Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Nghị định 71/2013/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

MỤC 1. ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC VÀO DOANH NGHIỆP

Điều 4. Nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để tạo ra ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn.

2. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, phù hợp với từng dự án đầu tư và phải thực hiện công khai, minh bạch.

3. Đầu tư vốn nhà nước để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế khác phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận.

4. Đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát.

5. Gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Điều 5. Hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Đầu tư vốn nhà nước để thực hiện các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Đầu tư vốn thành lập mới doanh nghiệp.

3. Đầu tư, bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh; đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ an ninh, quốc phòng.

4. Đầu tư vốn nhà nước để duy trì quyền chi phối hoặc tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên.

5. Mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế.

Điều 6. Điều kiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Đầu tư các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm:

a) Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên;

b) Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

- Nhà máy điện hạt nhân;

- Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 hécta (ha) trở lên; rừng sản xuất từ 1000 hécta (ha) trở lên;

c) Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 hécta (ha) trở lên.

d) Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác.

đ) Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia.

e) Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh.

g) Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.

h) Dự án, công trình trọng điểm của quốc gia đầu tư ra nước ngoài có một trong các tiêu chí sau đây:

- Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài từ 7.000 tỷ đồng trở lên;

- Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định;

- Dự án đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng quyết định.

2. Đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ:

a) Đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn sau đây:

- Ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng;

- Ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn;

- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục ngành, lĩnh vực, địa bàn quy định tại Điểm a Khoản này.

c) Việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập công ty con của doanh nghiệp phải nhằm mục đích để phát triển, phục vụ trực tiếp cho ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

3. Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ chỉ thực hiện đối với các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ nhưng chưa được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ.

4. Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì hoặc tăng tỷ lệ vốn nhà nước đang tham gia tại các doanh nghiệp khác, bao gồm:

a) Các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.

b) Các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế ngành, lãnh thổ và thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

5. Việc mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Điều 7. Thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để:

a) Thực hiện các dự án trọng điểm của Nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này sau khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

b) Quyết định đầu tư vốn để thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước; quyết định bổ sung vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước và của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

c) Quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước góp tại các tập đoàn kinh tế sau cổ phần hóa.

d) Quyết định đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác theo đề nghị của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để:

a) Quyết định đầu tư vốn để thành lập đối với doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập doanh nghiệp.

b) Quyết định bổ sung vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập thì phải thỏa thuận với Bộ Tài chính.

c) Quyết định đầu tư tăng vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp khác do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định phương án mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nghị định 71/2013/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

  • Số hiệu: 71/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/07/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 433 đến số 434
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH