Hệ thống pháp luật

Điều 156 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024

Điều 156. Lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra

1. Việc lấy lời khai người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, truy tố, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi làm việc, nơi sinh hoạt của người đó hoặc cơ sở chăm sóc người chưa thành niên. Ưu tiên địa điểm lấy lời khai tại nơi cư trú của họ. Trường hợp lấy lời khai của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng tại nơi tiến hành điều tra, truy tố thì phải sắp xếp, bố trí phòng lấy lời khai bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của họ.

Trường hợp cần thiết, việc lấy lời khai của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng có thể được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

2. Khi tiến hành lấy lời khai người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, đặc điểm riêng về hoàn cảnh gia đình, tình trạng tâm lý, sức khỏe và những đặc điểm khác của người chưa thành niên.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải hạn chế tối đa số lần lấy lời khai của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng và chỉ lấy lời khai khi thực sự cần thiết để phục vụ hoạt động tố tụng.

4. Không hỏi người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng nhiều lần về cùng một nội dung. Việc lấy lời khai không quá 02 lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ việc, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp. Việc lấy lời khai phải tạm dừng ngay khi người chưa thành niên có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

5. Khi tiến hành lấy lời khai, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể sử dụng sơ đồ, mô hình, thiết bị điện tử hoặc công cụ khác để hỗ trợ việc lấy lời khai người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.

6. Không tiến hành đối chất giữa người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng với người bị buộc tội, trừ trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

Khi tiến hành đối chất, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bố trí cho người tham gia đối chất ngồi ở phòng cách ly và sử dụng thiết bị điện tử, màn che hoặc các biện pháp bảo vệ khác để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của người chưa thành niên.

Việc đối chất đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng chỉ được tiến hành 01 lần trong một ngày và không quá 02 giờ. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tạm dừng ngay việc đối chất khi bị hại, người làm chứng có biểu hiện mệt mỏi, căng thẳng.

7. Người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng có quyền từ chối tham gia vào hoạt động thực nghiệm điều tra, nếu hoạt động đó có thể làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ.

8. Việc lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra phải có mặt của người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

9. Khi lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên mặc trang phục phù hợp, không mặc trang phục Công an nhân dân, Kiểm sát nhân dân.

Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024

  • Số hiệu: 59/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 30/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1537 đến số 1538
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2026
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH