Hệ thống pháp luật

Chương 13 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Chương 13:

THỦ TỤC TÁI THẨM

Điều 78. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

1- Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được;

2- Đã xác định được là lời khai của người làm chứng, kết luận giám định hoặc lời dịch của người phiên dịch rõ ràng không đúng sự thật hoặc đã có sự giả mạo bằng chứng;

3- Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố tình kết luận trái pháp luật;

4- Bản án hình sự, dân sự hoặc quyết định của cơ quan, tổ chức mà Toà án đã dựa vào để giải quyết vụ án dã bị huỷ.

Điều 79. Thời hạn kháng nghị; thông báo việc kháng nghị.

1- Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm kể từ ngày phát hiện được những tình tiết quy định tại Điêu 78 của Pháp lệnh này.

Việc kháng nghị theo hướng không gây thiệt hại cho bất cứ đương sự nào không bị hạn chế về thời gian.

2- Bản sao bản kháng nghị phải được gửi ngay cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị. Toà án phải gửi ngay bản sao bản kháng nghị cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 80. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:

a) Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án các cấp;

b) Chánh án Toà án cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án cấp huyện.

Điều 81. Thẩm quyền tái thẩm, thời hạn xét xử tái thẩm.

Các quy định tại các Điều 74, 75, 76 của Pháp lệnh này cũng áp dụng đối với việc xét xử tái thẩm.

Điều 82. Quyền hạn của Hội đồng xét xử tái thẩm.

Hội đồng xét xử tái thẩm có quyền:

1- Giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

2- Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung;

3- Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh này.

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 27-LCT/HĐNN8
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 07/12/1989
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Chí Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1990
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH