi trạng thái rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

18. Quyết định có rủi ro tín dụng là quyết định có rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hoạt động tín dụng, tối thiểu bao gồm: quyết định cấp tín dụng; quyết định hạn mức tín dụng; quyết định cấp tín dụng vượt hạn mức; quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ; quyết định chuyển nhóm nợ.

19. Khoản cấp tín dụng có vấn đề do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định đảm bảo tối thiểu là khoản cấp tín dụng được phân loại vào nhóm nợ từ nhóm 2 trở lên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

20. Hoạt động thuê ngoài là việc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận bằng văn bản (hợp đồng dịch vụ thuê ngoài) về việc thuê doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác (gọi là doanh nghiệp thuê ngoài) để thực hiện một hoặc một số hoạt động (bao gồm xử lý dữ liệu hoặc một số công đoạn của quy trình nghiệp vụ) thay cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

21. Kiểm toán viên nội bộ là người thực hiện kiểm toán nội bộ thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

22. Ngân hàng mẹ là ngân hàng nước ngoài có chi nhánh được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Điều 4. Áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan

Hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 5. Yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát nội bộ

1. Hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật các tổ chức tín dụng;

b) Phù hợp với quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

c) Có đủ nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ thông tin để đảm bảo hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ;

d) Xây dựng, duy trì văn hóa kiểm soát, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy định nội bộ tuân thủ theo quy định tại Điều 93 Luật các tổ chức tín dụng, trong đó phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan;

b) Thẩm quyền ban hành:

(i) Đối với ngân hàng thương mại: Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên ban hành quy định về tổ chức, quản trị và hoạt động của ngân hàng thương mại, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu; Ban kiểm soát ban hành quy định nội bộ của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) ban hành các quy chế, quy trình, thủ tục tác nghiệp (sau đây gọi là quy trình nội bộ);

(ii) Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Tổng giám đốc (Giám đốc) ban hành quy định nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của ngân hàng mẹ hoặc sử dụng quy định nội bộ của ngân hàng mẹ ban hành;

c) Đáp ứng các yêu cầu và nội dung về hoạt động kiểm soát quy định tại Điều 14, khoản 1 và 2 Điều 15 Thông tư này;

d) Được đánh giá định kỳ theo quy định tại Thông tư này và quy định của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về tính thích hợp, tuân thủ quy định của pháp luật và sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết).

3. Hệ thống kiểm soát nội bộ phải có 03 tuyến bảo vệ độc lập như sau:

a) Tuyến bảo vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do các bộ phận sau thực hiện:

(i) Các bộ phận kinh doanh (bao gồm cả bộ phận phát triển sản phẩm), các bộ phận có chức năng tạo ra doanh thu khác; các bộ phận có chức năng thực hiện các quyết định có rủi ro;

(ii) Các bộ phận có chức năng phân bổ hạn mức rủi ro, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu rủi ro (thuộc bộ phận kinh doanh hoặc bộ phận độc lập) đối với từng loại hình giao dịch, hoạt động kinh doanh;

(iii) Bộ phận nhân sự, bộ phận kế toán;

b) Tuyến bảo vệ thứ hai có chức năng xây dựng chính sách quản lý rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro, đo lường, theo dõi rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật do các bộ phận sau đây thực hiện:

(i) Bộ phận tuân thủ quy định tại Điều 18 Thông tư này;

(ii) Bộ phận quản lý rủi ro quy định tại Điều 22 Thông tư này;

c) Tuyến bảo vệ thứ ba có chức năng kiểm toán nội bộ do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư này.

4. Ý kiến thảo luận (ý kiến thống nhất và không thống nhất) và kết luận về hệ thống kiểm soát nội bộ trong cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Ủy ban quản lý rủi ro, Ủy ban nhân sự, Hội đồng rủi ro, Hội đồng quản lý vốn, Hội đồng quản lý tài sản/nợ phải trả (Hội đồng ALCO) phải được ghi lại bằng văn bản.

5. Việc đánh giá độc lập đối với hệ thống kiểm soát nội bộ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 6. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ

1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy định nội bộ về việc quản lý, lưu trữ các hồ sơ, tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ.

2. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ trong ngành ngân hàng;

b) Lưu trữ đầy đủ để cung cấp theo yêu cầu của kiểm toán nội bộ, tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan có thẩm quyền trong quá trình kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, kiểm tra, thanh tra, giám sát.

Điều 7. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ

1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập báo cáo và gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Báo cáo về hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm:

a) Báo cáo hằng năm về kết quả tự kiểm tra, đánh giá kiểm soát nội bộ theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo hằng năm về quản lý rủi ro theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Báo cáo hằng năm về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Báo cáo hằng năm về kiểm toán nội bộ theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này, báo cáo đột xuất về kiểm toán nội bộ.

3. Thời hạn gửi báo cáo:

a) Đối với các báo cáo quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều này: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi báo cáo của năm tài chính;

b) Đối với báo cáo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này:

(i) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngân hàng thương mại gửi báo cáo kiểm toán nội bộ của năm tài chính;

(ii) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm toán nội bộ, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi báo cáo kiểm toán nội bộ của năm tài chính. Trường hợp không kiểm toán nội bộ trong năm tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải gửi báo cáo;

(iii) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm toán nội bộ đột xuất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi báo cáo kiểm toán nội bộ đột xuất.

4. Báo cáo về hệ thống kiểm soát nội bộ quy định tại khoản 2 Điều này phải cập nhật các tồn tại, hạn chế, rủi ro mới phát sinh của hệ thống kiểm soát nội bộ trong toàn bộ ngân hàng thương mại (bao gồm các bộ phận tại trụ sở chính, chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác của ngân hàng thương mại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (sau đây gọi là đơn vị phụ thuộc khác) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 13/2018/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
  • Ngày công báo: 17/06/2018
  • Số công báo: Từ số 711 đến số 712
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH