Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật Hóa chất 2025

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hóa chất, quản lý hoạt động hóa chất; phát triển ngành công nghiệp hóa chất; thông tin hóa chất; hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; an toàn, an ninh trong hoạt động hóa chất.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hóa chất là chất, hỗn hợp chất tự nhiên hoặc được con người khai thác, tạo ra.

2. Chất là đơn chất, hợp chất bao gồm cả tạp chất sinh ra trong quá trình chế biến; những phụ gia cần thiết để bảo đảm đặc tính lý, hóa ổn định; không bao gồm dung môi mà khi tách ra thì tính chất của chất đó không thay đổi.

3. Hỗn hợp chất là tập hợp của hai chất hoặc nhiều chất mà giữa chúng không xảy ra phản ứng hóa học trong điều kiện bình thường.

4. Hóa chất nguy hiểm là hóa chất gây hại cho con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường và có ít nhất một đặc tính nguy hiểm theo nguyên tắc phân loại do Thủ trưởng cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước ở trung ương về hóa chất (sau đây gọi chung là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về hóa chất) quy định.

5. Chất độc là hóa chất mà thông qua tác động hóa học của nó lên các quá trình sống có thể gây tử vong, mất năng lực tạm thời hoặc gây tổn thương vĩnh viễn cho con người, theo các tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định.

6. Sản phẩm, hàng hóa chứa hóa chất nguy hiểm là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện sử dụng hợp lý và đúng mục đích vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường do thành phần hóa học trong sản phẩm, hàng hóa.

7. Hóa chất cơ bản là hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia, dung môi trong quá trình sản xuất hóa chất khác hoặc trong quá trình sản xuất của các ngành kinh tế.

8. Sản phẩm hóa dầu là sản phẩm hóa chất của quá trình lọc dầu, chế biến dầu mỏ, khí tự nhiên, khí dầu mỏ, than đá hoặc sản phẩm được tạo ra thông qua phản ứng hóa học từ nguồn nguyên liệu là sản phẩm của quá trình lọc dầu, chế biến dầu mỏ, khí tự nhiên, khí dầu mỏ, than đá. Sản phẩm hóa dầu không bao gồm sản phẩm được sử dụng làm nhiên liệu hoặc để tạo ra năng lượng.

9. Sản phẩm hóa dược là hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu làm thuốc và nguyên liệu làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được tạo ra từ quá trình hóa học, quá trình chiết xuất hợp chất thiên nhiên, quá trình công nghệ sinh học.

10. Sản phẩm cao su gồm cao su tổng hợp; sản phẩm được sản xuất từ cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp có yêu cầu kỹ thuật riêng biệt về khuôn mẫu và tính năng.

11. Dự án hóa chất là dự án đầu tư xây dựng được hình thành và thực hiện với mục tiêu chính để tiến hành hoạt động sản xuất, tồn trữ hóa chất, sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất.

12. Cơ sở hóa chất là địa điểm diễn ra một hoặc nhiều hoạt động sản xuất hóa chất, kinh doanh hóa chất, tồn trữ hóa chất, sử dụng hóa chất, xử lý chất thải hóa chất.

13. Công trình hóa chất là một hoặc tập hợp nhiều công trình xây dựng, dây chuyền công nghệ để tiến hành hoạt động sản xuất, tồn trữ hóa chất, sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất.

14. Tổ hợp công trình hóa chất là một tập hợp nhiều công trình hóa chất hoặc công trình có hoạt động sử dụng hóa chất, thuộc một dự án hoặc nhiều dự án khác nhau, có mối liên hệ về công nghệ, nguyên liệu, nhiên liệu, sản phẩm.

15. Khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất là khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho dự án hóa chất, công trình hóa chất; có diện tích đất công nghiệp đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định của Chính phủ được sử dụng để thu hút dự án hóa chất, công trình hóa chất và dự án sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất được sản xuất trong khu công nghiệp làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tác trong quá trình sản xuất.

16. Hoạt động hóa chất gồm hoạt động nghiên cứu hóa chất, thử nghiệm hóa chất, sản xuất hóa chất, kinh doanh hóa chất, vận chuyển hóa chất, tồn trữ hóa chất, sử dụng hóa chất, xử lý chất thải hóa chất, tiêu hủy hóa chất, thải bỏ hóa chất.

17. Sản xuất hóa chất gồm việc tạo ra hóa chất thông qua quá trình hóa học, quá trình công nghệ sinh học, pha chế, trích ly, cô đặc, chưng cất, chiết xuất, tinh chế hóa chất; gia công hóa chất; san chiết hóa chất. Sản xuất hóa chất không gồm hoạt động phát thải hóa chất không chủ đích.

18. Kinh doanh hóa chất gồm hoạt động mua, bán, trao đổi, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng trên thị trường nhằm mục đích sinh lời.

19. Sử dụng hóa chất là việc dùng hóa chất cho mục đích tạo ra sản phẩm, hàng hóa khác; cung ứng dịch vụ; phục vụ quốc phòng, an ninh, y tế, khoa học, công nghệ hoặc mục đích hợp pháp khác.

20. Dịch vụ tồn trữ hóa chất là hoạt động cho thuê cơ sở vật chất để tồn trữ hóa chất cho tổ chức, cá nhân khác.

21. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành hóa chất là tập hợp dữ liệu về hóa chất; hoạt động hóa chất; ngành công nghiệp hóa chất; hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; an toàn, an ninh trong hoạt động hóa chất.

22. An toàn hóa chất là việc áp dụng quy định, biện pháp nhằm mục tiêu không xảy ra ảnh hưởng tiêu cực đối với con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường trong hoạt động hóa chất.

23. An ninh hóa chất là việc áp dụng quy định, biện pháp nhằm mục tiêu ngăn chặn việc sở hữu bất hợp pháp và sử dụng sai mục đích hóa chất, thiết bị hóa học để duy trì trạng thái ổn định, an toàn, không có dấu hiệu nguy hiểm, không đe dọa sự tồn tại và phát triển bình thường của tổ chức, cá nhân hoặc của xã hội.

24. Sự cố hóa chất là tình trạng cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường.

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Chiếm đoạt hóa chất; sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ, sử dụng, mua, bán, trao đổi, tặng cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố hóa chất trái pháp luật.

2. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về hóa chất.

3. Không cung cấp hoặc cố ý cung cấp không đầy đủ, không kịp thời, sai lệch thông tin về đặc tính nguy hiểm của hóa chất; sản phẩm, hàng hóa chứa hóa chất nguy hiểm; việc mất, thất thoát hóa chất nguy hiểm; sự cố hóa chất.

4. Sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất không được sử dụng để sản xuất, kinh doanh và bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng.

5. Sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có hàm lượng hóa chất nguy hiểm không tuân thủ quy định của Luật này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về quản lý hóa chất.

7. Sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường; xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh hóa chất, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật Hóa chất 2025

  • Số hiệu: 69/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2026
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH