Hệ thống pháp luật

Chương 8 Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Trình ban hành các quy định chung về quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia và hướng dẫn tổ chức thực hiện theo thẩm quyền; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Đề xuất cân đối vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm.

3. Tổng hợp phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương; tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm.

4. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc xây dựng Bộ chỉ số, biểu mẫu và quy chế phối hợp, trách nhiệm thu thập, lưu trữ, thực hiện chế độ báo cáo trong giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.

5. Thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

6. Thực hiện giám sát chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

7. Thực hiện các báo cáo giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án theo quyết định của cấp có thẩm quyền và quy định tại Nghị định này.

2. Đề xuất cân đối kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm, hằng năm; tổng hợp phương án phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm, hằng năm.

3. Tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia của cơ quan chủ quản chương trình, cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc cơ quan chủ quản chương trình; theo dõi, tổng hợp và báo cáo Chính phủ kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền.

Điều 36. Trách nhiệm của chủ chương trình

1. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo từng hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia; tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Ban hành theo thẩm quyền hoặc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

3. Xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 32 chậm nhất sau 60 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình.

4. Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 32 Nghị định này; thiết lập liên thông dữ liệu với Hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

5. Thực hiện giám sát chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

6. Thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Điều 37. Trách nhiệm của chủ dự án thành phần

1. Lập kế hoạch thực hiện dự án thành phần giai đoạn 5 năm và hằng năm gửi chủ chương trình theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định này.

2. Ban hành theo thẩm quyền hoặc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện dự án thành phần.

3. Phối hợp với chủ chương trình xác định chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá dự án thành phần theo quy định tại Điều 32 Nghị định này; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc cập nhật các chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá dự án thành phần theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

4. Thực hiện giám sát dự án thành phần theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

5. Thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công, nội dung, định mức chi phí thực hiện công tác bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù quy định tại Điều 19 Nghị định này.

Điều 39. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương là cơ quan chủ quản chương trình

1. Xây dựng kế hoạch hoạt động, đề xuất nhu cầu kinh phí giai đoạn 5 năm và hằng năm gửi chủ chương trình, chủ dự án thành phần theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định này.

2. Ban hành theo thẩm quyền hoặc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nội dung, trình tự thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định này.

3. Thực hiện giám sát chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

4. Thực hiện các báo cáo giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Điều 40. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định:

a) Mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

b) Cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

c) Cơ chế huy động các nguồn lực khác quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định này.

d) Nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định này.

2. Quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo quy định tại Nghị định này.

3. Lập, phê duyệt và giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm theo quy định tại Điều 6 Nghị định này; lập và giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

4. Ban hành các quy định trong tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù quy định tại Chương IV Nghị định này:

a) Xây dựng, lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực và ban hành danh mục các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù quy định tại Điều 14 Nghị định này; quyết định hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và áp dụng các thiết kế sẵn có đối với các dự án quy định tại Điều 14 Nghị định này.

b) Quyết định chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án.

c) Quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ (bằng hiện vật hoặc bằng tiền).

d) Quy định việc quản lý, vận hành công trình; quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình.

5. Quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Nghị định này.

6. Chỉ đạo thực hiện, tổ chức giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

7. Thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Điều 41. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Bãi bỏ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 2 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

3. Quy định tại Chương IV, Chương V Nghị định này có hiệu lực áp dụng trong quản lý, tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia theo thời gian thực hiện chương trình được Quốc hội phê duyệt.

4. Không áp dụng cơ chế đặc thù quy định tại Chương IV Nghị định này trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực cấp điện, đầu tư lưới điện phân phối.

5. Đối với các nội dung khác liên quan đến quản lý nhà nước về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý dự án đầu tư xây dựng và các nội dung không được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 42. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

  • Số hiệu: 27/2022/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/04/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phạm Bình Minh
  • Ngày công báo: 30/04/2022
  • Số công báo: Từ số 325 đến số 326
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH