Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 4 Luật Thủy sản 2017

Mục 1. KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG NỘI ĐỊA VÀ TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM

Điều 48. Quản lý vùng khai thác thủy sản

1. Chính phủ quy định vùng biển khai thác thủy sản bao gồm vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi; hoạt động của tàu cá trên các vùng biển.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khai thác thủy sản tại vùng khơi.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng và khai thác thủy sản nội địa trên địa bàn.

Điều 49. Hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển

1. Căn cứ xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển bao gồm:

a) Kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản;

b) Xu hướng biến động nguồn lợi thủy sản;

c) Tổng sản lượng thủy sản tối đa cho phép khai thác bền vững;

d) Cơ cấu nghề, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác;

đ) Trường hợp khai thác loài thủy sản di cư xa hoặc loài thủy sản có tập tính theo đàn phải căn cứ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này và sản lượng cho phép khai thác theo loài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định loài được quy định tại điểm này.

2. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý.

4. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi thủy sản trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài.

Điều 50. Giấy phép khai thác thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải có Giấy phép khai thác thủy sản.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được cấp Giấy phép khai thác thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, đối với khai thác thủy sản trên biển;

b) Có nghề khai thác thủy sản không thuộc Danh mục nghề cấm khai thác;

c) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, đối với tàu cá phải đăng kiểm;

d) Tàu cá có trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên theo quy định của Chính phủ;

e) Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

g) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

h) Trường hợp cấp lại do giấy phép hết hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản này, đã nộp nhật ký khai thác theo quy định và tàu cá không thuộc danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.

3. Nội dung chủ yếu của Giấy phép khai thác thủy sản được quy định như sau:

a) Tên tổ chức, cá nhân được cấp phép;

b) Số đăng ký tàu cá; tên tàu, hô hiệu, mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (nếu có);

c) Nghề, vùng biển hoặc khu vực được phép khai thác;

d) Thời gian hoạt động khai thác của từng nghề;

đ) Sản lượng cho phép khai thác theo loài (nếu có);

e) Cảng cá đăng ký;

g) Thời hạn của giấy phép.

4. Giấy phép khai thác thủy sản được cấp lại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất, hư hỏng;

b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy phép; cảng cá đăng ký;

c) Giấy phép hết hạn.

5. Giấy phép khai thác thủy sản bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy phép;

b) Khai thác thủy sản trái phép ngoài vùng biển Việt Nam;

c) Tàu cá đã xóa đăng ký;

d) Không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

6. Thời hạn của giấy phép khai thác thủy sản được quy định như sau:

a) Thời hạn của giấy phép cấp lần đầu, cấp lại thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều này không quá thời hạn còn lại của hạn ngạch kể từ ngày cấp;

b) Thời hạn của giấy phép được cấp lại thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp.

7. Nội dung của Giấy phép khai thác thủy sản được điều chỉnh khi có biến động về nguồn lợi thủy sản theo quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo việc điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu.

Điều 51. Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

3. Chính phủ quy định nội dung, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản.

Điều 52. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản có quyền sau đây:

a) Khai thác thủy sản theo đúng nội dung ghi trong giấy phép;

b) Được thông tin về nguồn lợi thủy sản, hoạt động thủy sản, thị trường thủy sản và hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật khai thác thủy sản;

c) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong khai thác thủy sản.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện các quy định ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản, duy trì điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này;

b) Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn cho người, tàu cá và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai; phải cứu nạn khi gặp người, tàu bị nạn;

c) Phải treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên tàu cá khi hoạt động; đánh dấu tàu cá theo vùng biển, đánh dấu ngư cụ đang sử dụng tại ngư trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

d) Tuân thủ việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

đ) Tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự trên vùng khai thác; tố giác hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản;

e) Tuân thủ các quy định quản lý vùng, nghề, kích cỡ loài, ngư cụ khai thác thủy sản; chấp hành việc điều chỉnh nội dung ghi trong giấy phép khi có thông báo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về điều chỉnh sản lượng khai thác theo loài;

g) Trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản phải mang theo bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép khai thác thủy sản đối với trường hợp phải có giấy phép, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá phải đăng kiểm, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, sổ danh bạ thuyền viên, văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá;

h) Ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Luật Thủy sản 2017

  • Số hiệu: 18/2017/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 21/11/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1059 đến số 1060
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH