Chương 6 Luật Hóa chất 2025
Mục 1. YÊU CẦU BẢO ĐẢM AN TOÀN, AN NINH TRONG HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT
Điều 33. Bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật về an toàn, an ninh hóa chất.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có trình độ phù hợp.
3. Người lao động có liên quan đến hoạt động hóa chất phải được huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất và trang bị bảo hộ cá nhân phù hợp với nhiệm vụ được phân công.
4. Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này không áp dụng đối với hoạt động sử dụng hóa chất cho nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt thiết yếu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 34. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về bảo đảm an toàn, an ninh hóa chất
1. Duy trì điều kiện về an toàn, an ninh hóa chất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình hoạt động hóa chất.
2. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định máy, thiết bị vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải, phương tiện theo quy định của pháp luật.
3. Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Khoảng cách an toàn là khoảng cách cần bảo đảm từ một công trình hóa chất đến khu dân cư, công trình công cộng, công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường trong điều kiện hoạt động bình thường.
2. Công trình hóa chất phải bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.
3. Tổ chức, cá nhân không được xây dựng công trình nhà ở và công trình khác trong phạm vi khoảng cách an toàn quy định tại khoản 1 Điều này, trừ công trình chuyên dụng theo quy định của Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành lộ trình thực hiện quy định về khoảng cách an toàn đối với công trình hóa chất hoạt động trên địa bàn trước ngày quy chuẩn kỹ thuật quy định tại khoản 2 Điều này có hiệu lực mà không đáp ứng khoảng cách an toàn.
Mục 2. PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT
Điều 36. Huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải định kỳ huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất cho người lao động.
2. Việc huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất thực hiện theo quy định của Luật này, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, nội dung, thời lượng huấn luyện và năng lực của người huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất.
Điều 37. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
1. Trách nhiệm xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được quy định như sau:
a) Chủ đầu tư dự án có hoạt động tồn trữ hóa chất thuộc danh mục và vượt ngưỡng quy định tại khoản 2 Điều này phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được tồn trữ hóa chất sau khi Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt;
b) Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành cơ sở có hoạt động tồn trữ hóa chất thuộc danh mục và vượt ngưỡng quy định tại khoản 2 Điều này phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trước khi thực hiện hoạt động tồn trữ hóa chất.
2. Chính phủ ban hành Danh mục hóa chất phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; quy định ngưỡng khối lượng tồn trữ hóa chất lớn nhất tại một thời điểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời điểm thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Điều 38. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
1. Trách nhiệm xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được quy định như sau:
a) Chủ đầu tư dự án có hoạt động tồn trữ hóa chất nguy hiểm không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được tồn trữ hóa chất sau khi Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được ban hành;
b) Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành cơ sở có hoạt động tồn trữ hóa chất nguy hiểm không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này phải xây dựng và ban hành Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trước khi thực hiện hoạt động tồn trữ hóa chất;
c) Trước khi vận chuyển hóa chất nguy hiểm, tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất nguy hiểm có nghĩa vụ xây dựng và ban hành Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong vận chuyển và mang theo trong suốt quá trình vận chuyển.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các nội dung trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được ban hành.
2. Chủ đầu tư dự án có hoạt động tồn trữ hóa chất; tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ hóa chất quy định tại khoản 1 Điều 37 và khoản 1 Điều 38 của Luật này có nghĩa vụ điều chỉnh Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong trường hợp mở rộng quy mô, thay đổi dây chuyền công nghệ, trang thiết bị sản xuất, sử dụng, tồn trữ của dự án, cơ sở tồn trữ hóa chất. Hạng mục thay đổi của dự án, cơ sở hóa chất chỉ được đưa vào hoạt động sau khi Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được ban hành.
3. Cơ sở hóa chất trong lĩnh vực dân sự có hoạt động tồn trữ hóa chất thuộc danh mục quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này có nghĩa vụ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất định kỳ hằng năm.
4. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cập nhật Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được ban hành vào Cơ sở dữ liệu chuyên ngành hóa chất, trừ trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 40. Trang thiết bị, nhân lực ứng phó sự cố hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ bảo đảm đủ năng lực về trang thiết bị, nhân lực ứng phó sự cố hóa chất tại chỗ và đầu tư hệ thống trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, đặc tính nguy hiểm của hóa chất theo Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được ban hành để bảo đảm an toàn và kịp thời khi ứng phó sự cố hóa chất.
2. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng khác và cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm bảo đảm đủ năng lực về trang thiết bị, nhân lực để ứng phó sự cố hóa chất theo Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh đã được ban hành.
3. Nhà nước có chính sách về nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực dân sự.
Điều 41. Phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
1. Sự cố hóa chất được phân cấp như sau:
a) Sự cố hóa chất cấp cơ sở là sự cố hóa chất xảy ra trong phạm vi địa giới của cơ sở hóa chất và khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố nằm trong khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng ứng phó tại cơ sở hóa chất;
b) Sự cố hóa chất cấp tỉnh là sự cố hóa chất xảy ra trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh và khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng ứng phó tại cơ sở hóa chất;
c) Sự cố hóa chất cấp quốc gia là sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn một hoặc một số tỉnh và khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thực hiện ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự; tổng hợp thông tin, diễn biến sự cố, hiện trạng và kiến nghị về ảnh hưởng của sự cố đến con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường đến Bộ quản lý lĩnh vực.
3. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi xảy ra sự cố hóa chất bao gồm:
a) Khi xảy ra sự cố hóa chất, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải áp dụng kịp thời Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vượt quá khả năng ứng phó để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành việc huy động người, tài sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật;
c) Khi xảy ra sự cố, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải xây dựng báo cáo cung cấp thông tin chi tiết về sự cố, chủng loại hóa chất, nguyên nhân, biện pháp ứng phó, khối lượng hóa chất bị thất thoát, hậu quả, phương hướng khắc phục sự cố gửi cho cơ quan quản lý ngành tại địa phương;
d) Chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại do sự cố hóa chất gây ra theo quy định của pháp luật.
Điều 42. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu chuyên ngành hóa chất.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh theo Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh đã được ban hành. Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh có thể được kết hợp với diễn tập ứng phó sự cố khác trên địa bàn.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Mục 3. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ AN TOÀN CHO CỘNG ĐỒNG
Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ quy định về an toàn hóa chất theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Tổ chức, cá nhân nơi có cơ sở hoạt động hóa chất có các quyền sau đây:
a) Tiếp cận thông tin về an toàn hóa chất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Yêu cầu cơ sở hoạt động hóa chất thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
c) Được bồi thường thiệt hại do hoạt động hóa chất gây ra theo quy định của pháp luật;
d) Phản ánh đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn hóa chất;
đ) Tham gia ý kiến về biện pháp bảo vệ môi trường và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với dự án đầu tư cơ sở sản xuất, tồn trữ hóa chất nguy hiểm tại địa phương.
2. Tổ chức, cá nhân nơi có cơ sở hoạt động hóa chất có các nghĩa vụ sau đây:
a) Báo cáo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn hóa chất;
b) Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan, tổ chức thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố hóa chất, xử lý và giải quyết theo quy định của pháp luật trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất.
Điều 45. Công khai thông tin về an toàn hóa chất
Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến công khai cho cộng đồng dân cư nơi có cơ sở hoạt động hóa chất thông tin về an toàn hóa chất sau đây:
1. Biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
2. Nội dung cơ bản của Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất quy định tại Điều 37 của Luật này, trừ thông tin bảo mật quy định tại Điều 26 của Luật này.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện trách nhiệm sau đây:
a) Thống kê, phát hiện và thông báo về địa điểm, số lượng hóa chất, sản phẩm chứa chất độc không rõ nguồn gốc; hóa chất, sản phẩm chứa chất độc bị tịch thu trên địa bàn;
b) Xây dựng phương án xử lý hóa chất, sản phẩm chứa chất độc không rõ nguồn gốc; hóa chất, sản phẩm chứa chất độc bị tịch thu;
c) Tổ chức thực hiện phương án xử lý hóa chất, sản phẩm chứa chất độc không rõ nguồn gốc; hóa chất, sản phẩm chứa chất độc bị tịch thu.
2. Tổ chức, cá nhân có hóa chất, sản phẩm chứa chất độc bị tịch thu chịu toàn bộ chi phí xử lý hóa chất, sản phẩm chứa chất độc bị tịch thu.
3. Trường hợp cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này bị chết hoặc mất tích; tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này bị giải thể, phá sản; hóa chất, sản phẩm chứa chất độc không rõ nguồn gốc hoặc không xác định được chủ sở hữu thì chi phí xử lý hóa chất, sản phẩm chứa chất độc do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó.
4. Chính phủ quy định việc xử lý chất độc tồn dư của chiến tranh.
Luật Hóa chất 2025
- Số hiệu: 69/2025/QH15
- Loại văn bản: Luật
- Ngày ban hành: 14/06/2025
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Thanh Mẫn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/2026
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 4. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất
- Điều 5. Dự án hóa chất
- Điều 6. Lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm
- Điều 7. Hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất
- Điều 8. Điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất
- Điều 9. Phạm vi, yêu cầu đối với hóa chất có điều kiện, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất cấm
- Điều 10. Sản xuất hóa chất
- Điều 11. Kinh doanh hóa chất
- Điều 12. Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh và hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế đối với hóa chất
- Điều 13. Vận chuyển hóa chất
- Điều 14. Tồn trữ hóa chất
- Điều 15. Sử dụng hóa chất
- Điều 16. Xử lý chất thải từ hoạt động hóa chất
- Điều 17. Kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
- Điều 18. Miễn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện; Giấy phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; Giấy phép sản xuất, nhập khẩu hóa chất cấm; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất
- Điều 19. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện; Giấy phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; Giấy phép sản xuất, nhập khẩu hóa chất cấm; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất
- Điều 20. Đăng ký hóa chất mới
- Điều 21. Tổ chức đánh giá hóa chất mới
- Điều 22. Quản lý hóa chất mới
- Điều 23. Phân loại, ghi nhãn hóa chất
- Điều 24. Bao bì, thiết bị chứa và hoạt động đóng gói hóa chất
- Điều 25. Phiếu an toàn hóa chất
- Điều 26. Bảo mật thông tin
- Điều 27. Lưu trữ thông tin hóa chất nguy hiểm
- Điều 28. Nghĩa vụ cung cấp thông tin
- Điều 29. Chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hóa chất
- Điều 30. Quảng cáo hóa chất
- Điều 31. Quy định chung về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa
- Điều 32. Công bố thông tin về hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa
- Điều 33. Bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động hóa chất
- Điều 34. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về bảo đảm an toàn, an ninh hóa chất
- Điều 35. Khoảng cách an toàn
- Điều 36. Huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất
- Điều 37. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
- Điều 38. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
- Điều 39. Thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
- Điều 40. Trang thiết bị, nhân lực ứng phó sự cố hóa chất
- Điều 41. Phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
- Điều 42. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh
- Điều 43. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trong bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng
- Điều 44. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nơi có cơ sở hoạt động hóa chất trong bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng
- Điều 45. Công khai thông tin về an toàn hóa chất
- Điều 46. Trách nhiệm xử lý hóa chất, sản phẩm chứa chất độc không rõ nguồn gốc; hóa chất, sản phẩm chứa chất độc bị tịch thu; xử lý chất độc tồn dư của chiến tranh