Hệ thống pháp luật

Điều 66 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024

Điều 66. Phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

1. Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp phải kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án yêu cầu tham dự phiên họp; nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do và báo cáo Thẩm phán để xem xét tiếp tục tiến hành phiên họp hoặc hoãn phiên họp.

2. Thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:

a) Thẩm phán khai mạc phiên họp;

b) Đại diện cơ quan đề nghị trình bày nội dung đề nghị;

c) Người chưa thành niên là bị can, người đại diện, người bào chữa của họ trình bày ý kiến;

d) Người làm công tác xã hội tham gia phiên họp trình bày báo cáo điều tra xã hội;

đ) Những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan;

e) Thẩm phán hỏi đại diện cơ quan đề nghị, người chưa thành niên là bị can, người đại diện của họ và những người khác tham gia phiên họp để làm rõ các vấn đề có liên quan;

g) Người chưa thành niên là bị can, người đại diện, người bào chữa của họ tranh luận các vấn đề có liên quan với đại diện cơ quan đề nghị. Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của Thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Thẩm phán không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan và ý kiến lặp lại;

h) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến;

i) Thẩm phán quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và công bố nội dung quyết định ngay tại phiên họp.

3. Phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải được tổ chức thân thiện theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật này.

4. Tòa án xem xét hoãn phiên họp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đại diện cơ quan đề nghị vắng mặt;

b) Người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế ngay được;

c) Người chưa thành niên là bị can, người đại diện của họ vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng.

5. Thời hạn hoãn phiên họp là không quá 05 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn. Quyết định hoãn phiên họp phải được thông báo ngay cho những người có mặt tại phiên họp; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên họp trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.

6. Thẩm phán quyết định tạm giam người chưa thành niên cho đến khi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bàn giao họ vào trường giáo dưỡng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người chưa thành niên đang bị tạm giam nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

b) Người chưa thành niên không bị tạm giam nhưng có căn cứ cho thấy họ có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024

  • Số hiệu: 59/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 30/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1537 đến số 1538
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2026
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH