Chương 4 Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
CƠ CHẾ ĐẶC THÙ TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG QUY MÔ NHỎ, KỸ THUẬT KHÔNG PHỨC TẠP
Điều 13. Nguyên tắc tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù
1. Các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp được tổ chức thực hiện theo cơ chế đặc thù phải có sự tham gia của người dân trong quá trình lập hồ sơ, tổ chức thi công xây dựng, bảo trì công trình. Tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo từng giai đoạn.
2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần vốn, phần còn lại do người dân đóng góp và từ nguồn vốn hợp pháp khác tại địa phương để thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Đối với dự án thực hiện trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% tổng mức đầu tư. Mức hỗ trợ thực hiện một dự án cụ thể từ ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định.
3. Đóng góp của người dân có thể bằng tiền hoặc bằng hiện vật, ngày công lao động được quy đổi thành tiền; phải được tính trong giá trị công trình để theo dõi, quản lý tỷ lệ đóng góp đã được thống nhất; không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.
4. Ưu tiên sử dụng lao động, vật liệu tại chỗ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù. Đơn giá lập hồ sơ xây dựng công trình được xác định trên cơ sở giá thị trường.
5. Thanh toán vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải trên cơ sở kết quả nghiệm thu khối lượng công trình hoàn thành được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
Điều 14. Tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù
1. Thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Dự án nằm trên địa bàn 01 đơn vị hành chính cấp xã, do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
3. Tổng mức đầu tư dự án không vượt quá 05 tỷ đồng.
4. Kỹ thuật không phức tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện.
5. Thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Điều 15. Lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản
1. Các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù được phép lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng đơn giản (gọi tắt là Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản).
2. Nội dung Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản
a) Tên dự án, mục tiêu đầu tư, địa điểm xây dựng, diện tích đất sử dụng, chủ đầu tư, quy mô, thời gian thực hiện.
b) Tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư bao gồm: Kinh phí Nhà nước hỗ trợ (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp), đóng góp của người dân và vốn huy động hợp pháp khác.
c) Bản vẽ thi công theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có, đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện; bảng kê các chi phí đầu tư xây dựng.
d) Dự kiến năng lực tự thực hiện của người dân, cộng đồng hưởng lợi; kế hoạch lựa chọn nhà thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng dân cư.
3. Lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản
a) Căn cứ kế hoạch triển khai hỗ trợ đầu tư của địa phương, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, Ban quản lý xã thông báo đến cộng đồng dân cư tại thôn về dự án, công trình để tham gia vào quá trình lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản.
b) Ban quản lý xã lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm định và phê duyệt.
c) Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho thôn thực hiện công trình, Ban phát triển thôn lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm định và phê duyệt.
4. Trường hợp gặp khó khăn trong lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan chuyên môn trực thuộc cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản.
Điều 16. Thẩm định Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản và phê duyệt đầu tư dự án
1. Hồ sơ trình thẩm định gồm: Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này; biên bản cuộc họp của cộng đồng dân cư; các văn bản pháp lý, tài liệu liên quan đến xây dựng công trình (nếu có).
2. Tổ chức thẩm định Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản
a) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thẩm định Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản. Thành phần tổ thẩm định bao gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Tổ trưởng, đại diện Ban giám sát của cộng đồng xã, công chức cấp xã phụ trách lĩnh vực địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, tài chính - kế toán, chuyên gia hoặc những người có trình độ chuyên môn do cộng đồng bình chọn (nếu có).
b) Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không đủ năng lực thẩm định Hồ sơ xây dựng công trình, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức thẩm định.
3. Nội dung thẩm định
a) Đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của địa phương và các quy hoạch có liên quan.
b) Đánh giá sự phù hợp của bản vẽ thi công với điều kiện thực tế mặt bằng thi công công trình; mức độ an toàn và giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng lân cận, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; tính khả thi về kỹ thuật, khả năng tự thực hiện của cộng đồng dân cư, tổ chức được giao thi công.
c) Tính hợp lý của các chi phí so với giá thị trường tại địa phương, với các dự án tương tự khác đã và đang thực hiện (nếu có).
d) Khả năng huy động vốn theo cơ cấu từng nguồn vốn, gồm: Vốn nguồn ngân sách nhà nước so với kế hoạch trung hạn giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đóng góp của tổ chức, cá nhân và vốn huy động hợp pháp khác.
đ) Tiến độ thi công dự kiến.
4. Thời gian thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định: Cơ quan thẩm định Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản báo cáo kết quả thẩm định bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
5. Phê duyệt đầu tư dự án
a) Căn cứ ý kiến thẩm định, Ban quản lý xã hoặc Ban phát triển thôn hoàn thiện Hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định phê duyệt đầu tư dự án.
b) Đối với các dự án khởi công mới được bố trí vốn hằng năm, thời gian phê duyệt đầu tư dự án phải đảm bảo trước thời điểm giao kế hoạch vốn chi tiết cho dự án.
Điều 17. Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu xây dựng dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp
1. Hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu xây dựng dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu là: Tham gia thực hiện của cộng đồng.
2. Nguyên tắc lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu có sự tham gia của cộng đồng
a) Cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ là người dân cư trú trên địa bàn xã có dự án, có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật về tổ chức thực hiện gói thầu xây dựng có quy mô nhỏ và không phức tạp.
b) Trường hợp không có hoặc không lựa chọn được cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ trên địa bàn xã đủ điều kiện thực hiện gói thầu, Ủy ban nhân dân cấp xã được mở rộng lựa chọn trên địa bàn huyện.
c) Trường hợp không có hoặc không lụa chọn được cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ thực hiện gói thầu trên địa bàn cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã được lựa chọn hợp tác xã thực hiện gói thầu.
3. Tư cách hợp lệ của hợp tác xã, cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tại địa phương thực hiện gói thầu
a) Người đại diện của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật, không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tín nhiệm lựa chọn để thay mặt cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ ký kết hợp đồng.
b) Hợp tác xã tham gia thực hiện gói thầu phải có trụ sở chính đặt tại địa bàn xã hoặc huyện có dự án, trong đó ưu tiên lựa chọn hợp tác xã có trụ sở chính đặt tại địa bàn xã nơi có dự án; phải có Hồ sơ chứng minh năng lực, kinh nghiệm thực hiện công trình đầu tư tương tự; có cam kết sử dụng nhân công trực tiếp thực hiện các hoạt động xây dựng công trình là người dân tại địa bàn xã có dự án.
4. Quy trình lựa chọn nhà thầu
a) Ban quản lý xã dự thảo hợp đồng trong đó bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, chất lượng, tiến độ công việc cần đạt được, giá hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên.
b) Ban quản lý xã niêm yết thông báo công khai (tối thiểu 3 ngày làm việc) về việc mời tham gia thực hiện gói thầu tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện truyền thông cấp xã, các nơi sinh hoạt cộng đồng. Thông báo cần ghi rõ thời gian họp bàn về phương án thực hiện gói thầu.
c) Nhà thầu quan tâm đến dự án đầu tư nhận dự thảo hợp đồng để nghiên cứu và chuẩn bị đơn đăng ký thực hiện gói thầu hoặc dự án gồm: Họ và tên, độ tuổi, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với tính chất gói thầu của các thành viên tham gia thực hiện gói thầu; giá nhận thầu và tiến độ thực hiện.
d) Ban quản lý xã xem xét, đánh giá lựa chọn nhà thầu tốt nhất và mời đại diện vào đàm phán, ký kết hợp đồng; trong đó, ưu tiên hợp tác xã, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ sử dụng nhân công là người dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số.
đ) Thời gian tối đa từ khi thông báo công khai về việc mời tham gia thực hiện gói thầu đến khi ký kết hợp đồng là 15 ngày.
5. Trường hợp cộng đồng dân cư hưởng lợi trực tiếp có đủ năng lực quản lý, tổ chức thi công đối với dự án có kỹ thuật không phức tạp và tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng, Ủy ban nhân dân cấp xã được lựa chọn cơ chế giao cho cộng đồng dân cư tự thực hiện dự án theo định mức hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
1. Tổ chức thi công công trình
a) Căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư dự án, kết quả lựa chọn đơn vị thi công và kế hoạch giao vốn, Ban quản lý xã tiến hành ký kết hợp đồng với đại diện của cộng đồng dân cư, tổ chức, tổ nhóm thợ trúng thầu để tổ chức thực hiện.
b) Trường hợp áp dụng cơ chế quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định này, căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư dự án, Ban quản lý xã ký hợp đồng với Ban phát triển thôn để tổ chức thực hiện.
2. Quản lý chất lượng, giám sát thi công công trình
a) Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng, an toàn lao động, môi trường xây dựng, chi phí quản lý đầu tư xây dựng công trình đầu tư thực hiện theo cơ chế đặc thù.
b) Ban quản lý xã, Ban giám sát của cộng đồng xã có trách nhiệm giám sát trong quá trình thi công công trình.
c) Quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công công trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
3. Tổ chức nghiệm thu và thanh toán, quyết toán công trình
a) Ban quản lý xã tổ chức nghiệm thu công trình, thành phần gồm: đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý xã; Ban giám sát của cộng đồng xã; đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ thi công hoặc hợp tác xã; các thành phần có liên quan khác do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.
b) Quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán dự án, công trình áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
4. Chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng.
Điều 19. Quản lý vận hành và bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù
1. Căn cứ quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nội dung sau:
a) Giao Ban quản lý xã hoặc Ban phát triển thôn trực tiếp quản lý vận hành công trình xây dựng; Ban quản lý xã xây dựng kế hoạch bảo trì.
b) Quyết định kế hoạch bảo trì và lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ, hợp tác xã thực hiện bảo trì công trình xây dựng.
2. Nội dung bảo trì công trình
a) Kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình.
b) Thay thế hạng mục, thiết bị công trình nhưng không làm thay đổi công năng, quy mô công trình.
3. Quy trình, nội dung, định mức chi phí thực hiện công tác bảo trì công trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Số hiệu: 27/2022/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 19/04/2022
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Phạm Bình Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 325 đến số 326
- Ngày hiệu lực: 19/04/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 5. Lập và giao kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia
- Điều 6. Lập, phê duyệt và giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của cơ quan chủ quản chương trình
- Điều 7. Lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm
- Điều 8. Phương pháp lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng
- Điều 9. Huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 10. Lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 11. Huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 12. Huy động và sử dụng nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 13. Nguyên tắc tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù
- Điều 14. Tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù
- Điều 15. Lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản
- Điều 16. Thẩm định Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản và phê duyệt đầu tư dự án
- Điều 17. Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu xây dựng dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp
- Điều 18. Tổ chức, quản lý thi công, nghiệm thu công trình và thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng
- Điều 19. Quản lý vận hành và bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù
- Điều 20. Nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 21. Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị
- Điều 22. Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng
- Điều 23. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ
- Điều 24. Hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù
- Điều 25. Tổ chức quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia tại Trung ương
- Điều 26. Tổ chức quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương
- Điều 27. Nâng cao năng lực tổ chức quản lý, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 28. Truyền thông, tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 29. Công khai thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 30. Giám sát chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 31. Nội dung đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 32. Thiết lập chỉ số, biểu mẫu và hệ thống giám sát và đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 33. Giám sát của cộng đồng đối với chương trình mục tiêu quốc gia
- Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
- Điều 36. Trách nhiệm của chủ chương trình
- Điều 37. Trách nhiệm của chủ dự án thành phần
- Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng
- Điều 39. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương là cơ quan chủ quản chương trình
- Điều 40. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Điều 41. Hiệu lực thi hành
- Điều 42. Trách nhiệm thi hành