Hệ thống pháp luật

Chương 7 Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Chương VII

GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Điều 30. Giám sát chương trình mục tiêu quốc gia

1. Trách nhiệm, trình tự, cách thức thực hiện giám sát chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 71 Luật Đầu tư công và quy định của Chính phủ về giám sát, đánh giá đầu tư.

2. Nội dung giám sát của chủ chương trình

a) Theo dõi, kiểm tra việc quản lý thực hiện chương trình: Xây dựng hệ thống văn bản quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm và kế hoạch hằng năm; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai chương trình; truyền thông, tăng cường năng lực quản lý chương trình, dự án thành phần.

b) Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình: Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình.

c) Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, dự toán ngân sách nhà nước: Huy động, sử dụng vốn thực hiện chương trình, dự án thành phần; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, nội dung, hoạt động thuộc chương trình, dự án thành phần (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (nếu có)).

d) Theo dõi, kiểm tra năng lực tổ chức thực hiện, việc chấp hành quy định về quản lý chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có) của chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản chương trình.

đ) Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành chế độ giám sát, đánh giá chương trình của chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản chương trình.

e) Báo cáo kết quả thực hiện chương trình, kết quả xử lý các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền.

3. Nội dung giám sát của chủ dự án thành phần

a) Theo dõi, kiểm tra các nội dung về: Xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện dự án thành phần theo phân cấp: công tác truyền thông, tăng cường năng lực quản lý, thực hiện nội dung, hoạt động dự án thành phần.

b) Theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, hoạt động dự án thành phần.

c) Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư, quản lý ngân sách nhà nước, năng lực quản lý dự án thành phần, việc xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có) của cơ quan chủ quản chương trình.

d) Theo dõi các nội dung về: Tổng hợp tình hình thực hiện dự án thành phần; lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư; thực hiện kế hoạch vốn ngân sách nhà nước, kết quả giải ngân; khó khăn, vướng mắc phát sinh và kết quả xử lý.

đ) Báo cáo tình hình thực hiện dự án thành phần; kết quả xử lý vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Nội dung giám sát của cơ quan chủ quản chương trình và người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 71 Luật Đầu tư công và quy định của Chính phủ về giám sát, đánh giá đầu tư.

5. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công

a) Theo dõi tình hình thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá của chủ chương trình, chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản chương trình theo quy định.

b) Tổng hợp tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: tiến độ thực hiện mục tiêu của từng chương trình; thực hiện kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia (vốn đầu tư, kinh phí sự nghiệp), giải ngân; khó khăn, vướng mắc phát sinh, kết quả xử lý các vướng mắc.

c) Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định trong quản lý, tổ chức thực hiện, lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư thuộc chương trình của các cơ quan chủ chương trình, chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện chương trình ở các cấp.

d) Theo dõi, kiểm tra việc xử lý và chấp hành biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của cơ quan, đơn vị liên quan.

đ) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.

6. Chi phí thực hiện hoạt động giám sát chương trình mục tiêu quốc gia của chủ chương trình, chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công được bố trí trong dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm.

Điều 31. Nội dung đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia

1. Trách nhiệm, trình tự, cách thức thực hiện đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 72 Luật Đầu tư công và quy định của Chính phủ về giám sát, đánh giá đầu tư.

2. Nội dung đánh giá hằng năm chương trình mục tiêu quốc gia

a) Đánh giá công tác quản lý chương trình trong năm thực hiện gồm: Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; công tác điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

b) Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

c) Mức độ đạt được kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ so với kế hoạch hằng năm, giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền giao.

d) Tồn tại, vướng mắc phát sinh và nguyên nhân.

đ) Phương hướng, giải pháp thực hiện năm tiếp theo.

3. Nội dung đánh giá giữa kỳ chương trình mục tiêu quốc gia

a) Đánh giá công tác quản lý chương trình, gồm: Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; công tác điều hành, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

b) Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

c) Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ gồm: Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình so với mục tiêu chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch giai đoạn 5 năm.

d) Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

đ) Đề xuất các giải pháp thực hiện chương trình từ thời điểm đánh giá đến năm cuối giai đoạn 5 năm, bao gồm đề xuất điều chỉnh chương trình (nếu có).

4. Nội dung đánh giá kết thúc và đánh giá tác động chương trình mục tiêu quốc gia

a) Đánh giá công tác quản lý chương trình, gồm: Kết quả xây dựng hệ thống chính sách quản lý, tổ chức thực hiện; công tác điều hành, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

b) Đánh giá kết quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

c) Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của chương trình so với mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Đánh giá tác động và hiệu quả đầu tư của chương trình đối với phát triển kinh tế - xã hội; tính bền vững của chương trình; bình đẳng giới; môi trường, sinh thái (nếu có).

đ) Bài học rút ra sau quá trình thực hiện chương trình và đề xuất khuyến nghị cần thiết để duy trì kết quả đã đạt được của chương trình; các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường (nếu có).

5. Nội dung đánh giá đột xuất về chương trình mục tiêu quốc gia

a) Nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Xác định những phát sinh ngoài dự kiến (nếu có), nguyên nhân phát sinh ngoài dự kiến và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; ảnh hưởng của những phát sinh đến việc thực hiện chương trình, khả năng hoàn thành mục tiêu của chương trình.

6. Chi phí thực hiện hoạt động đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia của chủ chương trình, chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công được bố trí trong dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm.

Điều 32. Thiết lập chỉ số, biểu mẫu và hệ thống giám sát và đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia

1. Thiết lập chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia

a) Chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm: Các chỉ tiêu đầu vào, đầu ra, chỉ số đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện, đánh giá tác động; các biểu mẫu thu thập thông tin.

b) Chủ chương trình xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia chậm nhất sau 60 ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư chương trình.

c) Chủ dự án thành phần xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá dự án thành phần và phối hợp với chủ chương trình thống nhất các chỉ số chung cho chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia (được gọi tắt là Hệ thống)

a) Hệ thống được thiết lập tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công và các Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia để cập nhật, tích hợp, lưu trữ thông tin giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia trên phạm vi cả nước.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chuẩn dữ liệu liên thông với hệ thống quản lý của chủ chương trình; tổng hợp số liệu và thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên Hệ thống; quản lý vận hành Hệ thống.

c) Chủ chương trình xây dựng Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia theo nhiệm vụ được giao, liên thông dữ liệu vào cơ sở dữ liệu Hệ thống.

d) Chủ dự án thành phần chịu trách nhiệm cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia của chủ chương trình.

đ) Cơ quan chủ quản chỉ đạo cơ quan chuyên môn nhập dữ liệu chỉ số, biểu mẫu về giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Báo cáo về giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về đánh giá thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giữa kỳ, đột xuất và kết thúc giai đoạn 5 năm theo thời hạn yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

b) Chủ chương trình thực hiện các báo cáo: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm trước tháng 10 năm thực hiện; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giữa kỳ, đột xuất, kết thúc giai đoạn 5 năm theo thời hạn yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

c) Chủ dự án thành phần phối hợp với chủ chương trình thực hiện các báo cáo: Báo cáo tình hình thực hiện dự án thành phần hằng năm; báo cáo đánh giá thực hiện dự án thành phần giữa kỳ, đột xuất, kết thúc giai đoạn 5 năm.

d) Cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện các báo cáo: Báo cáo tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm; báo cáo đánh giá thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giữa kỳ, giai đoạn, đột xuất hoặc kết thúc giai đoạn 5 năm theo thời hạn yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

đ) Các cơ quan, đơn vị các cấp trực tiếp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện báo cáo về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình.

e) Báo cáo giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện trên Hệ thống. Trường hợp số liệu bản giấy và trên Hệ thống khác nhau thì thông tin trên Hệ thống là cơ sở để tổng hợp, báo cáo.

4. Sử dụng dữ liệu trên Hệ thống thông tin phải phù hợp với các yêu cầu về quản lý, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, các yêu cầu về quản lý, số hóa việc cung cấp, phân tích, tổng hợp báo cáo và chia sẻ thông tin tuân thủ các quy định của pháp luật về chia sẻ dữ liệu số, an toàn, an ninh thông tin mạng.

5. Chi phí cho công tác xây dựng, nâng cấp, quản lý vận hành và triển khai, cập nhật báo cáo Hệ thống và các Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia được bố trí từ kinh phí giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm, không vượt quá 10% tổng mức chi phí quản lý chương trình, dự án theo quy định.

Điều 33. Giám sát của cộng đồng đối với chương trình mục tiêu quốc gia

1. Các chương trình mục tiêu quốc gia chịu sự giám sát của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện giám sát cộng đồng đối với chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Nội dung giám sát cộng đồng đối với chương trình mục tiêu quốc gia

a) Việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư, quản lý ngân sách nhà nước.

b) Các dự án đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

c) Việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, tiến độ thực hiện các nội dung, hoạt động và nhiệm vụ từng chương trình mục tiêu quốc gia.

d) Việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công, quản lý ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 14 Luật đầu tư côngĐiều 15 Luật ngân sách nhà nước.

đ) Phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của chương trình.

e) Tổ chức lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng dân cư về quá trình triển khai, tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia.

3. Trình tự, thủ tục, quy trình và chế độ giám sát của cộng đồng thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và quy định của Chính phủ về giám sát, đánh giá đầu tư.

4. Chi phí hỗ trợ thực hiện giám sát của cộng đồng đối với chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định của Chính phủ về chi phí giám sát, đánh giá đầu tư.

Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

  • Số hiệu: 27/2022/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/04/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phạm Bình Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 325 đến số 326
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH