Hệ thống pháp luật

Điều 21 Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Điều 21. Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

1. Điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

a) Dự án, kế hoạch liên kết phải xác định được kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch năm và thời điểm kết thúc dự án.

b) Đơn vị chủ trì liên kết và các đối tượng liên kết phải có hợp đồng hoặc biên bản hợp tác về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

c) Đảm bảo tỷ lệ tham gia của người dân thuộc đối tượng đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định này và quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

2. Mẫu hồ sơ đề nghị dự án, kế hoạch liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mẫu hồ sơ đề nghị dự án, kế hoạch liên kết trong các ngành, nghề, lĩnh vực khác và đầu mối tiếp nhận Hồ sơ thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình.

3. Lựa chọn dự án, kế hoạch liên kết

a) Đơn vị chủ trì liên kết lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án, kế hoạch đề nghị hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Nội dung hồ sơ đề xuất phải xác định rõ: Năng lực của đơn vị chủ trì liên kết; phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ; dự toán chi tiết theo năm kế hoạch; các chỉ số đầu ra chính gắn với các mốc thời gian thực hiện dự án; bản sao công chứng hợp đồng, hoặc biên bản ký kết giữa đơn vị chủ trì liên kết và đối tượng liên kết; nội dung khác (nếu có) theo quy định của cơ quan chủ quản chương trình.

b) Cơ quan chủ quản chương trình theo thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định dự án, kế hoạch liên kết và cơ quan, đơn vị, bộ phận giúp việc cho Hội đồng.

Thành phần Hội đồng bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan trung ương, lãnh đạo sở, ban, ngành theo ủy quyền; các thành viên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có dự án, kế hoạch liên kết, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, ngành, lĩnh vực chuyên môn và chuyên gia độc lập hoặc các thành phần khác (nếu cần thiết).

Nội dung thẩm định phải làm rõ việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và sự cần thiết thực hiện dự án, kế hoạch liên kết.

c) Căn cứ ý kiến thẩm định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương quyết định hoặc ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan trung ương quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Thủ trưởng sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết.

d) Nội dung quyết định dự án, kế hoạch liên kết phải bao gồm: Tên dự án, kế hoạch; thời gian triển khai; địa bàn thực hiện; tổng chi phí, cơ cấu từng nguồn vốn (ngân sách nhà nước, vốn của chủ trì liên kết, vốn tham gia của bên liên kết, vốn tín dụng ưu đãi, vốn lồng ghép thực hiện các chính sách); nội dung, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; dự kiến kết quả thực hiện theo năm ngân sách và đến thời điểm kết thúc dự án, kế hoạch liên kết; đối tượng tham gia; chế tài xử lý và cơ chế thu hồi vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong trường hợp đơn vị chủ trì liên kết vi phạm cam kết và các nội dung khác có liên quan (nếu có).

4. Nội dung hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình phù hợp với từng chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó ưu tiên thực hiện các nội dung hỗ trợ đối tượng liên kết:

a) Đào tạo kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.

b) Chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

c) Vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi.

d) Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

5. Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

a) Hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 70% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khó khăn; không quá 50% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia. Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một (01) dự án theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình.

b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, kế hoạch liên kết thông qua đơn vị chủ trì liên kết.

6. Cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất ký hợp đồng với đơn vị chủ trì liên kết triển khai thực hiện dự án, kế hoạch liên kết; giám sát, thanh toán, giải ngân vốn dựa trên kết quả nghiệm thu từng giai đoạn hoàn thành nội dung, hoạt động của dự án, kế hoạch liên kết theo tiến độ thực hiện được cấp có thẩm quyền quyết định.

Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

  • Số hiệu: 27/2022/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/04/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phạm Bình Minh
  • Ngày công báo: 30/04/2022
  • Số công báo: Từ số 325 đến số 326
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH