Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2375/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐỐI NGOẠI, NGOẠI NGỮ VÀ BIÊN PHIÊN DỊCH CHO CÔNG CHỨC NGOẠI VỤ ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ và biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2011 – 2015 với các nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Chuẩn hóa việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ cho đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương trong cả nước;

- Xây dựng đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương chuyên nghiệp; trang bị những kiến thức, kỹ năng đối ngoại và ngoại ngữ cho các công chức lãnh đạo cơ quan ngoại vụ địa phương theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNG ngày 22 tháng 5 năm 2009 của Bộ Ngoại giao quy định về tiêu chuẩn Giám đốc Sở Ngoại vụ (sau đây gọi là Thông tư số 01/2009/TT-BNG).

2. Mục tiêu cụ thể:

Hàng năm tiến hành trang bị, cập nhật kiến thức đối ngoại cho công chức các cơ quan ngoại vụ địa phương. Đến hết năm 2015 đạt được kết quả như sau:

- 50% Giám đốc Sở Ngoại vụ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNG;

- 80% công chức được trang bị kiến thức, nghiệp vụ đối thoại (lãnh sự, lễ tân, thông tin báo chí, đàm phán, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, công tác biên giới lãnh thổ, văn hóa đối thoại, kinh tế đối ngoại);

- 50% công chức có kỹ năng tiếng Anh thực hành thành thạo;

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 01 đến 02 công chức ngoại vụ được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng biên phiên dịch tiếng Anh. Các tỉnh có biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia có ít nhất 01 công chức ngoại vụ có kỹ năng biên phiên dịch tiếng địa phương của nước chung biên giới.

II. ĐỐI TƯỢNG

1. Đối tượng chính:

- Công chức lãnh đạo và công chức các cơ quan ngoại vụ trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý;

- Công chức các cơ quan ngoại vụ địa phương.

2. Đối tượng khác:

Công chức làm công tác hợp tác quốc tế thuộc một số Sở, Ban, ngành khác ở địa phương

III. NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG

- Nội dung bồi dưỡng bao gồm các lĩnh vực: kiến thức và nghiệp vụ đối ngoại; kiến thức về ngoại vụ địa phương; ngoại ngữ tiếng Anh thực hành; biên phiên dịch tiếng Anh, Trung, Lào, Khmer, một số ngoại ngữ khác theo yêu cầu cụ thể của các địa phương.

- Chương trình bồi dưỡng tập trung vào các lớp ngắn hạn cho từng đối tượng công chức: công chức lãnh đạo cơ quan ngoại vụ, công chức ngoại vụ tổng hợp, công chức ngoại vụ chuyên trách các lĩnh vực nghiệp vụ.

IV. GIẢI PHÁP

- Triển khai các khóa bồi dưỡng theo khu vực: các tỉnh, thành phố phía Bắc đến Đà Nẵng do Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại thuộc Học viện Ngoại giao Hà Nội phụ trách; các tỉnh, thành phố phía Nam đến Quảng Nam do Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng kiến thức đối ngoại, ngoại ngữ thuộc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh phụ trách;

- Xây dựng và áp dụng tiêu chí để đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng công chức ngoại vụ;

- Bố trí giảng viên là các chuyên gia đầu ngành của Bộ Ngoại giao, người có nhiều kinh nghiệm công tác, giảng viên thỉnh giảng từ các cơ quan đối ngoại khác, chuyên gia ngôn ngữ nước ngoài;

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại cho Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại thuộc Học viện Ngoại giao Hà Nội và Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng kiến thức đối ngoại, ngoại ngữ thuộc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh;

- Xây dựng và áp dụng biện pháp khuyến khích, hỗ trợ công chức tham gia các khóa bồi dưỡng.

V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2011 đến năm 2015.

2. Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án:

- Năm 2011: biên soạn giáo trình, tài liệu và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo; tổ chức các khóa bồi dưỡng;

- Năm 2012: tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng;

- Năm 2013: tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng; chỉnh lý, bổ sung giáo trình, tài liệu;

- Năm 2014: tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng theo giáo trình, tài liệu đã được chỉnh lý, bổ sung;

- Năm 2015: tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng; tổng kết việc thực hiện Đề án.

VI. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bao gồm:

1. Kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm:

- Chi cho các nhiệm vụ do Bộ Ngoại giao thực hiện được bố trí từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngoại vụ địa phương hàng năm, gồm: chi phí biên soạn giáo trình, tài liệu, chi cho giảng viên (thù lao, đi lại, ăn ở), chi phí tổ chức các lớp học;

- Hỗ trợ một phần đối với các tỉnh khó khăn, hàng năm phải nhận trợ cấp cân đối ngân sách để thực hiện Đề án.

2. Kinh phí do ngân sách địa phương bảo đảm: chi ăn, ở, đi lại cho học viên do cơ quan, đơn vị cử công chức đi học theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Ngoại giao:

- Xây dựng, đánh giá chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng công chức ngoại vụ địa phương;

- Hàng năm hướng dẫn các địa phương tổng hợp nhu cầu bồi dưỡng công chức ngoại vụ của địa phương;

- Lập dự toán kinh phí bồi dưỡng công chức ngoại vụ địa phương hàng năm, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Bộ Ngoại giao;

- Chủ trì tổ chức các khóa bồi dưỡng theo Đề án được phê duyệt;

- Đôn đốc, kiểm tra định kỳ, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

2. Bộ Tài chính: Bố trí kinh phí thực hiện Đề án.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tổng hợp và thông báo Bộ Ngoại giao về nhu cầu bồi dưỡng công chức ngoại vụ địa phương;

- Bố trí kinh phí bồi dưỡng công chức ngoại vụ địa phương theo quy định;

- Tạo điều kiện, hỗ trợ công chức ngoại vụ địa phương tham gia các khóa bồi dưỡng; áp dụng biện pháp sử dụng có hiệu quả các công chức đã tham gia khóa bồi dưỡng.

Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCV (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2375/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ và biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2011 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2375/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2010
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 31 đến số 32
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản