Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Nghị định 95/2025/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Mục 2. BAN KIỂM SOÁT

Điều 19. Ban kiểm soát

1. Ban kiểm soát thực hiện giám sát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật; quy định nội bộ, nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Ngân hàng Phát triển và của Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển.

2. Ban kiểm soát có 03 thành viên do Bộ Tài chính bổ nhiệm, làm việc theo chế độ chuyên trách, trong đó có 01 thành viên làm Trưởng ban kiểm soát. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát theo quy định đối với tổ chức tín dụng tại các Điều 41, Điều 42, Điều 43, Điều 45, Điều 46, Điều 47 Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

3. Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát là 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại.

4. Trường hợp Ban kiểm soát có số thành viên ít hơn số thành viên quy định tại khoản 2 Điều này, trong thời hạn tối đa 90 ngày làm việc kể từ ngày không đủ số thành viên theo quy định, Ban Kiểm soát phải đề nghị Bộ Tài chính bổ sung đủ số lượng thành viên Ban kiểm soát theo quy định.

5. Ban kiểm soát hoạt động theo quy chế do Bộ Tài chính ban hành.

Điều 20. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát

1. Giám sát hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng Phát triển trong việc tuân thủ pháp luật, quy định nội bộ, nghị quyết của Hội đồng quản trị, quyết định, văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ Tài chính và cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ của Ban kiểm soát.

3. Giám sát việc chấp hành chế độ, thực trạng tài chính; chế độ kế toán; việc tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển; giám sát hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ; tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ.

4. Thẩm định kế hoạch tài chính hằng năm; thẩm định báo cáo tình hình hoạt động, báo cáo tài chính 06 tháng đầu năm và hằng năm; đánh giá tính hợp lý, hợp pháp, trung thực và mức độ cẩn trọng trong công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính; kiểm tra từng nội dung cụ thể liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Phát triển khi xét thấy cần thiết trước khi báo cáo Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan.

5. Kịp thời thông báo cho Hội đồng quản trị và báo cáo Bộ Tài chính khi phát hiện thành viên Hội đồng quản trị, người điều hành Ngân hàng Phát triển có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; yêu cầu người vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả (nếu có).

6. Được tiếp cận, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành Ngân hàng Phát triển để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

7. Được tham dự các cuộc họp giao ban, họp Hội đồng quản trị, họp do Tổng giám đốc chủ trì, họp chuyên đề có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ban kiểm soát. Ban kiểm soát tham dự các cuộc họp có quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết. Được yêu cầu ghi lại ý kiến của mình trong biên bản cuộc họp nếu ý kiến đó khác với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị và báo cáo Bộ Tài chính.

8. Được sử dụng các nguồn lực của Ngân hàng Phát triển, được thuê chuyên gia và tổ chức bên ngoài để thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Được sử dụng con dấu của Ngân hàng Phát triển để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

9. Thành viên Ban kiểm soát được đào tạo nghiệp vụ kiểm soát. Trường hợp cần thiết, được quyền yêu cầu tư vấn của các chuyên gia, tổ chức chuyên ngành để phục vụ công tác sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính.

10. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác do Bộ Tài chính giao.

Điều 21. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban kiểm soát

1. Chỉ đạo, tổ chức triển khai việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Triệu tập và làm chủ tọa các cuộc họp Ban kiểm soát.

3. Thay mặt Ban kiểm soát ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Ban kiểm soát.

4. Chuẩn bị kế hoạch làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban kiểm soát theo quy định nội bộ của Ban kiểm soát.

5. Bảo đảm thành viên Ban kiểm soát nhận được thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác và có đủ thời gian thảo luận các vấn đề mà Ban kiểm soát phải xem xét.

6. Giám sát, chỉ đạo các thành viên Ban kiểm soát trong việc thực hiện các công việc được phân công và quyền, nghĩa vụ của Ban kiểm soát.

7. Chỉ được ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác của Ban kiểm soát thực hiện quyền, nghĩa vụ của Trưởng ban kiểm soát trong thời gian vắng mặt hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ.

8. Đề nghị Hội đồng quản trị họp bất thường theo quy định tại Nghị định này. Tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản trị, họp do Tổng giám đốc chủ trì, họp chuyên đề có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ban kiểm soát, tham gia ý kiến và đưa ra kiến nghị, nhưng không được biểu quyết.

9. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.

Điều 22. Nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên Ban kiểm soát

1. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên Ban kiểm soát theo đúng quy định tại Nghị định này, pháp luật có liên quan và quy định nội bộ của Ban kiểm soát một cách trung thực, thận trọng vì lợi ích của Ngân hàng Phát triển và của Nhà nước; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Đề nghị Trưởng Ban kiểm soát triệu tập họp Ban kiểm soát bất thường.

3. Kiểm soát các hoạt động, kiểm tra sổ sách kế toán, tài sản, các báo cáo tài chính của Ngân hàng Phát triển và kiến nghị khắc phục các sai phạm (nếu có).

4. Được quyền yêu cầu cán bộ của Ngân hàng Phát triển cung cấp số liệu và giải trình các hoạt động để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

5. Báo cáo Trưởng Ban kiểm soát về các hoạt động tài chính bất thường, chịu trách nhiệm cá nhân về những đánh giá và kết luận của mình.

6. Tham dự các cuộc họp của Ban kiểm soát, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát, trừ những vấn đề có xung đột lợi ích.

7. Tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản trị, họp do Tổng giám đốc chủ trì, họp chuyên đề có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ban kiểm soát, tham gia ý kiến và đưa ra kiến nghị, nhưng không được biểu quyết.

8. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Bộ phận kiểm toán nội bộ và bộ phận giúp việc

1. Ban kiểm soát có bộ phận kiểm toán nội bộ và bộ phận giúp việc để thực hiện nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở đề nghị của Ban Kiểm soát, Hội đồng quản trị thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ và bộ phận giúp việc cho Ban Kiểm soát.

2. Quy chế hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận giúp việc do Ban kiểm soát quyết định.

Nghị định 95/2025/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

  • Số hiệu: 95/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/04/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH