Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1537/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 27 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO TIN HỌC VÀ NGOẠI NGỮ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015;

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kế hoạch số 36-KH/TU ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Tỉnh ủy Tiền Giang về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 274/TTr-SNV ngày 7 tháng 6 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đào tạo tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Đề án đào tạo tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 tổ chức thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Tài chính, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban TCTU;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Kim Mai

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO TIN HỌC VÀ NGOẠI NGỮ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1537/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế và mở rộng các mối quan hệ quốc tế, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải tiếp cận với nền khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, tiếp thu những kinh nghiệm về quản lý kinh tế hiện đại, thông thạo với cơ chế thị trường và các mối quan hệ quốc tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong thời gian qua và những năm tiếp theo, nước ta không ngừng mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hoạt động giao lưu, hợp tác giữa nước ta với các nước, giữa các tổ chức, cá nhân trong nước với các tổ chức, cá nhân nước ngoài ngày càng phát triển. Yêu cầu đặt ra là cán bộ, công chức đều phải biết ngoại ngữ để trực tiếp giao dịch, làm việc với đối tác là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài và là điều kiện để cán bộ, công chức tiếp tục đi học tập nghiên cứu ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực ngày càng được phổ biến, công việc ngày càng đòi hỏi cán bộ, công chức các cấp phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công việc, đặc biệt là phải thông thạo tin học văn phòng và ứng dụng internet, nhất là khả năng, kỹ năng chọn lọc thông tin trong giai đoạn hiện nay.

Xuất phát từ tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Đề án Đào tạo tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 nhằm đào tạo kiến thức và kỹ năng cần thiết về tin học và ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh thực hành) cho cán bộ, công chức, đặc biệt là khả năng giao tiếp thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và tin học văn phòng.

I. THỰC TRẠNG TRÌNH ĐỘ TIN HỌC VÀ NGOẠI NGỮ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Qua khảo sát, đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, tổng số có 3.125 cán bộ, công chức (cấp tỉnh: 1.468 người, cấp huyện: 1.657 người) công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện (khối cơ quan nhà nước: 2.025 người, khối Đảng: 1.100 người).

Trình độ đào tạo tin học và ngoại ngữ của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức) hiện nay như sau:

- Về tin học: có 5,2% cán bộ, công chức được đào tạo từ trung cấp trở lên (trong đó, 3,1% trình độ đại học, 2,1% trình độ trung cấp), 82,3% cán bộ, công chức có chứng chỉ tin học (trong đó 20,9% có chứng chỉ B, 61,4% có chứng chỉ A). Số còn lại 12,5% cán bộ, công chức chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về tin học.

- Về ngoại ngữ: có 1,2% cán bộ, công chức có cử nhân ngoại ngữ (gồm Anh văn và ngoại ngữ khác), 55,8% cán bộ, công chức có chứng chỉ ngoại ngữ (trong đó 3,7% có chứng chỉ C, 52,1% có chứng chỉ B, 11,6% có chứng chỉ A). Số còn lại 31,3% cán bộ, công chức chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ.

Nhìn chung có từ 70% - 80% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đã qua đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu theo quy định chung. Còn lại khoảng 15% cán bộ, công chức cần đào tạo, bồi dưỡng tin học, khoảng 30% cán bộ, công chức cần đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ.

Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng, ứng dụng kiến thức tin học và ngoại ngữ của cán bộ, công chức vào công việc thì chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động công vụ.

- Đối với tin học: Hầu hết cán bộ, công chức đều được trang bị máy vi tính để phục vụ công tác chuyên môn hàng ngày. Phần lớn sử dụng tin học chủ yếu là soạn thảo văn bản, khai thác hộp thư điện tử. Tuy nhiên, việc ứng dụng các phần mềm tin học vào công việc như quản lý văn bản, tra cứu dữ liệu chưa được ứng dụng rộng rãi. Vẫn còn một số cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo cấp huyện, vẫn còn hạn chế trong sử dụng, ứng dụng tin học vào quản lý do lớn tuổi, hoặc chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về tin học.

- Đối với ngoại ngữ: Do đặc điểm, đặc thù công việc của cán bộ, công chức, hầu hết đều sử dụng ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Việt trong giao tiếp, soạn thảo văn bản,... Mặc dù cán bộ, công chức đã qua đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ nhưng do không có điều kiện sử dụng, ứng dụng ngoại ngữ vào công việc nên phần lớn bị hạn chế cả 4 kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói và viết. Đối với một vài đơn vị do đặc thù công việc có tiếp xúc với người nước ngoài đến quan hệ công tác nhưng đối tác chủ yếu có người phiên dịch đi cùng, nên cũng ít có điều kiện sử dụng ngoại ngữ thường xuyên.

Do vậy, để đáp ứng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, củng cố kiến thức và tạo nền tảng để cán bộ, công chức tiếp tục được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; đào tạo sau đại học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; thi nâng ngạch,... theo yêu cầu của các Đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, thì việc đào tạo tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 là cần thiết.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:

- Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

- Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015;

- Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Kế hoạch số 36-KH/TU ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Tỉnh ủy Tiền Giang về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2013 -2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành;

- Quyết định số 2375/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ và biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2011 - 2015;

- Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Tiền Giang (sau đây gọi tắt là Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND);

- Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Tiền Giang ban hành kèm theo Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (sau đây gọi tắt là Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND);

- Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015;

- Kết quả khảo sát thực trạng cán bộ, công chức về tin học, ngoại ngữ và nhu cầu đào tạo tin học, ngoại ngữ giai đoạn 2013 - 2015 đối với các sở ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện (gọi chung là khối cơ quan nhà nước); các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện (gọi chung là khối Đảng).

III. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO TIN HỌC VÀ NGOẠI NGỮ

1. Mục tiêu và yêu cầu:

a) Mục tiêu chung: Trang bị kiến thức, kỹ năng tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu và làm việc.

b) Yêu cầu:

- Các đối tượng được cử đào tạo tin học, ngoại ngữ phải học tập nghiêm túc, có trách nhiệm với việc học tập.

- Xem việc học tập là nhiệm vụ và phải hoàn thành nhiệm vụ học tập.

- Có ý thức tổ chức, sắp xếp công việc cơ quan, công việc cá nhân để tham gia đầy đủ thời gian đào tạo và hoàn thành nội dung chương trình đào tạo.

2. Đối tượng và số lượng cụ thể:

a) Tin học

- Đối tượng:

+ Đối tượng 1: Giám đốc, Phó Giám đốc các sở, ngành tỉnh (tương đương); Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thuộc các cơ quan hành chính cấp tỉnh; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cơ quan thuộc khối Đảng;

+ Đối tượng 2: Công chức chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính và khối Đảng thuộc cấp tỉnh, cấp huyện;

+ Đối tượng 3: Công chức chuyên môn cơ quan hành chính và khối Đảng thuộc cấp tỉnh, cấp huyện;

- Số lượng đào tạo:

+ Đối tượng 1: Đào tạo 500 cán bộ, công chức (trong đó: 150 cán bộ, công chức cấp tỉnh; 200 cán bộ, công chức cấp huyện; 150 cán bộ, công chức khối Đảng) theo nội dung đào tạo nêu tại mục IV.

+ Đối tượng 2: Đào tạo 250 cán bộ, công chức (trong đó: 100 cán bộ, công chức cấp tỉnh; 100 cán bộ, công chức cấp huyện; 50 cán bộ, công chức khối Đảng) theo nội dung đào tạo nêu tại mục IV.

+ Đối tượng 3: Đào tạo 300 cán bộ, công chức (trong đó: 100 cán bộ, công chức cấp tỉnh; 100 cán bộ, công chức cấp huyện; 100 cán bộ, công chức khối Đảng) theo nội dung đào tạo nêu tại điểm 4 mục IV.

Các đối tượng 1, 2, 3 nêu trên nếu qua khảo sát trước khi tiến hành đào tạo có kết quả khảo sát đạt từ 80% trở lên so với yêu cầu đặt ra (kiến thức tin học đáp ứng được mục tiêu) thì không phải tham dự khóa đào tạo tin học tương ứng thuộc đề án này. Các trường hợp qua khảo sát đạt dưới 80% so với yêu cầu thì phải tham dự khóa đào tạo với nội dung đào tạo tương ứng với từng đối tượng.

b) Ngoại ngữ

- Đối tượng:

+ Đối tượng 1: Cán bộ, công chức quy hoạch đào tạo sau đại học ở nước ngoài giai đoạn 2011 - 2015;

+ Đối tượng 2: Cán bộ, công chức quy hoạch đào tạo sau đại học ở trong nước;

+ Đối tượng 3: Trưởng phòng, phó trưởng phòng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cơ quan thuộc khối Đảng;

+ Đối tượng 4: Công chức Sở Ngoại vụ thuộc các vị trí việc làm phải tiếp xúc thường xuyên với người nước ngoài.

- Số lượng đào tạo, trình độ đào tạo: Đào tạo tiếng Anh chuẩn quốc tế theo khung trình độ chung Châu Âu - The Common European Framework of Reference for Languages (CEFR) cho các đối tượng được cử đi đào tạo, cụ thể như sau:

+ Đối tượng 1: Đào tạo cấp độ C1 cho 140 cán bộ, công chức (trong đó: 100 cán bộ, công chức cấp tỉnh; 20 cán bộ, công chức cấp huyện; 20 cán bộ, công chức khối Đảng).

+ Đối tượng 2: Đào tạo cấp độ B2 cho 210 cán bộ, công chức (trong đó: 150 cán bộ, công chức cấp tỉnh; 30 cán bộ, công chức cấp huyện; 30 cán bộ, công chức khối Đảng).

+ Đối tượng 3: Đào tạo cấp độ B1 cho 350 cán bộ, công chức (trong đó: 150 cán bộ, công chức cấp tỉnh; 100 cán bộ, công chức cấp huyện; 100 cán bộ, công chức khối Đảng)

+ Đối tượng 4: Các vị trí việc làm phải tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp làm việc với người nước ngoài được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng biên phiên dịch tiếng Anh hoặc các thứ tiếng như: Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia đạt cấp độ C1 trở lên (tiếng Anh) hoặc tương đương.

Các đối tượng 1, 2, 3 và 4: Nếu qua kiểm tra đầu vào trước khi tiến hành đào tạo, bao gồm cả 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết, và có kết quả kiểm tra đạt ít nhất 80% trở lên so với yêu cầu đầu vào thì được xem là đủ điều kiện để theo học các khóa cao hơn và được tham dự khóa đào tạo ngoại ngữ tương ứng với từng đối tượng.

IV. NỘI DUNG ĐÀO TẠO

1. Tin học

Tùy theo kết quả khảo sát trước khi đào tạo và đối tượng đào tạo, chương trình đào tạo được thực hiện như sau:

- Đối tượng 1: Kiến thức cơ bản ứng dụng công nghệ thông tin và internet vào công tác quản lý; ứng dụng tin học trong soạn thảo văn bản, sử dụng hộp thư điện tử và khai thác internet.

- Đối tượng 2: Quản trị mạng trên môi trường Microsoft và mã nguồn mở; bảo mật và an ninh mạng; kiến thức thiết kế và xây dựng hạ tầng mạng dựa trên công nghệ mạng.

- Đối tượng 3: Kiến thức cơ bản và nâng cao về ứng dụng công nghệ thông tin; ứng dụng tin học trong soạn thảo văn bản, sử dụng hộp thư điện tử và khai thác internet.

2. Ngoại ngữ

Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.

Yêu cầu đầu vào đối với cấp độ B1 là cấp độ A2. Yêu cầu đầu vào đối với cấp độ B2 là cấp độ B1. Yêu cầu đầu vào đối với cấp độ C1 là cấp độ B2. Các trường hợp có kết quả kiểm tra đầu vào đạt dưới 80% so với yêu cầu thì không được tham dự khóa đào tạo ngoại ngữ tương ứng tùy theo từng đối tượng.

Tùy theo kết quả kiểm tra đầu vào trình độ ngoại ngữ và đối tượng đào tạo, chương trình đào tạo (chủ yếu là tiếng Anh) được thực hiện như sau:

Đào tạo ngoại ngữ bao gồm cả 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết.

- Đào tạo cấp độ B1: Tùy theo kết quả khảo sát đầu vào. Nội dung đào tạo bao gồm bồi dưỡng kiến thức và ôn thi cấp độ B1. Thời lượng bồi dưỡng kiến thức tối đa 270 tiết/người (mỗi tiết 45 phút). Thời gian ôn thi cấp độ B1 tối đa 60 tiết/người.

- Đào tạo cấp độ B2: Tùy theo kết quả khảo sát đầu vào. Nội dung đào tạo bao gồm bồi dưỡng kiến thức và ôn thi cấp độ B2. Thời lượng bồi dưỡng kiến thức tối đa 270 tiết/người (mỗi tiết 45 phút). Thời gian ôn thi cấp độ B2 tối đa 80 tiết/người.

- Đào tạo cấp độ C1: Tùy theo kết quả khảo sát đầu vào. Nội dung đào tạo bao gồm bồi dưỡng kiến thức và ôn thi cấp độ C1. Thời lượng bồi dưỡng kiến thức tối đa 270 tiết/người (mỗi tiết 45 phút). Thời gian ôn thi cấp độ C1 tối đa 80 tiết/người.

- Riêng đối tượng là công chức của Sở Ngoại vụ: Nếu thuộc đối tượng 1, 2 hoặc 3 thì đào tạo như đối với đối tượng 1, 2, 3. Nếu thuộc đối tượng 4 thì đào tạo kỹ năng chuyên sâu về biên phiên dịch tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác, chương trình đào tạo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2375/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ và biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2011 - 2015.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đào tạo tin học

- Đối tượng 2: Chọn cơ sở đào tạo có uy tín, có chất lượng trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh để phối hợp mở lớp đào tạo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

- Đối tượng 1 và 3: Đặt hàng cơ sở đào tạo trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh mở lớp đào tạo theo phương thức đào tạo ngoài giờ hành chính tập trung toàn khóa hoặc theo đợt. Kết thúc khóa học có kiểm tra và cấp chứng chỉ.

2. Đào tạo ngoại ngữ

- Đối tượng 1: Chọn và đặt hàng cơ sở đào tạo ngoại ngữ có chất lượng cao trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh để phối hợp mở lớp đào tạo đảm bảo kết quả đầu ra theo hình thức đào tạo tập trung toàn khóa hoặc mỗi tuần học tập trung ít nhất 3 ngày/tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật).

- Đối tượng 2, 3, 4: Chọn và đặt hàng cơ sở đào tạo ngoại ngữ có chất lượng trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh để phối hợp mở lớp, đảm bảo kết quả đầu ra với hình thức đào tạo không tập trung, ngoài giờ hành chính, tổ chức lớp linh hoạt để tạo thuận tiện cho cán bộ, công chức dự học.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Khảo sát nhu cầu, dự toán kinh phí đào tạo tin học, ngoại ngữ

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức khảo sát nhu cầu và tổng hợp nhu cầu đào tạo tin học và ngoại ngữ hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, cử cán bộ, công chức dự học theo quy định.

Giao Sở Nội vụ trên cơ sở nhu cầu đào tạo tin học và ngoại ngữ của cán bộ, công chức trong tỉnh, xây dựng dự toán kinh phí tổ chức lớp đảm bảo yêu cầu, nội dung của đề án, phối hợp Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

Giao Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về dự toán kinh phí đào tạo tin học, ngoại ngữ theo đề án, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Chọn cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ và tổ chức lớp

Giao Sở Nội vụ chủ trì, thương lượng, chọn và hợp đồng với cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh, có uy tín, chất lượng để phối hợp tổ chức lớp. Đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo kết quả đầu ra theo mục tiêu, yêu cầu của đề án.

Cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ tham gia đào tạo chịu trách nhiệm xây dựng nội dung khảo sát, kiểm tra đầu vào theo yêu cầu của đề án, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả sau khi khảo sát, kiểm tra đầu vào và chuẩn bị nội dung chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu của đề án, đồng thời phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ quá trình đào tạo tin học, ngoại ngữ.

Tổ chức các lớp tin học không quá 25 người/lớp. Bố trí thời gian học phù hợp tùy theo nội dung đào tạo tương ứng với yêu cầu của đề án.

Tổ chức các lớp ngoại ngữ không quá 40 người/lớp. Bố trí thời gian học theo quy định của đề án.

3. Đào tạo tin học, ngoại ngữ

a) Kiểm tra đầu vào tin học, ngoại ngữ

Cán bộ, công chức thuộc đối tượng đào tạo tin học, ngoại ngữ trước khi tham dự khóa đào tạo phải qua khảo sát hoặc kiểm tra trình độ đầu vào theo quy định của Đề án.

Đối với các lớp tin học: Sau khi có kết quả khảo sát, nếu không đạt yêu cầu (kết quả khảo sát đạt dưới 80% so với yêu cầu) thì phải tham dự khóa đào tạo tin học của đề án.

Đối với các lớp ngoại ngữ: Sau khi có kết quả kiểm tra đầu vào, nếu kết quả kiểm tra đạt từ 80% trở lên so với yêu cầu nêu tại mục IV thì được tham dự khóa đào tạo ngoại ngữ của đề án.

b) Tổ chức đào tạo tin học, ngoại ngữ

- Đào tạo tin học

Giai đoạn 2013 - 2015, cả tỉnh cần đào tạo 1.050 cán bộ, công chức khối nhà nước, khối Đảng (trong đó: 350 cán bộ, công chức cấp tỉnh, 400 cán bộ, công chức cấp huyện, 300 cán bộ, công chức khối Đảng). Mỗi lớp không quá 25 người/lớp. Như vậy, trong giai đoạn 2013 - 2015 cần tổ chức 42 lớp đào tạo tin học.

Cụ thể như sau:

Tổng số lớp/năm

Đối tượng

Cấp tỉnh

Cấp huyện

Khối Đảng

Năm 2013

8 lớp

Đối tượng 1

2 lớp

2 lớp

2 lớp

Đối tượng 3

 

2 lớp

 

Năm 2014

20 lớp

Đối tượng 1

2 lớp

4 lớp

2 lớp

Đối tượng 2

2 lớp

2 lớp

2 lớp

Đối tượng 3

2 lớp

2 lớp

2 lớp

Năm 2015

14 lớp

Đối tượng 1

2 lớp

2 lớp

2 lớp

Đối tượng 2

2 lớp

2 lớp

 

Đối tượng 3

2 lớp

 

2 lớp

Cộng

42 lớp

14 lớp

16 lớp

12 lớp

1050 người

350 người

400 người

300 người

- Đào tạo ngoại ngữ

Giai đoạn 2013 - 2015, cả tỉnh cần đào tạo 700 cán bộ, công chức khối nhà nước, khối Đảng (trong đó: 400 cán bộ, công chức cấp tỉnh, 150 cán bộ, công chức cấp huyện, 150 cán bộ, công chức khối Đảng). Mỗi lớp không quá 40 người/lớp. Như vậy, trong giai đoạn 2013-2015 cần tổ chức 15 lớp đào tạo các trình độ ngoại ngữ. Bình quân mỗi năm tổ chức 3 lớp đào tạo ngoại ngữ.

Cụ thể như sau:

Tổng số lớp/năm

Đối tượng

Cấp tỉnh

Cấp huyện

Khối Đảng

Năm 2013

6 lớp

Đối tượng 1

1 lớp

 

 

Đối tượng 2

1 lớp

 

1 lớp

Đối tượng 3

1 lớp

1 lớp

1 lớp

Năm 2014

9 lớp

Đối tượng 1

1 lớp

1 lớp (*)

Đối tượng 2

2 lớp

1 lớp

 

Đối tượng 3

2 lớp

1 lớp

1 lớp

Năm 2015

7 lớp

Đối tượng 1

1 lớp

 

 

Đối tượng 2

2 lớp

 

 

Đối tượng 3

2 lớp

1 lớp

1 lớp

Cộng

22 lớp

13 lớp

4 lớp

5 lớp (*)

700 người

400 người

150 người

150 người

(*) Có 01 lớp ghép: 40 người (cấp huyện: 20 người; khối Đảng: 20 người)

c) Chiêu sinh, quản lý lớp

Giao Sở Nội vụ chủ trì, chiêu sinh, hợp đồng cơ sở đào tạo và quản lý các lớp tin học, ngoại ngữ của đề án. Các sở ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ để chọn, đề xuất cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý tham dự theo đúng đối tượng của đề án.

Cán bộ, công chức được cử tham dự các lớp đào tạo tin học, ngoại ngữ có trách nhiệm dự học nghiêm túc, sắp xếp công việc cá nhân, tham dự đầy đủ khóa đào tạo và dự kiểm tra hoặc dự thi lấy chứng chỉ sau khi kết thúc khóa đào tạo.

Cán bộ, công chức được cử đào tạo tin học, ngoại ngữ của đề án được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.

Cơ quan có cán bộ, công chức được cử đi đào tạo tin học, ngoại ngữ tạo điều kiện để cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý tham dự khóa đào tạo.

Thời gian cán bộ, công chức tham gia đào tạo tin học, ngoại ngữ được tính vào thời gian đào tạo, bồi dưỡng quy định tại Nghị định số 18/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

d) Tổ chức cho cán bộ, công chức dự thi

Giao Sở Nội vụ phối hợp với cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra cuối khóa học.

Đối với lớp tin học: Sau khi kết thúc khóa học, trong thời gian tối đa 30 ngày, cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra kiến thức và cấp giấy chứng nhận cho người dự học đạt yêu cầu.

Đối với lớp ngoại ngữ: Sau khi kết thúc khóa học và ôn thi tùy theo từng cấp độ, trong thời gian tối đa 30 ngày, cơ sở đào tạo tổ chức thi hoặc đưa đón cán bộ, công chức đến nơi tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu của đề án.

4. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí để thực hiện Đề án: Từ nguồn ngân sách tỉnh, kinh phí của cán bộ, công chức đi học và từ các nguồn kinh phí tài trợ hợp pháp.

Học phí và lệ phí thi cuối khóa học theo cấp độ đăng ký đối với các lớp đào tạo tin học, ngoại ngữ tại Đề án này được chi từ nguồn Quỹ Đào tạo do Sở Nội vụ quản lý được ngân sách giao hàng năm.

Các chính sách hỗ trợ khác (tiền ăn, tiền nghỉ,....) đối với cán bộ, công chức được cử đi học thực hiện theo Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách, bố trí đủ kinh phí để tổ chức thực hiện đề án.

5. Giám sát, kiểm tra, báo cáo thực hiện Đề án

Giao Sở Nội vụ căn cứ mục tiêu và yêu cầu của đề án, chủ động phối hợp với các sở ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thực hiện đề án, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đề án. Hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện đề án.

Trong quá trình thực hiện đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có giải pháp tháo gỡ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1537/QĐ-UBND năm 2013 về Đề án đào tạo tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 1537/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Kim Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản