Hệ thống pháp luật

Điều 34 Nghị định 71/2013/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Điều 34. Bảo toàn vốn

1. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đã đầu tư tại doanh nghiệp. Mọi biến động về tăng, giảm vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu và cơ quan tài chính để theo dõi, giám sát.

Định kỳ 6 tháng, hàng năm doanh nghiệp phải đánh giá hiệu quả sử dụng vốn thông qua chỉ tiêu mức độ bảo toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Việc bảo toàn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:

a) Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật.

b) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.

c) Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro sau đây:

- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho;

- Dự phòng các khoản phải thu khó đòi;

- Dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn;

- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp.

d) Các biện pháp khác về bảo toàn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc trích lập các khoản dự phòng:

a) Các khoản dự phòng nêu trên được hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh năm báo cáo tại thời điểm lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong năm tiếp theo.

b) Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế về quản lý vật tư, hàng hóa, quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh; xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân trong việc theo dõi, quản lý hàng hóa, thu hồi công nợ.

c) Nghiêm cấm doanh nghiệp lợi dụng việc trích lập dự phòng để tính thêm vào chi phí các khoản dự phòng không đúng quy định nhằm làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách. Những doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt như hành vi trốn thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp.

Nghị định 71/2013/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

  • Số hiệu: 71/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/07/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/07/2013
  • Số công báo: Từ số 433 đến số 434
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH