Hệ thống pháp luật

Chương 10 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Chương 10

PHIÊN TOÀ SƠ THẨM

Điều 48. Những người tham gia phiên toà.

1- Phiên toà được tiến hành với sự có mặt của các đương sự, người đại diện của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Nếu Viện kiểm sát khởi tố, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung, thì kiểm sát viên, đại diện tổ chức xã hội phải có mặt tại phiên toà.

2- Hội đồng xét xử hoãn phiên toà, nếu:

a) Vắng mặt kiểm sát viên trong trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia tố tụng;

b) Vắng mặt đại diện tổ chức xã hội đã khởi kiện vì lợi ích chung;

c) Vắng mặt nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

d) Vắng mặt người làm chứng cần được hỏi tại phiên toà;

đ) Thành viên của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên toà, người giám định, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay.

3- Việc xét xử vẫn được tiến hành nếu đương sự yêu cầu xét xử vắng mặt họ hoặc người không phải là nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng.

Điều 49. Thủ tục bắt đầu phiên toà.

1- Khi bắt đầu phiên toà, chủ toạ phiên toà đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử; kiểm tra căn cước của những người được triệu tập đến phiên toà đã có mặt và giải tích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên toà. Nếu có người được triệu tập vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định việc có hoãn phiên toà hay không.

2- Chủ toạ phiên toà giới thiệu các thành viên của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên toà, người giám định, người phiên dịch và hỏi những người tham gia tố tụng xem có ai yêu cầu thay đổi những người đó hay không; nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

3- Chủ toạ phiên toà giải thích cho người giám định, người phiên dịch về quyền và nghĩa vụ của họ. Những người này phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ.

4- Người làm chứng phải cam đoan không khai gian dối. Nếu thấy người làm chứng có thể bị ảnh hưởng bởi lời khai của người khác thì chủ toạ phiên toà cho cách ly người làm chứng với những người khác trước khi hỏi người làm chứng.

5- Chủ toạ phiên toà hỏi đương sự, kiểm sát viên, đại diện tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc cung cấp thêm bằng chứng hay không; nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

Điều 50. Thủ tục xét hỏi tại phiên toà.

1- Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án bằng cách nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người đại diện của đương sự, người đại diện của tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung, kiểm sát viên trong trường hợp Viện kiểm sát khởi tố vụ án, người làm chứng, người giám định; xem xét vật chứng.

2- Khi xét hỏi. Hội đồng xét xử hỏi trước rồi đến kiểm sát viên, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia tố tụng có quyền đề xuất với Hội đồng xét xử những vấn đề cần được hỏi thêm.

Điều 51. Tranh luận tại phiên toà.

1- Sau khi Hội đồng xét xử kết thúc việc xét hỏi, các đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện tổ chức xã hội khởi kiện về lợi ích chung trình bày ý kiến của mình về đánh giá chứng cứ, đề xuất hướng giải quyết vụ án. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác, nhưng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Nếu thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử cho phát biểu thêm. Sau đó kiểm sát viên trình bày ý kiến về hướng giải quyết vụ án.

2- Nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định xét hỏi lại và tranh luận lại.

Điều 52. Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án; công nhận sự thoả thuận của các đương sự tại phiên toà.

1- Nếu tại phiên toà mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện, kiểm sát viên rút quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn không yêu cầu tiếp tục giải quyết vụ án, các đương sự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án, thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án hoặc công nhận sự thoả thuận đó.

2- Hội đồng xét xử tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 45 hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại các khoản 1, 3, 4 Điều 46 của Pháp lệnh này.

Điều 53. Nghị án.

1- Các quyết định của Hội đồng xét xử phải do các thành viên của Hội đồng thảo luận và quyết dịnh theo đa số. Khi nghị án phải có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử.

2- Trong bản án Hội đồng xét xử trình bày đầy đủ nội dung vụ án, những tình tiết đã được chứng minh, những chứng cứ, căn cứ pháp luật mà Toà án dựa vào để giải quyết các vấn đề trong vụ án, quyết định của Toà án về giải quyết vụ án, các án phí và quyền kháng cáo của các đương sự. Đối với các quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, trả tiền công lao động, cấm hoặc buộc phải thực hiện hành vi nhất định thì Hội đồng xét xử có thể quyết định cho thi hành ngay.

Điều 54. Biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên toà.

Người vi phạm trật tự phiên toà, tuỳ trường hợp, có thể bị chủ toạ phiên toà cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ.

Cảnh sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ phiên toà và thi hành lệnh của chủ toạ phiên toà về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người gây rối trật tự phiên toà.

Điều 55. Sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định.

Bản án, quyết định đã tuyên thì không được sửa chữa, bổ sung, trừ trường hợp có sai sót rõ ràng về số liệu vì tính toán sai. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa chữa, bổ sung và Viện kiểm sát, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung phải được thông báo ngay về việc sửa chữa, bổ sung đó.

Điều 56. Biên bản phiên toà.

1- Biên bản phiên toà phải phản ánh rõ mọi diễn biến của phiên toà. Chủ toạ phiên toà kiểm tra biên bản phiên toà và cùng với thư ký phiên toà ký vào biên bản.

2- Sau bảy ngày kể từ ngày tuyên án, các đương sự, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung được xem biên bản phiên toà, có quyền yêu cầu sửa chữa, bổ sung biên bản. Chủ toạ phiên toà, thư ký phiên toà và người có yêu cầu ký tên xác nhận những điều sửa chữa, bổ sung. Nếu yêu cầu của họ không được chấp nhận thì họ có quyền làm đơn, văn bản nêu rõ ý kiến của mình để đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 57. Cấp trích lục, bản sao bản án hoặc quyết định của Toà án.

1- Ngay sau phiên toà, các đương sự, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung, được Toà án cấp trích lục bản án hoặc quyết định về vụ án. Chậm nhất là mười lăm ngày kể từ ngày tuyên án, Toà án cấp cho họ bản án, quyết định về vụ án theo yêu cầu của họ.

2- Nếu đương sự vắng mặt tại phiên toà thì Toà án gửi ngay cho họ bản trích lục bản án, quyết định về vụ án.

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 27-LCT/HĐNN8
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 07/12/1989
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Chí Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1990
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH