Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật Thủy sản 2017

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động thủy sản là hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.

2. Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí.

3. Tái tạo nguồn lợi thủy sản là quá trình tự phục hồi hoặc hoạt động phục hồi, gia tăng nguồn lợi thủy sản.

4. Đng quản lý là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

5. Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (sau đây gọi là tổ chức cộng đồng) là tổ chức do các thành viên tự nguyện tham gia, cùng nhau quản lý, chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực địa lý xác định, có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý.

6. Khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển.

7. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là loài thủy sản có phần lớn hay cả vòng đời sống trong môi trường nước, có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

8. Loài thủy sản bản địa là loài thủy sản có nguồn gốc và phân bố trong môi trường tự nhiên ở khu vực địa lý xác định.

9. Giống thủy sản là loài động vật thủy sản, rong, tảo dùng để sản xuất giống, làm giống cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm bố mẹ, trứng, tinh, phôi, ấu trùng, mảnh cơ thể, bào tử và con giống.

10. Giống thủy sản thuần chủng là giống thủy sản có tính ổn định về di truyền và năng suất, giống nhau về kiểu gen, kiểu hình.

11. Ương dưỡng giống thủy sản là việc nuôi ấu trùng thủy sản qua các giai đoạn phát triển, hoàn thiện thành con giống.

12. Khảo nghiệm giống thủy sản là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi giống thủy sản trong điều kiện và thời gian nhất định nhằm xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của giống đưa vào khảo nghiệm.

13. Kiểm định giống thủy sản là việc kiểm tra, đánh giá lại năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh, đặc tính của giống thủy sản.

14. Thức ăn thủy sản là sản phẩm cung cấp dinh dưỡng, thành phần có lợi cho sự phát triển của động vật thủy sản, bao gồm thức ăn hỗn hợp, chất bổ sung, thức ăn tươi sống và nguyên liệu.

15. Chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi là sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản) là sản phẩm để điều chỉnh tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường theo hướng có lợi cho nuôi trồng thủy sản.

16. Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là quá trình kiểm tra, đánh giá, xác định đặc tính, công dụng, tác động của thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đến môi trường nuôi, an toàn thực phẩm thủy sản nuôi.

17. Khu vực biển để nuôi trồng thủy sản là khu vực biển bao gồm khối nước, đáy biển; có ranh giới xác định tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở ra để nuôi trồng thủy sản.

18. Khai thác thủy sản là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

19. Hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản là hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển nguồn lợi thủy sản đánh bắt trong vùng nước tự nhiên.

20. Tàu cá là phương tiện thủy có lắp động cơ hoặc không lắp động cơ, bao gồm tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

21. Tàu công vụ thủy sản là phương tiện thủy chuyên dụng để thực hiện công vụ trong điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động thủy sản.

22. Thuyền viên là thuyền trưởng, máy trưởng, người có chức danh theo quy định được bố trí làm việc trên tàu cá và tàu công vụ thủy sản.

23. Người làm việc trên tàu là người được chủ tàu, thuyền trưởng bố trí làm việc trên tàu cá, tàu công vụ thủy sản nhưng không phải là thuyền viên của tàu.

24. Cảng cá là cảng chuyên dụng cho tàu cá, bao gồm vùng đất cảng cá và vùng nước cảng cá.

25. Vùng đất cng cá là khu vực được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và công trình phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của cảng cá.

26. Vùng nước cảng cá là vùng nước được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng vào cảng cá và công trình phụ trợ khác.

27. Truy xuất nguồn gốc thủy sản là theo dõi, nhận diện một đơn vị sản phẩm thủy sản qua từng công đoạn của quá trình khai thác, nuôi trồng, chế biến và thương mại.

28. Tạp chất là chất không phải thành phần tự nhiên của thủy sản.

29. Tổ chức quản lý nghề cá khu vực là tổ chức có trách nhiệm điều phối quản lý và thiết lập các biện pháp quản lý, bảo tồn đàn cá di cư và các loài tại vùng biển quốc tế.

Điều 4. Sở hữu nguồn lợi thủy sản

Nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động thủy sản

1. Kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.

3. Thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

4. Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.

5. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản

1. Nhà nước có chính sách đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái thủy sinh; lưu giữ giống gốc của loài thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;

b) Xây dựng cảng cá loại I, loại II, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hạng mục hạ tầng thiết yếu của khu bảo tồn biển; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung;

c) Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:

a) Phát triển khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong lĩnh vực tạo giống thủy sản; sản xuất sản phẩm thủy sản quốc gia, sản phẩm thủy sản chủ lực; sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; công nghệ chế biến phụ phẩm thành thực phẩm hoặc làm nguyên liệu cho ngành kinh tế khác;

b) Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề trong hoạt động thủy sản;

c) Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

d) Xây dựng trung tâm nghề cá lớn;

đ) Mua bảo hiểm nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo; bảo hiểm thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị cho tàu cá khai thác thủy sản trên biển từ vùng khơi trở ra;

e) Phát triển hoạt động thủy sản từ vùng khơi trở ra; khôi phục sản xuất khi có sự cố môi trường, thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản ven bờ;

g) Xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và hoạt động sau đây:

a) Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, hợp tác;

b) Đầu tư công nghệ tiên tiến trong chế biến thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; xây dựng chợ đầu mối thủy sản, quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản;

c) Đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển; nuôi trồng thủy sản hữu cơ;

d) Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản

1. Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

2. Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.

3. Lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển.

4. Khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển.

5. Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng.

6. Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (sau đây gọi là khai thác thủy sản bất hợp pháp); mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biến thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại.

7. Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.

8. Sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác; thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác hoặc nơi tàu cá khác đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.

9. Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng.

10. Đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại.

11. Sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng giống thủy sản nằm ngoài Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để nuôi trồng thủy sản.

12. Phá hủy, tháo dỡ gây hư hại, lấn chiếm phạm vi công trình của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; xả chất thải không đúng nơi quy định trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

13. Lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, khai thác thông tin, sử dụng thông tin dữ liệu về nguồn lợi thủy sản trái quy định của pháp luật.

Điều 8. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản

1. Ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực thủy sản.

2. Hỗ trợ, đầu tư nguồn lực trong lĩnh vực thủy sản.

3. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, thương mại, kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản.

4. Bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật trong vùng biển quốc tế, loài cá di cư theo quy định của tổ chức nghề cá khu vực và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

5. Phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 9. Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương; được chuẩn hóa để cập nhật, khai thác và quản lý bằng công nghệ thông tin.

2. Tổ chức, cá nhân cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

Điều 10. Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Thành viên là các hộ gia đình, cá nhân sinh sống và được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đó;

b) Đăng ký tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một khu vực địa lý xác định chưa được giao quyền quản lý cho tổ chức, cá nhân khác;

c) Có phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.

2. Thẩm quyền công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai huyện trở lên;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn quản lý;

c) Việc công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiệp thương quyết định.

3. Nội dung chủ yếu của quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng bao gồm:

a) Tên tổ chức và tên người đại diện của tổ chức cộng đồng;

b) Phạm vi quyền quản lý được giao;

c) Vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao;

d) Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.

4. Cơ quan nhà nước có quyền và trách nhiệm sau đây:

a) Quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

b) Hỗ trợ tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý;

c) Kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức cộng đồng;

d) Sửa đổi, bổ sung, thu hồi quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

đ) Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức cộng đồng có quyền sau đây:

a) Tổ chức, quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý;

b) Thực hiện tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm;

c) Ngăn chặn hành vi vi phạm trong khu vực được giao quyền quản lý theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng;

d) Được tham vấn đối với dự án, hoạt động có liên quan trực tiếp đến hệ sinh thái hoặc nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quản lý;

đ) Hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật;

e) Thành lập quỹ cộng đồng.

6. Tổ chức cộng đồng có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đúng các nội dung được ghi trong quyết định công nhận và giao quyền quản lý quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động thủy sản; việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tuần tra, kiểm tra, thanh tra, điều tra, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trong khu vực được giao;

d) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động của tổ chức cộng đồng theo quy định.

7. Quyết định công nhận và giao quyền quản lý bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của quyết định;

b) Tổ chức cộng đồng giải thể theo quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng hoặc theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức cộng đồng không thực hiện đúng phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản hoặc quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng;

d) Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hoặc công cộng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi quyết định.

8. Quyết định công nhận và giao quyền quản lý được sửa đổi, bổ sung trong trường hợp có thay đổi nội dung.

9. Cơ quan có thẩm quyền công nhận, giao quyền quản lý có thẩm quyền thu hồi, sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định.

10. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật Thủy sản 2017

  • Số hiệu: 18/2017/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 21/11/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1059 đến số 1060
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH