Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 128/2013/NĐ-CP xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tàu thuyền là phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước, bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ.

2. Tài sản chìm đắm là tàu thuyền, hàng hóa hoặc các vật thể khác chìm đắm hoặc trôi nổi trên các tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển, vùng biển Việt Nam hoặc dạt vào bờ biển Việt Nam.

3. Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm là tài sản chìm đắm làm cản trở hoặc gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, hoạt động giao thông đường thủy nội địa; ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc đe dọa đến tính mạng con người; gây ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng tới tài nguyên.

4. Xử lý tài sản chìm đắm là hoạt động tiếp nhận thông tin, thông báo, xác định vị trí tài sản chìm đắm, xác định chủ sở hữu tài sản, thăm dò, trục vớt, chuyển giao, tiếp nhận, bảo quản, bán, tiêu hủy tài sản chìm đắm.

5. Trục vớt tài sản chìm đắm bao gồm việc làm nổi, di dời, phá dỡ, phá hủy hoặc thanh thải tài sản chìm đắm.

6. Chủ tài sản chìm đắm là chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc chủ tàu nếu tài sản chìm đắm là tàu thuyền.

7. Chủ tàu là chủ sở hữu tàu.

8. Cảng vụ là đơn vị quản lý tại khu vực có tài sản chìm đắm sau đây: Cảng vụ hàng hải hoặc cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật đường thủy nội địa.

9. Tuyến đường thủy nội địa là luồng và hành lang luồng đường thủy nội địa được xác định cụ thể điểm đầu và điểm cuối và vùng nước trước cầu, bến cảng thủy nội địa.

Điều 4. Phân loại và xác định tài sản chìm đắm gây nguy hiểm

Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm được phân thành hai cấp độ và được xác định theo một trong các tiêu chí dưới đây:

1. Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp 1:

a) Gây mất an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải hoặc hoạt động đường thủy nội địa tại khu vực nhưng chưa gây tắc luồng và chưa phải áp dụng biện pháp cấm luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa;

b) Có nguy cơ gây bệnh dịch cho con người và môi trường sống hoặc đe dọa đến tính mạng con người;

c) Có nguy cơ xảy ra tràn dầu hoặc hóa chất độc hại gây nguy hiểm;

d) Tài sản chìm đắm có chứa đựng đến 100 tấn dầu mỏ hoặc các sản phẩm dầu mỏ hoặc đến 50 tấn hóa chất độc hại gây nguy hiểm.

2. Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp 2:

a) Gây mất an toàn dẫn đến phải cấm luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa hoặc gây tắc luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa;

b) Xảy ra tràn dầu hoặc hóa chất độc hại gây nguy hiểm;

c) Có nguy cơ cao gây bệnh dịch cho con người và môi trường sống hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người;

d) Tài sản chìm đắm có chứa đựng trên 100 tấn dầu mỏ hoặc các sản phẩm dầu mỏ hoặc trên 50 tấn hóa chất độc hại gây nguy hiểm.

3. Cảng vụ có trách nhiệm căn cứ các tiêu chí quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này để quyết định cấp nguy hiểm của tài sản chìm đắm và báo cáo ngay cấp trên trực tiếp là Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải bằng văn bản.

Điều 5. Nghĩa vụ tổ chức thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm

1. Chủ tài sản chìm đắm có nghĩa vụ tổ chức thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm theo phương án được phê duyệt; đồng thời phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc trục vớt, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.

2. Trường hợp chủ tài sản chìm đắm không thực hiện việc lập phương án thăm dò, trục vớt và tổ chức trục vớt hoặc trục vớt không đúng thời hạn yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Nghị định này quyết định việc trục vớt tài sản chìm đắm. Trong trường hợp này, chủ tài sản chìm đắm vẫn phải chịu mọi chi phí liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm và bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực có liên quan.

3. Trường hợp tài sản chìm đắm là tàu thuyền, hàng hóa hoặc các vật thể khác từ tàu thuyền thì chủ tàu có nghĩa vụ lập phương án thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm và tổ chức thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm theo đúng phương án được duyệt; đồng thời phải chịu mọi chi phí liên quan. Người quản lý tàu, người khai thác tàu chịu trách nhiệm liên đới trong việc trục vớt tài sản chìm đắm và thanh toán các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản.

4. Đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm, chủ tài sản chìm đắm phải lập phương án thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm và tổ chức trục vớt tài sản đúng thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Nghị định này. Trường hợp chủ tài sản không thực hiện đúng thời hạn thì Cảng vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm và báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

5. Chủ tài sản chìm đắm ngoài việc thực hiện các quy định tại Khoản 4 Điều này, đồng thời phải áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại xảy ra và phải bồi thường mọi thiệt hại theo quy định có liên quan của pháp luật. Trường hợp tài sản chìm đắm gây ô nhiễm môi trường, chủ tài sản chìm đắm phải áp dụng ngay mọi biện pháp nhằm hạn chế, xử lý ô nhiễm môi trường và phải bồi thường thiệt hại ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 6. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm khi không xác định được chủ sở hữu hoặc vô chủ

Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm khi không xác định được chủ sở hữu hoặc vô chủ thực hiện theo quy định tại các Điều 187, 239 và Điều 240 của Bộ luật dân sự năm 2005.

Điều 7. Mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm

1. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm bị mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm trong các trường hợp sau:

a) Chủ sở hữu tài sản chìm đắm có tuyên bố bằng văn bản việc từ bỏ tài sản mà không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản đó cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;

b) Chủ sở hữu tài sản chìm đắm không thông báo hoặc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý tài sản chìm đắm hoặc không tổ chức thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm trong thời hạn quy định trừ trường hợp có lý do bất khả kháng theo quy định tại Điều 161 Bộ luật dân sự năm 2005. Trường hợp có lý do bất khả kháng, chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án thăm dò, trục vớt theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này có trách nhiệm công bố thời điểm mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm và quyết định việc xử lý tài sản chìm đắm quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Việc công bố mất quyền sở hữu và thời điểm mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm phải được thực hiện bằng văn bản và gửi tới địa chỉ của chủ sở hữu tài sản chìm đắm (nếu có) và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Nghị định này.

4. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm gây nguy hiểm bị mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm quy định tại Khoản 1 Điều này vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại, chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản chìm đắm và bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

5. Quy định về mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tàu quân sự và tàu công vụ.

Nghị định 128/2013/NĐ-CP xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam

  • Số hiệu: 128/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/10/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 707 đến số 708
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH