Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 5 Luật Thủy sản 2017

Mục 1. QUẢN LÝ TÀU CÁ, TÀU CÔNG VỤ THỦY SẢN

Điều 62. Quản lý đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công khai hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, số lượng Giấy phép khai thác thủy sản trên biển được cấp mới của địa phương; cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển căn cứ vào hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản; xây dựng, công khai tiêu chí đặc thù của địa phương và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển; quy định về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trong nội địa thuộc phạm vi quản lý.

2. Tổ chức, cá nhân đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên hoạt động trên biển phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

Điều 63. Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá

Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán;

2. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;

3. Có nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh;

4. Có hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu.

Điều 64. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.

2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá được cấp lại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất, hư hỏng;

b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.

3. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;

b) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 63 của Luật này;

c) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện cơ sở, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.

Điều 65. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá

1. Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có quyền sau đây:

a) Đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định;

b) Thu chi phí đóng mới, cải hoán tàu cá theo thỏa thuận;

c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có nghĩa vụ sau đây:

a) Chỉ được đóng mới, cải hoán tàu cá thuộc diện phải có Giấy phép khai thác thủy sản khi tổ chức, cá nhân đề nghị đóng mới, cải hoán tàu cá có văn bản chấp thuận do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp;

b) Chịu sự giám sát kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm;

c) Đóng mới, cải hoán tàu cá theo đúng thiết kế được tổ chức đăng kiểm thẩm định, phê duyệt;

d) Chịu trách nhiệm về chất lượng tàu cá đóng mới, cải hoán;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về đóng mới, cải hoán tàu cá theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 66. Xuất khẩu tàu cá, nhập khẩu tàu cá, thuê tàu trần

1. Việc xuất khẩu tàu cá thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

2. Tổ chức, cá nhân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nhập khẩu tàu cá để khai thác thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản đã được xác định;

b) Tàu cá có nguồn gốc hợp pháp;

c) Tàu cá vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới;

d) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên;

đ) Đối với nhập khẩu tàu cá, tuổi vỏ tàu không quá 05 năm, tuổi máy chính của tàu không quá 07 năm, tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu;

e) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực từ 06 tháng trở lên do tổ chức đăng kiểm của nước có tàu cấp.

3. Tổ chức, cá nhân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép thuê tàu trần khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này; tuổi vỏ tàu không quá 08 năm, tuổi máy chính của tàu không quá 10 năm, tính từ năm sản xuất đến thời điểm thuê; thời hạn thuê không quá 05 năm.

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu tàu cá, thuê tàu trần; quy định việc tặng cho, viện trợ tàu cá.

Điều 67. Bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá

1. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải được đăng kiểm, phân cấp và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.

2. Tàu cá quy định tại khoản 1 Điều này đóng mới, cải hoán phải được tổ chức đăng kiểm giám sát an toàn kỹ thuật, chất lượng phù hợp với hồ sơ thiết kế được thẩm định và cấp giấy tờ theo quy định.

3. Tàu cá không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này phải lắp đặt trang thiết bị bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá khi hoạt động.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 68. Điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá

1. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu;

c) Có đội ngũ đăng kiểm viên đáp ứng yêu cầu;

d) Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 69. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá; định kỳ 24 tháng thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở.

2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá được cấp lại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất, hư hỏng;

b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.

3. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;

b) Cơ sở thực hiện đăng kiểm tàu cá trái quy định của pháp luật;

c) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;

d) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng tàu cá; trình tự, thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá; quy định tiêu chuẩn, công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá; cấp, thu hồi thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá.

Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở đăng kiểm tàu cá, đăng kiểm viên tàu cá

1. Cơ sở đăng kiểm tàu cá có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện đăng kiểm tàu cá theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu chủ tàu cá hoặc cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá cung cấp hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tạo điều kiện cần thiết tại hiện trường để đăng kiểm viên giám sát, kiểm tra kỹ thuật, bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

c) Nhận chi phí đăng kiểm theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện giám sát kỹ thuật đối với tàu cá đóng mới, cải hoán theo quy định;

đ) Người đứng đầu cơ sở đăng kiểm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đăng kiểm, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;

e) Chấp hành hướng dẫn và chịu sự thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về đăng kiểm tàu cá theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Đăng kiểm viên tàu cá có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Ký và sử dụng con dấu, ấn chỉ nghiệp vụ khi lập hồ sơ đăng kiểm cho tàu cá và trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá theo quy định;

b) Từ chối thực hiện yêu cầu kiểm tra kỹ thuật khi chưa đủ điều kiện đăng kiểm theo quy định;

c) Bảo lưu ý kiến khác với quyết định của người đứng đầu tổ chức đăng kiểm về kết luận đánh giá trạng thái kỹ thuật của tàu cá và trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá;

d) Thực hiện đăng kiểm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng tàu;

đ) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra an toàn kỹ thuật, phân cấp tàu cá.

Điều 71. Đăng ký tàu cá

1. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải được đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy định. Tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét do Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê phục vụ công tác quản lý.

2. Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được quy định như sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp không thời hạn đối với tàu cá đóng mới, cải hoán, nhập khẩu, mua bán, tặng cho, viện trợ;

b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp có thời hạn bằng thời hạn thuê đối với trường hợp thuê tàu trần.

3. Tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có giấy tờ chứng minh về sở hữu hợp pháp tàu cá;

b) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá quy định phải đăng kiểm;

c) Có giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký tàu cá đối với trường hợp thuê tàu trần; giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá đối với trường hợp nhập khẩu, mua bán, tặng cho hoặc chuyển tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

d) Chủ tàu cá có trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú tại Việt Nam.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp đăng ký tàu cá trên địa bàn.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục đăng ký, xóa đăng ký tàu cá.

Điều 72. Xóa đăng ký tàu cá

1. Tàu cá bị xóa đăng ký thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tàu cá bị hủy, phá dỡ hoặc chìm đắm không thể trục vớt;

b) Tàu cá bị mất tích sau 01 năm kể từ ngày thông báo chính thức trên phương tiện thông tin đại chúng;

c) Tàu cá được xuất khẩu, bán, tặng cho, viện trợ;

d) Theo đề nghị của chủ tàu cá.

2. Khi xóa đăng ký, cơ quan có thẩm quyền đăng ký thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, xóa tên tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá cho chủ tàu.

Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của chủ tàu cá

1. Được lựa chọn cơ sở đăng kiểm có đủ điều kiện để đăng kiểm tàu cá.

2. Tuân thủ quy định về đăng kiểm tàu cá.

3. Bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt, an toàn, chế độ lao động, quyền và lợi ích hợp pháp của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá.

4. Bố trí thuyền viên theo định biên an toàn tối thiểu của tàu cá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Mua bảo hiểm tai nạn và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định. Thanh toán chi phí sinh hoạt và đi đường cần thiết để thuyền viên, người làm việc trên tàu hồi hương trong trường hợp thuyền trưởng yêu cầu phải rời tàu cá.

6. Chịu trách nhiệm trong trường hợp tàu cá vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Điều 74. Thuyền viên, người làm việc trên tàu cá

1. Thuyền viên, người làm việc trên tàu cá khi làm việc trên tàu cá phải có các điều kiện sau đây:

a) Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép làm việc trên tàu cá;

b) Có Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định;

c) Đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, tuổi lao động;

d) Có văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh.

2. Thuyền viên, người làm việc trên tàu cá có quyền sau đây:

a) Được bảo đảm chế độ lao động, quyền và lợi ích hợp pháp khi làm việc trên tàu cá theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Từ chối làm việc trên tàu cá nếu tàu đó không đủ điều kiện bảo đảm an toàn;

c) Được bố trí đảm nhận chức danh phù hợp trên tàu cá.

3. Thuyền viên, người làm việc trên tàu cá có nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng; chủ động phòng ngừa tai nạn cho mình, cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và sự cố đối với tàu cá;

c) Phải báo ngay cho thuyền trưởng hoặc người trực ca khi phát hiện tình huống nguy hiểm trên tàu cá;

d) Tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức danh và nhiệm vụ theo chức danh; định biên thuyền viên tàu cá; tiêu chuẩn chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên; đăng ký thuyền viên và sổ danh bạ thuyền viên; tiêu chuẩn thuyền viên là người nước ngoài làm việc trên tàu cá Việt Nam.

Điều 75. Thuyền trưởng tàu cá

1. Thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất ở trên tàu cá, chỉ huy tàu theo chế độ thủ trưởng.

2. Thuyền trưởng có quyền quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật này và quyền sau đây:

a) Đại diện cho chủ tàu cá và những người có lợi ích liên quan đến tài sản hoặc sản phẩm thủy sản trong quá trình hoạt động hoặc khai thác thủy sản;

b) Không cho tàu cá hoạt động trong trường hợp xét thấy chưa đủ điều kiện an toàn cho người và tàu cá, an toàn thực phẩm, an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;

c) Từ chối tiếp nhận hoặc buộc phải rời khỏi tàu cá đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá không đủ trình độ chuyên môn theo chức danh hoặc có hành vi vi phạm pháp luật;

d) Yêu cầu cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp tàu cá gặp nguy hiểm;

đ) Quyết định sử dụng biện pháp cấp bách để đưa tàu cá đến nơi an toàn trong tình thế cấp thiết.

3. Thuyền trưởng có nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 74 của Luật này và nghĩa vụ sau đây:

a) Phổ biến, hướng dẫn, phân công, đôn đốc thuyền viên, người làm việc trên tàu cá thực hiện quy định an toàn hàng hải, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường;

b) Kiểm tra thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và trang thiết bị, giấy tờ của tàu cá, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá trước khi tàu cá rời bến;

c) Cập nhật thông tin về vị trí tàu cá, số thuyền viên, người làm việc trên tàu cá theo quy định của pháp luật; xuất trình giấy tờ với cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu;

d) Trường hợp thiên tai xảy ra phải đôn đốc thuyền viên, người làm việc trên tàu cá sẵn sàng ứng phó, điều động tàu tránh trú an toàn;

đ) Trường hợp tàu cá bị tai nạn phải có biện pháp ứng phó kịp thời và thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền;

e) Trên tàu cá có người bị nạn phải tìm mọi biện pháp cứu chữa; trường hợp có người chết phải giữ gìn tài sản, di chúc, đồng thời thông báo với đài thông tin duyên hải gần nhất, chủ tàu cá, gia đình người bị nạn hoặc cơ quan có thẩm quyền;

g) Chỉ cho tàu cá cập cảng có tên trong danh sách cảng cá chỉ định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đối với tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra;

h) Trường hợp bất khả kháng phải bỏ tàu cá, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời tàu;

i) Trường hợp phát hiện tàu cá khác bị tai nạn, phải đưa tàu cá đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền; chấp hành lệnh điều động tàu thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của cơ quan có thẩm quyền;

k) Ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; nộp báo cáo khai thác thủy sản; xác nhận sản lượng thủy sản khai thác;

l) Chịu trách nhiệm trong trường hợp tàu cá vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp.

4. Trường hợp phát hiện hành vi phạm tội quả tang, người đang bị truy nã trên tàu khi tàu cá đã rời cảng, thuyền trưởng có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Bắt hoặc ra lệnh bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã;

b) Áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết, lập hồ sơ theo quy định của pháp luật;

c) Bảo vệ chứng cứ; chuyển giao người bị bắt, hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khi cập cảng cá Việt Nam đầu tiên hoặc cho tàu công vụ của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên biển hoặc thông báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam nơi gần nhất và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan này nếu tàu hoạt động thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

Điều 76. Quản lý tàu công vụ thủy sản

1. Tàu công vụ thủy sản phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

2. Tổ chức được giao quản lý tàu công vụ thủy sản được lựa chọn cơ sở đăng kiểm phù hợp.

3. Thuyền viên và người làm việc trên tàu công vụ thủy sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về công chức, viên chức, hàng hải, lao động.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định đăng ký tàu công vụ thủy sản, chức danh, nhiệm vụ theo chức danh, định biên thuyền viên tàu công vụ thủy sản.

Luật Thủy sản 2017

  • Số hiệu: 18/2017/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 21/11/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: 28/12/2017
  • Số công báo: Từ số 1059 đến số 1060
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH