Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về:

1. Lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm.

2. Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

3. Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

4. Cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

5. Tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia.

6. Giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (được gọi là dự án thành phần) là tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động và giải pháp cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Chủ dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (được gọi là chủ dự án thành phần) là bộ, cơ quan trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì quản lý một hoặc một số dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia tại Quyết định đầu tư chương trình.

3. Cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia (được gọi là cơ quan chủ quản chương trình) là các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

4. Đơn vị chủ trì liên kết là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đề xuất dự án, kế hoạch liên kết để hợp tác với các cá nhân, tổ nhóm cộng đồng, tổ hợp tác để thực hiện hoạt động phát triển sản xuất trên địa bàn thuộc phạm vi đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia.

5. Đối tượng liên kết là cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, các tổ nhóm cộng đồng, tổ hợp tác.

6. Vốn đối ứng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là ngân sách địa phương, được bố trí, cân đối trong kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm và trong dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công hằng năm để trực tiếp thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

7. Lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là việc sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án để đầu tư thực hiện công trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu, nội dung và được thực hiện trên cùng một địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn vốn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

8. Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp là việc áp dụng quy trình đơn giản, thủ tục rút gọn trong lập, thẩm định, quyết định dự án, lựa chọn nhà thầu thi công công trình và quản lý thi công, bảo trì công trình đối với dự án đầu tư xây dựng có sự tham gia thực hiện của cộng đồng.

9. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia là việc sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần vốn cho các đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ; hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù.

10. Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là phương thức hỗ trợ thông qua dự án, kế hoạch liên kết do đơn vị chủ trì liên kết hợp tác với các đối tượng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ theo chuỗi giá trị.

11. Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng là phương thức hỗ trợ cộng đồng dân cư thực hiện dự án, phương án phát triển sản xuất do chính cộng đồng dân cư đề xuất, tổ chức thực hiện.

12. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ là phương thức hỗ trợ thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu lựa chọn cơ quan, đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện hoạt động hỗ trợ người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

13. Hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù là phương thức hỗ trợ thông qua các dự án, mô hình mẫu hoặc các dự án, mô hình gắn phát triển sản xuất với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới do bộ, cơ quan trung ương quản lý, tổ chức thực hiện.

14. Giám sát chương trình mục tiêu quốc gia là hoạt động theo dõi, kiểm tra kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả kế hoạch đầu tư công nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia), việc tổ chức quản lý và tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

15. Đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia là hoạt động xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định đầu tư hoặc tiêu chuẩn đánh giá quy định của Nhà nước tại một thời điểm nhất định. Đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm: đánh giá hằng năm, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động, đánh giá đột xuất tình hình thực hiện chương trình.

Điều 4. Nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

1. Phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện đúng trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương ở các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các tổ chức có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình.

3. Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia.

4. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

5. Đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

  • Số hiệu: 27/2022/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/04/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phạm Bình Minh
  • Ngày công báo: 30/04/2022
  • Số công báo: Từ số 325 đến số 326
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH