Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Luật Thủy sản 2017

Mục 2. THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 31. Quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định;

b) Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn đã được công bố áp dụng;

c) Thông tin về sản phẩm đã được gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

b) Ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

c) Ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam căn cứ kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc kết quả rà soát, điều tra, đánh giá thực tiễn;

d) Hướng dẫn kiểm tra về điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật này và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật để xử lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vi phạm quy định về chất lượng;

đ) Quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này; quy định việc đặt tên, sai số cho phép trong phân tích chất lượng, chỉ tiêu kỹ thuật phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Điều 32. Điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;

b) Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài;

c) Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm;

d) Có điều kiện phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất;

đ) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;

e) Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm.

1. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 33. Điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

Cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Nơi bày bán, nơi bảo quản cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại;

2. Có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp.

Điều 34. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở.

3. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được cấp lại trong trường hợp sau đây;

a) Bị mất, hư hỏng;

b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.

4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;

b) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật này;

c) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.

5. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; nội dung, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện; nội dung, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Điều 35. Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải được khảo nghiệm trong trường hợp có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không có tên trong danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này.

2. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

c) Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

3. Nội dung khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:

a) Phân tích thành phần, chất lượng sản phẩm;

b) Đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm;

c) Đánh giá độc tính, độ an toàn đối với thủy sản nuôi trồng, môi trường và người sử dụng;

d) Nội dung khác theo đặc thù của từng sản phẩm.

4. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được tham gia vào hoạt động khảo nghiệm theo quy định của pháp luật;

b) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm theo quy định;

c) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả khảo nghiệm cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

d) Chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm;

đ) Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm;

e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát hoạt động khảo nghiệm trên địa bàn.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này; quy định trình tự, thủ tục khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Điều 36. Nhập khẩu, xuất khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng.

2. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; trường hợp nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không thuộc danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

3. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật nước nhập khẩu và pháp luật Việt Nam.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:

a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;

b) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 37. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, nhập khẩu, sử dụng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

b) Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định;

c) Thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa; ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc;

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; bồi thường thiệt hại gây ra cho người mua, người nuôi trồng thủy sản;

đ) Gửi thông tin sản phẩm đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường;

e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, độ nguyên vẹn của sản phẩm; dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy nếu có;

b) Thực hiện biện pháp bảo quản chất lượng sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm duy trì chất lượng sản phẩm;

c) Gửi thông tin về sản phẩm khi nhập khẩu lần đầu đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường và thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng;

d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện cơ sở, chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật; xử lý, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm, bồi thường thiệt hại gây ra cho người nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật và hướng dẫn của nhà cung cấp, nhà sản xuất sản phẩm liên quan đến vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm;

b) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản; tiêu hủy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và thủy sản nuôi trồng không bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Luật Thủy sản 2017

  • Số hiệu: 18/2017/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 21/11/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1059 đến số 1060
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH