Mục 1 Chương 2 Nghị định 95/2025/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Mục 1. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
Điều 13. Hội đồng quản trị
1. Cơ cấu Hội đồng quản trị
a) Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, số thành viên của Hội đồng quản trị tối đa là 05 người, làm việc theo chế độ chuyên trách. Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển là thành viên Hội đồng quản trị;
b) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm; các thành viên Hội đồng quản trị còn lại do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm;
c) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị theo quy định đối với tổ chức tín dụng tại các Điều 41, Điều 42, Điều 43, Điều 45, Điều 46, Điều 47 Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
2. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị
a) Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị là 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại;
b) Thành viên Hội đồng quản trị có thể bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc được bổ nhiệm bổ sung hoặc thay thế.
3. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.
4. Hội đồng quản trị sử dụng con dấu của Ngân hàng Phát triển để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Điều 14. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị
1. Trình Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung quy định tại Điều 34 Nghị định này.
2. Trình Bộ Tài chính các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định này.
3. Ban hành quy chế nội bộ liên quan đến tổ chức, quản trị và hoạt động của Ngân hàng Phát triển bao gồm:
a) Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển;
b) Các Quy chế hoạt động nghiệp vụ và các quy chế, quy định nội bộ khác thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.
4. Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược hoạt động, kế hoạch hoạt động trung và dài hạn của Ngân hàng Phát triển sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Quyết định kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính hằng năm của Ngân hàng Phát triển.
6. Quyết định hoặc phân cấp hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật các nội dung sau:
a) Cho vay, bảo lãnh tín dụng, hoạt động huy động vốn và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật;
b) Xử lý rủi ro, tổn thất trong việc cho vay vốn tín dụng chính sách của Nhà nước, các khoản cho vay khác và bảo lãnh tín dụng thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và cơ chế xử lý rủi ro tại Ngân hàng Phát triển;
c) Đầu tư xây dựng cơ bản, mua, bán, thuê, cho thuê và cải tạo sửa chữa tài sản của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật và quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển;
d) Điều chuyển vốn để đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định; điều chuyển tài sản giữa các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Phát triển;
đ) Các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật.
7. Phê duyệt: Báo cáo tình hình hoạt động, báo cáo quyết toán tài chính, phân phối kết quả tài chính, trích lập, sử dụng các quỹ và công bố báo cáo thường niên của Ngân hàng Phát triển theo quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển.
8. Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của Ngân hàng Phát triển theo đề nghị của Tổng giám đốc.
9. Thực hiện quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý tiền lương, tiền thưởng đối với Ngân hàng Phát triển theo quy định của Chính phủ đối với ngân hàng chính sách.
10. Quyết định góp vốn thành lập doanh nghiệp; việc tăng, giảm vốn góp của Ngân hàng Phát triển tại doanh nghiệp trên cơ sở phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
11. Quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn góp của Ngân hàng Phát triển tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của Ngân hàng Phát triển.
12. Quyết định biên chế cho trụ sở chính và các đơn vị trực thuộc trong phạm vi tổng biên chế được giao tại khoản 2 Điều 35 Nghị định này.
13. Quyết định số lượng, cơ cấu, thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển.
14. Quyết định quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật, cho thôi việc, nghỉ hưu và thực hiện các công tác cán bộ khác đối với: Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, các chức danh thuộc bộ máy giúp việc cho Hội đồng quản trị, Trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc, người đại diện quản lý phần vốn góp của Ngân hàng Phát triển tại doanh nghiệp theo đề nghị của Tổng Giám đốc; bộ phận kiểm toán nội bộ và bộ phận giúp việc của Ban kiểm soát theo đề nghị của Ban kiểm soát.
15. Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với các thành viên Hội đồng quản trị và báo cáo Bộ Tài chính để đánh giá theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định này.
16. Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với chức danh Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Hội đồng quản trị.
17. Quyết định cử các thành viên Hội đồng quản trị (trừ Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc), Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển đi công tác, học tập trong nước; đi công tác, học tập, giải quyết việc riêng tại nước ngoài.
18. Giám sát toàn diện hoạt động của Ngân hàng Phát triển; giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định và các văn bản khác của Hội đồng quản trị. Đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ các văn bản, quy định của Ngân hàng Phát triển (trừ những văn bản do Ban kiểm soát ban hành) trái với nghị quyết, quyết định và các văn bản hiện hành khác của Hội đồng quản trị.
19. Giám sát, chỉ đạo Tổng giám đốc trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
20. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác của cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị
1. Ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị.
2. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng quản trị. Chỉ đạo, giám sát các thành viên Hội đồng quản trị trong việc thực hiện các công việc được phân công và các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3. Triệu tập và chủ tọa các cuộc họp Hội đồng quản trị theo quy định tại Nghị định này.
4. Thay mặt Hội đồng quản trị ký các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; ký các văn bản trình cấp có thẩm quyền và xử lý công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị.
5. Trường hợp vắng mặt, ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên Hội đồng quản trị thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo cơ chế phân công, ủy quyền do Hội đồng quản trị quy định.
6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Hội đồng quản trị về những quyết định của mình.
7. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan và phân cấp, ủy quyền của Hội đồng quản trị.
Điều 16. Nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên Hội đồng quản trị
1. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên Hội đồng quản trị theo đúng quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị và sự phân công của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
2. Nghiên cứu, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động và đóng góp vào việc định hướng phát triển, phương án, kế hoạch hoạt động của Ngân hàng Phát triển trong từng thời kỳ.
3. Tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản trị, thảo luận và biểu quyết về tất cả các vấn đề thuộc nội dung cuộc họp, trừ trường hợp không được biểu quyết vì vấn đề xung đột lợi ích với thành viên đó. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Hội đồng quản trị về những quyết định của mình.
4. Đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị bất thường theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này.
5. Thực hiện các quyết định, nghị quyết của Hội đồng quản trị phù hợp theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
6. Báo cáo trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu.
7. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Điều 17. Chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng quản trị
1. Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; ít nhất một tháng họp một lần do Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc người được ủy quyền) triệu tập và chủ trì để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình.
2. Hội đồng quản trị họp bất thường khi có đề nghị của một trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ tịch Hội đồng quản trị;
b) Tổng giám đốc hoặc Trưởng Ban kiểm soát;
c) Ít nhất hai thành viên của Hội đồng quản trị.
Đề nghị Hội đồng quản trị họp bất thường phải lập bằng văn bản, trong đó nêu rõ mục đích họp, vấn đề cần thảo luận và quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Người có thẩm quyền triệu tập họp Hội đồng quản trị có quyền từ chối đề nghị nêu trên nếu vấn đề cần thảo luận và quyết định không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị nhưng phải thông báo cho người đề nghị và các thành viên Hội đồng quản trị biết.
3. Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị được Chủ tịch Hội đồng quản trị ủy quyền triệu tập họp trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị triệu tập nêu tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được ủy quyền không chấp nhận triệu tập cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra đối với Ngân hàng Phát triển, trừ trường hợp không thể triệu tập họp được vì lý do bất khả kháng. Trong trường hợp bất khả kháng nêu trên, người đề nghị nêu tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này có thể thay thế Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị.
4. Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người triệu tập họp Hội đồng quản trị gửi thông báo mời họp chậm nhất 3 ngày làm việc trước ngày họp. Thông báo mời họp làm bằng văn bản, trong đó nêu rõ chương trình, thời gian và địa điểm họp, các vấn đề thảo luận và quyết định. Hình thức họp trực tuyến có thể được áp dụng khi cần thiết.
5. Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị có mặt.
6. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có hiệu lực khi có trên 50% số thành viên Hội đồng quản trị dự họp biểu quyết tán thành hoặc có ý kiến tán thành bằng văn bản, trường hợp ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của người chủ trì cuộc họp.
7. Đối với những công việc có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hội, các hiệp hội, các tổ chức phi Chính phủ thì có thể mời đại diện có thẩm quyền của các tổ chức, cơ quan đó tham dự phiên họp. Các phiên họp có nội dung công việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong Ngân hàng Phát triển thì phải mời đại diện Công đoàn Ngân hàng Phát triển tham dự.
8. Thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị bằng văn bản:
a) Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định việc lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị bằng văn bản;
b) Trình tự, thủ tục lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị quy định trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật.
9. Biên bản họp Hội đồng quản trị:
a) Các cuộc họp của Hội đồng quản trị được ghi biên bản, trường hợp cần thiết có thể ghi âm. Biên bản được lập bằng tiếng Việt theo thể thức và các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật;
b) Biên bản họp Hội đồng quản trị và các tài liệu sử dụng trong cuộc họp phải được lưu giữ tại Trụ sở chính của Ngân hàng Phát triển.
Điều 18. Giúp việc cho Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị được thành lập các bộ phận chuyên môn để giúp việc Hội đồng quản trị. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các bộ phận chuyên môn do Hội đồng quản trị quyết định.
Nghị định 95/2025/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
- Số hiệu: 95/2025/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 29/04/2025
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Hồ Đức Phớc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Tên gọi, trụ sở hoạt động của Ngân hàng Phát triển
- Điều 4. Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, đại diện pháp luật
- Điều 5. Nguyên tắc, mục tiêu hoạt động và bảo đảm hoạt động
- Điều 6. Chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước của Ngân hàng Phát triển
- Điều 7. Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển
- Điều 8. Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển
- Điều 9. Quyền hạn của Ngân hàng Phát triển
- Điều 10. Tổ chức lại, giải thể Ngân hàng Phát triển
- Điều 11. Hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong Ngân hàng Phát triển
- Điều 13. Hội đồng quản trị
- Điều 14. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị
- Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị
- Điều 16. Nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên Hội đồng quản trị
- Điều 17. Chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng quản trị
- Điều 18. Giúp việc cho Hội đồng quản trị
- Điều 19. Ban kiểm soát
- Điều 20. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát
- Điều 21. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban kiểm soát
- Điều 22. Nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên Ban kiểm soát
- Điều 23. Bộ phận kiểm toán nội bộ và bộ phận giúp việc
- Điều 24. Tổng giám đốc
- Điều 25. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc
- Điều 26. Giúp việc cho Tổng giám đốc
- Điều 27. Hệ thống kiểm soát nội bộ
- Điều 29. Hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Phát triển
- Điều 30. Vốn hoạt động và sử dụng vốn của Ngân hàng Phát triển
- Điều 31. Chế độ tài chính
- Điều 32. Chế độ kế toán, thống kê
- Điều 33. Báo cáo tài chính, kiểm toán báo cáo tài chính