Hệ thống pháp luật

Điều 87 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024

Điều 87. Thủ tục thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản vi phạm nghĩa vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập hồ sơ đề nghị xem xét, thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng cư trú.

2. Hồ sơ đề nghị thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng bao gồm:

a) Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Báo cáo của người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng;

c) Biên bản về việc vi phạm nghĩa vụ;

d) Bản sao hồ sơ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng;

đ) Tài liệu khác có liên quan.

3. Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xem xét, giải quyết như sau:

a) Trường hợp hồ sơ đề nghị đã đầy đủ thì ra quyết định mở phiên họp;

b) Trường hợp hồ sơ đề nghị chưa rõ ràng, đầy đủ thì yêu cầu người đề nghị bổ sung tài liệu. Người đề nghị bổ sung tài liệu trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không bổ sung được tài liệu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu bổ sung hoặc kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này mà người đề nghị không bổ sung được tài liệu, Thẩm phán ra quyết định mở phiên họp xem xét, thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

4. Quyết định mở phiên họp phải có các nội dung chính sau đây: ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; họ và tên, chức vụ, tên cơ quan của người đề nghị; họ và tên Thẩm phán, Thư ký phiên họp; ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp trực tiếp hoặc trực tuyến; họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, nơi cư trú của người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng; tên cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; biện pháp xử lý chuyển hướng đã được áp dụng.

Quyết định này phải gửi cho những người quy định tại điểm c khoản 5 Điều này, người đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi ra quyết định.

5. Thành phần phiên họp gồm:

a) Người tiến hành phiên họp: Thẩm phán, Thư ký phiên họp;

b) Người tham gia phiên họp: người đề nghị hoặc người được ủy quyền, Kiểm sát viên tham gia phiên họp;

c) Người khác tham gia phiên họp: người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng; người đại diện của họ; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ (nếu có); người trực tiếp giám sát thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng;

d) Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu người phiên dịch, người dịch thuật, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại diện cơ quan, tổ chức, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng học tập, làm việc, cư trú và những người khác tham gia phiên họp.

6. Phiên họp xem xét, thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được tổ chức trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.

7. Thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:

a) Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp phải kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án yêu cầu tham dự phiên họp; nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do và báo cáo Thẩm phán để xem xét tiếp tục tiến hành phiên họp hoặc hoãn phiên họp;

b) Thẩm phán khai mạc phiên họp;

c) Người đề nghị hoặc người được ủy quyền trình bày đề nghị thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

d) Những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ những vấn đề có liên quan;

đ) Thẩm phán hỏi người đề nghị hoặc người được ủy quyền và những người khác tham gia phiên họp để làm rõ những vấn đề có liên quan;

e) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến;

g) Thẩm phán quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và công bố nội dung quyết định tại phiên họp.

8. Mọi diễn biến tại phiên họp được ghi vào biên bản và lưu hồ sơ. Biên bản phiên họp phải có chữ ký của Thẩm phán và Thư ký phiên họp.

9. Tòa án xem xét hoãn phiên họp khi người đề nghị hoặc người được ủy quyền vắng mặt. Thời hạn hoãn phiên họp là không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hoãn. Quyết định hoãn phiên họp phải được thông báo ngay cho những người có mặt tại phiên họp; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên họp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

10. Quyết định về việc thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên của Thẩm phán ra quyết định;

d) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người chưa thành niên;

đ) Lý do, căn cứ ra quyết định;

e) Quyết định thay đổi hoặc không thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Trường hợp quyết định thay đổi thì phải có nội dung đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng đã được áp dụng;

g) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

h) Hiệu lực của quyết định;

i) Nơi nhận quyết định.

11. Quyết định về việc thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố.

12. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày công bố, Tòa án phải giao quyết định cho người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng, người đại diện của họ và gửi cho người đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng; gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng cư trú đối với trường hợp ra quyết định thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

13. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thì người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng tiếp tục thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng đã được áp dụng.

Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024

  • Số hiệu: 59/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 30/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1537 đến số 1538
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2026
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH