Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 71/2013/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Chương 2.

ĐẦU TƯ VỐN VÀ QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP

MỤC 1. ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC VÀO DOANH NGHIỆP

Điều 4. Nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để tạo ra ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn.

2. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, phù hợp với từng dự án đầu tư và phải thực hiện công khai, minh bạch.

3. Đầu tư vốn nhà nước để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế khác phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận.

4. Đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát.

5. Gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Điều 5. Hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Đầu tư vốn nhà nước để thực hiện các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Đầu tư vốn thành lập mới doanh nghiệp.

3. Đầu tư, bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh; đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ an ninh, quốc phòng.

4. Đầu tư vốn nhà nước để duy trì quyền chi phối hoặc tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên.

5. Mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế.

Điều 6. Điều kiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Đầu tư các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm:

a) Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên;

b) Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

- Nhà máy điện hạt nhân;

- Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 hécta (ha) trở lên; rừng sản xuất từ 1000 hécta (ha) trở lên;

c) Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 hécta (ha) trở lên.

d) Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác.

đ) Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia.

e) Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh.

g) Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.

h) Dự án, công trình trọng điểm của quốc gia đầu tư ra nước ngoài có một trong các tiêu chí sau đây:

- Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài từ 7.000 tỷ đồng trở lên;

- Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định;

- Dự án đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng quyết định.

2. Đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ:

a) Đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn sau đây:

- Ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng;

- Ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn;

- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục ngành, lĩnh vực, địa bàn quy định tại Điểm a Khoản này.

c) Việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập công ty con của doanh nghiệp phải nhằm mục đích để phát triển, phục vụ trực tiếp cho ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

3. Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ chỉ thực hiện đối với các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ nhưng chưa được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ.

4. Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì hoặc tăng tỷ lệ vốn nhà nước đang tham gia tại các doanh nghiệp khác, bao gồm:

a) Các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.

b) Các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế ngành, lãnh thổ và thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

5. Việc mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Điều 7. Thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để:

a) Thực hiện các dự án trọng điểm của Nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này sau khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

b) Quyết định đầu tư vốn để thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước; quyết định bổ sung vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước và của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

c) Quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước góp tại các tập đoàn kinh tế sau cổ phần hóa.

d) Quyết định đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác theo đề nghị của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để:

a) Quyết định đầu tư vốn để thành lập đối với doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập doanh nghiệp.

b) Quyết định bổ sung vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập thì phải thỏa thuận với Bộ Tài chính.

c) Quyết định đầu tư tăng vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp khác do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định phương án mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

MỤC 2. QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP KHÁC

Điều 8. Quyền, trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác

1. Quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp khác.

2. Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện tại doanh nghiệp khác, quyết định tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và các vấn đề đãi ngộ đối với Người đại diện, trừ trường hợp Người đại diện đã được hưởng lương từ doanh nghiệp khác.

3. Yêu cầu Người đại diện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình kết quả kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp khác.

4. Giao nhiệm vụ và chỉ đạo Người đại diện bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác. Yêu cầu Người đại diện báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Người đại diện, nhất là trong việc định hướng doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối để thực hiện các mục tiêu, chiến lược của Nhà nước; có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản khi Người đại diện xin ý kiến.

5. Quyết định theo thẩm quyền việc đầu tư tăng vốn hoặc thu hồi vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp khác.

6. Kiểm tra, giám sát hoạt động của Người đại diện, phát hiện những thiếu sót, yếu kém của Người đại diện để ngăn chặn, xử lý và chấn chỉnh kịp thời.

7. Giám sát việc thu hồi vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, việc thu lợi nhuận được chia từ doanh nghiệp khác.

8. Chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.

9. Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Quyền, trách nhiệm của Người đại diện

1. Quyền, trách nhiệm của Người đại diện

a) Người đại diện thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác có trách nhiệm tuân thủ pháp luật; thực hiện đúng các nhiệm vụ được chủ sở hữu giao khi quyết định các vấn đề nêu tại Điều 8 Nghị định này. Kịp thời báo cáo cho chủ sở hữu về tình hình doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc những trường hợp sai phạm khác.

b) Người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu bằng văn bản trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông, các cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về ngành nghề kinh doanh, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển; việc tổ chức lại, giải thể, phá sản; ban hành điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ; việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ; đề cử để bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc); phân phối lợi nhuận và trích lập, sử dụng các quỹ, chia cổ tức hàng năm.

2. Tiền lương, thưởng và quyền lợi của Người đại diện

a) Người đại diện chuyên trách trong ban quản lý, điều hành tại doanh nghiệp khác được hưởng lương, phụ cấp trách nhiệm (nếu có), tiền thưởng và các quyền lợi khác quy định tại Điều lệ doanh nghiệp đó và do doanh nghiệp đó trả theo quy định của pháp luật.

b) Người đại diện kiêm nhiệm không tham gia chuyên trách trong ban quản lý, điều hành doanh nghiệp khác thì thù lao, tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm (nếu có) và các quyền lợi khác được hưởng do chủ sở hữu chi trả theo quy định của pháp luật.

c) Người đại diện khi được quyền mua cổ phần phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi theo quyết định của công ty cổ phần (trừ trường hợp được mua theo quyền của cổ đông hiện hữu) thì phải báo cáo bằng văn bản cho chủ sở hữu. Chủ sở hữu vốn quyết định bằng văn bản số lượng cổ phần Người đại diện được mua theo mức độ đóng góp và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đại diện. Phần còn lại thuộc quyền mua của chủ sở hữu vốn. Trường hợp Người đại diện được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại nhiều đơn vị, thì được ưu tiên lựa chọn thực hiện quyền mua tại 01 đơn vị. Người đại diện tại công ty cổ phần có trách nhiệm chuyển phần quyền mua cổ phần còn lại cho chủ sở hữu vốn.

3. Tiêu chuẩn của Người đại diện

Người đại diện phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật doanh nghiệp và quy định của Chính phủ về việc áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

4. Chế độ báo cáo của Người đại diện

Trên cơ sở báo cáo tài chính và các báo cáo khác của doanh nghiệp được cử làm Người đại diện, định kỳ hàng quý và kết thúc năm tài chính hoặc đột xuất theo yêu cầu của chủ sở hữu, Người đại diện phải tổng hợp, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, kiến nghị các biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác báo cáo chủ sở hữu vốn.

Điều 10. Thu lợi nhuận, cổ tức được chia

1. Lợi nhuận, cổ tức được chia từ phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

2. Người đại diện có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp khác nộp lợi nhuận, cổ tức được chia về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Điều 11. Quyết định tăng, giảm vốn và thu hồi toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác

1. Việc tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác thực hiện như sau:

a) Thẩm quyền quyết định phương án tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

b) Phương thức tăng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp.

c) Trường hợp doanh nghiệp khác tăng vốn mà Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có nhu cầu đầu tư bổ sung vốn thì Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua, quyền góp vốn theo quy định của pháp luật.

2. Việc giảm vốn hoặc thu hồi toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác được thực hiện thông qua hình thức chuyển nhượng theo quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định này.

MỤC 3. CHUYỂN NHƯỢNG VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ TẠI DOANH NGHIỆP

Điều 12. Mục đích chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

1. Nhà nước thực hiện chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Nhà nước thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp nhằm mục đích:

a) Cơ cấu lại doanh nghiệp theo lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước không tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ.

b) Thu hồi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần duy trì vốn góp.

c) Thu hút tham gia đầu tư vốn của các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Điều 13. Nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

1. Việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải đảm bảo công khai minh bạch, có hiệu quả, hạn chế tối đa tổn thất (nếu có), tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

3. Việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có liên quan đến đất đai phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 14. Phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

1. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi cổ phần hóa thực hiện theo quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên để trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng vốn phải phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất giao theo quy định của pháp luật.

3. Đối với việc bán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo quy định về bán doanh nghiệp.

4. Đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần:

a) Các công ty cổ phần đã niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thực hiện giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.

b) Các công ty cổ phần chưa niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán nhưng đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thực hiện tương tự như việc bán cổ phần của các công ty đã niêm yết quy định tại Điểm a Khoản này.

c) Các công ty cổ phần không thuộc Điểm a, Điểm b Khoản này thực hiện bán cổ phần theo hình thức đấu giá công khai. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản thì thực hiện bán cổ phần theo thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư.

Điều 15. Thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức cổ phần hóa; bán doanh nghiệp hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; quyết định chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại các tập đoàn kinh tế sau cổ phần hóa.

2. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do mình quyết định đầu tư thành lập theo phương thức cổ phần hóa; bán doanh nghiệp hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên theo phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quyết định việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp tại các doanh nghiệp khác do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu vốn sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 16. Thu tiền chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Tiền thu từ việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo các phương thức quy định tại Điều 14 Nghị định này sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc chuyển nhượng vốn, hoàn thành các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định, giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư theo quy định của pháp luật, phần còn lại được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

MỤC 4. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ SẮP XẾP VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

Điều 17. Quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Giao Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đảm bảo tập trung, thống nhất, có hiệu quả các nguồn thu của Quỹ.

1. Nguồn thu của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp:

a) Thu phần chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn so với vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được chủ sở hữu phê duyệt quy định tại Khoản 4 Điều 38 Nghị định này.

b) Tiền thu từ việc cổ phần hóa và các hình thức chuyển đổi sở hữu khác đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

c) Thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu vốn sau khi đã trừ chi phí liên quan đến chuyển nhượng.

d) Thu từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 38 Nghị định này.

đ) Thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại các doanh nghiệp khác do các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu vốn.

e) Điều hòa Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ.

g) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp:

a) Chi bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhưng thiếu vốn hoặc doanh nghiệp thành lập mới.

b) Mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

c) Đầu tư vốn tại các doanh nghiệp cổ phần thuộc diện Nhà nước duy trì vốn góp.

d) Đầu tư các dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Chi hỗ trợ lao động dôi dư.

e) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định 71/2013/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

  • Số hiệu: 71/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/07/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/07/2013
  • Số công báo: Từ số 433 đến số 434
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH