Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh Hải quan

Chương V

CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP QUÁ CẢNH

Điều 32. Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên

Doanh nghiệp quá cảnh được áp dụng chế độ ưu tiên khi thực hiện quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS nếu đáp ứng đủ các điêu kiện sau:

1. Điều kiện về trụ sở của doanh nghiệp:

Doanh nghiệp quá cảnh là doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở tại Việt Nam hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp quá cảnh nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép thành lập và có trụ sở tại Việt Nam.

2. Điều kiện về mức độ sử dụng thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS:

Doanh nghiệp thực hiện thủ tục quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS phải đảm bảo lượng tờ khai quá cảnh hải quan thông qua Hệ thống ACTS tối thiểu bằng 60% tổng số tờ khai quá cảnh qua các nước ASEAN mà doanh nghiệp thực hiện trong 01 năm tính đến thời điểm doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

3. Điều kiện về chấp hành tốt pháp luật kiểm toán:

Báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập. Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính nêu trong báo cáo kiểm toán phải là ý kiến chấp nhận toàn phần theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

4. Điều kiện về lưu giữ hồ sơ hải quan, sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác liên quan đến hàng hóa quá cảnh:

Hồ sơ hải quan, sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác liên quan đến hàng hóa quá cảnh phải được doanh nghiệp lưu giữ theo quy định của pháp luật về hải quan.

5. Điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế:

a) Tính đến thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên, doanh nghiệp không nợ quá hạn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

b) Trong thời hạn 05 năm liên tục tính đến thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi:

Trốn thuế, gian lận thuế, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục hải quan và chức danh tương đương.

6. Điều kiện về sử dụng niêm phong đặc biệt: Niêm phong đặc biệt đã được cơ quan hải quan chấp nhận.

Điều 33. Chế độ ưu tiên

1. Miễn bảo lãnh theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

2. Miễn xuất trình TAD, xuất trình hàng hóa tại cơ quan hải quan, trừ trường hợp Hệ thống ATCS có sự cố.

3. Miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa tại cơ quan hải quan điểm đi, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Được sử dụng niêm phong đặc biệt đã được cơ quan hải quan chấp nhận.

5. Thời hạn doanh nghiệp quá cảnh được hưởng chế độ ưu tiên là 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

Điều 34. Thủ tục công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp

Doanh nghiệp đối chiếu với các điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định này, gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Tổng cục Hải quan để đề nghị công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên, hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 01 bản chính;

b) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trường hợp doanh nghiệp Việt Nam), giấy phép thành lập (đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài): 01 bản chụp;

c) Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 02 năm tài chính liên tục, gần nhất: 01 bản chụp;

d) Báo cáo kiểm toán trong 02 năm tài chính liên tục, gần nhất: 01 bản chụp.

2. Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan:

a) Kiểm tra hồ sơ công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên để đảm bảo tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ do doanh nghiệp nộp; đối chiếu thông tin, kiểm tra niêm phong đặc biệt (đối với trường hợp doanh nghiệp sử dụng niêm phong đặc biệt) do doanh nghiệp cung cấp, thông tin thu thập được với điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện để được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, Tổng cục Hải quan có văn bản trả lời doanh nghiệp, nêu rõ lý do không đáp ứng.

Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo về kế hoạch kiểm tra thực tế cho doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan thực hiện kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp sau 10 ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản thông báo cho doanh nghiệp;

b) Kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp: Kiểm tra hồ sơ, chứng từ, tài liệu liên quan đến hoạt động quá cảnh mà doanh nghiệp đã thực hiện trong thời hạn 05 năm gần nhất để đánh giá việc đáp ứng của doanh nghiệp đối với các điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Thời gian kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp tối đa 03 ngày làm việc tính từ thời điểm doanh nghiệp cung cấp đủ hồ sơ, chứng từ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan hải quan. Kết thúc kiểm tra thực tế, phải có Biên bản báo cáo kết quả kiểm tra hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế có xác nhận của cơ quan hải quan và của doanh nghiệp, lưu vào hồ sơ công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

Căn cứ Biên bản báo cáo kết quả kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, dữ liệu của ngành hải quan, các thông tin thu thập và kết quả xác minh thông tin bổ sung (nếu có), trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ tiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành. Thời hạn ban hành quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra tại doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản trả lời doanh nghiệp, nêu rõ lý do không đáp ứng.

Điều 35. Thủ tục đình chỉ, thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên

1. Doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên bị đình chỉ quyết định công nhận doanh nghiệp được ưu tiên một trong các trường hợp sau:

a) Không còn đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định này và hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp hoặc cơ quan hải quan thông báo doanh nghiệp không còn đáp ứng điều kiện được ưu tiên theo quy định tại Điều 32 Nghị định này, doanh nghiệp không có biện pháp khắc phục hoặc không khắc phục được.

b) Doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt từ thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục hải quan và chức danh tương đương trở xuống.

2. Doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên bị thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên một trong các trường hợp:

a) Doanh nghiệp bị đình chỉ quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành quyết định đình chỉ, doanh nghiệp không có biện pháp khắc phục hoặc không khắc phục được.

b) Doanh nghiệp không thực hiện xong quyết định xử lý vi phạm của cơ quan hải quan trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cơ quan hải quan ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

c) Doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về một trong các hành vi:

Trốn thuế, gian lận thuế và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục hải quan và chức danh tương đương.

d) Doanh nghiệp đề nghị từ bỏ chế độ ưu tiên.

3. Trách nhiệm của doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên:

a) Thông báo cho Tổng cục Hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành về các điều kiện mà doanh nghiệp không còn đáp ứng theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

b) Thông báo theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành và gửi các chứng từ chứng minh đã khắc phục các điều kiện không đáp ứng chế độ ưu tiên, trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều này cho Tổng cục Hải quan.

c) Gửi đơn theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành cho Tổng cục Hải quan trong trường hợp đề nghị từ bỏ chế độ ưu tiên.

d) Thông báo và gửi chứng từ chứng minh đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều này cho Tổng cục Hải quan trong thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan đối với việc đình chỉ, thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên:

a) Thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp các điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định này mà doanh nghiệp không đáp ứng hoặc căn cứ thông báo của doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định đình chỉ quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

b) Sau khi thu thập đủ chứng từ, tài liệu có cơ sở xác định doanh nghiệp vi phạm pháp luật hải quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định đình chỉ quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

c) Tiếp nhận, kiểm tra văn bản thông báo và chứng từ chứng minh quy định tại điểm b khoản 3 Điều này và đối chiếu với quy định tại Điều 32 Nghị định này, thực hiện kiểm tra điều kiện mà doanh nghiệp đã khắc phục theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định này.

Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định thu hồi quyết định đình chỉ doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện quy định, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

d) Căn cứ văn bản thông báo và chứng từ quy định tại điểm d khoản 3 Điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định thu hồi quyết định đình chỉ doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

5. Trách nhiệm Tổng cục Hải quan đối với việc thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên:

a) Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị từ bỏ chế độ ưu tiên của doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này, nhưng doanh nghiệp không khắc phục được các điều kiện ưu tiên hoặc không thực hiện xong quyết định xử phạt của cơ quan hải quan; hoặc sau khi thu thập đủ chứng từ, tài liệu có cơ sở xác định doanh nghiệp vi phạm pháp luật hải quan quy định tại điểm c khoản 2 Điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

6. Bộ Tài chính ban hành mẫu Quyết định đình chỉ, thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên, Quyết định thu hồi quyết định đình chỉ doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên. Các quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định.

Điều 36. Trách nhiệm quản lý của cơ quan hải quan

1. Đánh giá báo cáo của doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định này để xem xét việc doanh nghiệp có đáp ứng điều kiện doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

2. Thông báo cho các bên ký kết Hiệp định trên Hệ thống ACTS về các quyết định công nhận, đình chỉ, thu hồi quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

Điều 37. Trách nhiệm của doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên

1. Tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế.

2. Thực hiện chế độ báo cáo hằng năm theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành gửi Tổng cục Hải quan chậm nhất ngày 20 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan hải quan. Báo cáo gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Tổng cục Hải quan.

3. Thực hiện việc tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục sai sót, báo cáo cơ quan hải quan; duy trì các điều kiện doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp phát sinh những vấn đề ảnh hưởng đến điều kiện ưu tiên phải kịp thời báo cáo cho cơ quan hải quan nơi ban hành quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên để được xem xét và quyết định.

Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh Hải quan

  • Số hiệu: 46/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/04/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 445 đến số 446
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH