Hệ thống pháp luật

Điều 8 Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh Hải quan

Điều 8. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất phát từ Việt Nam quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác

1. Hồ sơ hải quan:

a) Tờ khai quá cảnh hải quan theo các chỉ tiêu thông tin do Bộ Tài chính ban hành;

b) Giấy phép quá cảnh hàng hóa hoặc chứng từ tương đương trong trường hợp pháp luật của các nước thành viên ASEAN trong hành trình quá cảnh quy định phải có giấy phép quá cảnh hàng hóa hoặc chứng từ tương đương: 01 bản chụp;

c)Thư bảo lãnh hoặc chứng từ đặt cọc tiền thuế: 01 bản chính.

Đối với bảo lãnh nhiều hành trình, người khai hải quan nộp bản chính khi đăng ký tờ khai quá cảnh hải quan lần đầu có sử dụng bảo lãnh đó;

d) Tờ khai xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu: 01 bản chụp.

2. Trách nhiệm của người khai hải quan:

Ngoài nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này, người khai hải quan thực hiện các trách nhiệm sau:

a) Khai đầy đủ thông tin tờ khai hải quan quá cảnh và gửi kèm các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này khi đăng ký tờ khai quá cảnh hải quan thông qua Hệ thống ACTS. Trường hợp Hệ thống ACTS chưa có chức năng đính kèm chứng từ thuộc hồ sơ hải quan thì người khai hải quan nộp bản giấy cho cơ quan hải quan;

b) Xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan thực hiện niêm phong hoặc lập biên bản chứng nhận đối với trường hợp hàng hóa không thể niêm phong được;

c) Xuất trình hồ sơ, hàng hóa để kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan;

d) Khai bổ sung tờ khai quá cảnh hải quan theo quy định tại Điều 10 Nghị định này;

đ) Trường hợp xảy ra bất thường trong hành trình quá cảnh theo quy định tại khoản 15 Điều 3 Nghị định này, người khai hải quan áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế ngăn ngừa thiệt hại xảy ra và thông báo cho cơ quan hải quan theo số điện thoại đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử hải quan.

Trường hợp không thể thông báo ngay với cơ quan hải quan thì tùy theo địa bàn thích hợp, người khai hải quan thông báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an hoặc bộ đội biên phòng nơi bất thường xảy ra để thực hiện xác nhận bất thường theo tình hình thực tế, ký tên, đóng dấu trên TAD và thông báo cho cơ quan hải quan để xử lý theo quy định.

3. Trách nhiệm của Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu (Chi cục hải quan điểm đi) trong trường hợp thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS thực hiện tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu:

a) Trường hợp lô hàng không phải kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, Chi cục hải quan điểm đi thực hiện quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản này;

b) Trường hợp lô hàng phải kiểm tra hồ sơ hải quan, Chi cục hải quan điểm đi kiểm tra, đối chiếu các thông tin của tờ khai quá cảnh hải quan đã được Hệ thống ACTS chấp nhận khai báo, cấp số tham chiếu tờ khai quá cảnh hải quan (sau đây gọi tắt là ARN) với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan.

Trường hợp kết quả kiểm tra đầy đủ, phù hợp thì cơ quan hải quan thực hiện quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản này.

Trường hợp kiểm tra kết quả chưa đầy đủ, phù hợp thì Chi cục hải quan điểm đi hướng dẫn người khai hải quan khai bổ sung các thông tin còn thiếu, chưa đầy đủ thông qua Hệ thống ACTS theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Trường hợp kiểm tra có dấu hiệu nghi vấn, yêu cầu người khai hải quan xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế theo quy định tại điểm c khoản này;

c) Trường hợp lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa, Chi cục hải quan điểm đi kiểm tra, đối chiếu thông tin của tờ khai quá cảnh đã được Hệ thống ACTS chấp nhận khai báo, cấp số ARN và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan với thực tế hàng hóa, nếu kết quả kiểm tra thực tế phù hợp với nội dung khai báo, hồ sơ hải quan thì Chi cục hải quan điểm đi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản này.

Trường hợp kết quả kiểm tra thực tế không phù hợp với nội dung khai báo, hồ sơ hải quan, giao Chi cục trưởng Chi cục hải quan điểm đi xem xét, quyết định việc tiếp tục thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS hoặc dừng làm thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

Đối với doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa có thể được thực hiện tại địa điểm lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Địa điểm lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp là địa điểm đã được doanh nghiệp đăng ký tại văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 Nghị định này;

d) Thực hiện niêm phong container, cập nhật số niêm phong hải quan hoặc ghi nhận thông tin trên biên bản chứng nhận đối với trường hợp hàng hóa không thể niêm phong được thông qua Hệ thống ACTS.

Trường hợp doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên, người khai hải quan thực hiện cập nhật số niêm phong đặc biệt thông qua Hệ thống ACTS trước khi hàng hóa được phê duyệt vận chuyển quá cảnh;

đ) Phê duyệt hàng hóa được vận chuyển quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS;

e) Giao người khai hải quan 01 bản TAD in từ Hệ thống ACTS để sử dụng làm chứng từ đi kèm hàng hóa quá cảnh;

g) Theo dõi, phối hợp với các cơ quan liên quan (cơ quan bảo lãnh, hải quan cửa khẩu xuất, hải quan nước quá cảnh và hải quan nước đến) để xử lý những bất thường xảy ra trong quá trình quá cảnh hàng hóa theo quy định.

4. Trách nhiệm của Chi cục hải quan cửa khẩu xuất (Chi cục hải quan quá cảnh) trong trường hợp thủ tục quá cảnh hàng hóa được thực hiện tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu:

a) Kiểm tra, đối chiếu thông tin trên TAD do người khai hải quan xuất trình với thông tin tờ khai quá cảnh hải quan trên Hệ thống ACTS;

b) Kiểm tra nguyên trạng hàng hóa; kiểm tra niêm phong hải quan hoặc niêm phong đặc biệt đối với trường hợp hàng hóa quá cảnh của doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

Trường hợp kết quả kiểm tra không phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì Chi cục hải quan quá cảnh phê duyệt hàng hóa được tiếp tục hành trình quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

Trường hợp kết quả kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm về niêm phong, hàng hóa không còn nguyên trạng thì Chi cục hải quan quá cảnh thực hiện lập biên bản xác nhận tình trạng hàng hóa và thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, ghi nhận kết quả kiểm tra thông qua Hệ thống ACTS.

Chi cục trưởng Chi cục hải quan quá cảnh căn cứ mức độ vi phạm để xem xét, quyết định việc cho phép tiếp tục hành trình quá cảnh hoặc dừng làm thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

Trường hợp cho phép tiếp tục hành trình quá cảnh thì thực hiện niêm phong hoặc lập biên bản chứng nhận đối với trường hợp hàng hóa không thể niêm phong được; cập nhật số niêm phong mới hoặc ghi nhận thông tin trên biên bản chứng nhận thông qua Hệ thống ACTS đồng thời các thông tin này ghi nhận trên TAD.

Trường hợp dừng làm thủ tục hải quan, thông báo cho Chi cục hải quan điểm đi để thực hiện hủy tờ khai theo quy định tại Điều 11 Nghị định này và hướng dẫn người khai hải quan thực hiện tiếp các thủ tục xuất khẩu theo quy định;

c) Xác nhận hàng hóa đã qua biên giới thông qua Hệ thống ACTS;

5. Trách nhiệm của Chi cục hải quan cửa khẩu (Chi cục hải quan điểm đi) trong trường hợp thủ tục quá cảnh hàng hóa được thực hiện tại Chi cục hải quan cửa khẩu: thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh Hải quan

  • Số hiệu: 46/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/04/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 445 đến số 446
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH