Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật Hóa chất 2025

Chương II

PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT

Điều 4. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất

1. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được phê duyệt là căn cứ để xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng và phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn, phân bố nguồn lực phát triển trên địa bàn vùng thuộc nội dung của quy hoạch vùng; xây dựng phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh, lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội và xây dựng phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thuộc nội dung của quy hoạch tỉnh; quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hóa chất.

2. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với chính sách của Nhà nước về hoạt động hóa chất, quy định của Luật này và luật khác có liên quan;

b) Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia;

c) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

3. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất có các nội dung chính sau đây:

a) Quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất và lĩnh vực ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ;

b) Định hướng hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương và đáp ứng yêu cầu an toàn hóa chất;

c) Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất.

4. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn đến 30 năm và do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 5. Dự án hóa chất

1. Hoạt động đầu tư dự án hóa chất, xây dựng công trình hóa chất thực hiện theo quy định của Luật này, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chủ đầu tư dự án hóa chất có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Lựa chọn, sử dụng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất nguy hiểm và giảm thiểu chất thải hóa chất;

c) Xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này;

d) Áp dụng bộ nguyên tắc trong thiết kế, lựa chọn công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ hóa chất nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng và tạo ra hóa chất nguy hiểm (sau đây gọi là nguyên tắc hóa học xanh).

3. Đối với dự án hóa chất thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này, trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền đánh giá sự phù hợp địa điểm của dự án hóa chất với quy định về khoảng cách an toàn.

4. Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của dự án hóa chất được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và phải gồm các nội dung sau đây:

a) Việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và quy định về an toàn hóa chất;

b) Nguyên tắc hóa học xanh đã được áp dụng trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị.

5. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều 6. Lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm

1. Lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm bao gồm:

a) Sản xuất sản phẩm công nghiệp hóa chất trọng điểm gồm: sản phẩm hóa chất cơ bản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; sản phẩm hóa dầu; sản phẩm hóa dược; sản phẩm cao su, trừ sản phẩm săm, lốp; phân bón hàm lượng cao; hydro, amoniac được sản xuất bằng nguồn năng lượng tái tạo;

b) Đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất;

c) Đầu tư tổ hợp công trình hóa chất với mục tiêu chính là sản xuất hóa chất và sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất;

d) Đầu tư dự án hóa chất thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư.

2. Chính phủ quy định danh mục hóa chất cơ bản thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm theo một trong các tiêu chí sau đây:

a) Hóa chất cơ bản được sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực nhưng trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu;

b) Sản phẩm hóa chất cơ bản được sản xuất từ chế biến khoáng sản.

3. Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này có quy mô vốn đầu tư, tiến độ giải ngân theo quy định của Chính phủ được hưởng các hình thức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất

Hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bao gồm:

1. Tư vấn xây dựng đối với dự án hóa chất gồm: lập thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình, giám sát thi công lắp đặt thiết bị vào công trình, quản lý dự án, định giá xây dựng;

2. Tư vấn lựa chọn công nghệ, thiết bị đối với dự án hóa chất;

3. Tư vấn an toàn, an ninh hóa chất gồm: lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất; huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất; phân loại và ghi nhãn hóa chất; lập phiếu an toàn hóa chất; đăng ký hóa chất mới.

Điều 8. Điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất

1. Tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Có ít nhất 01 cá nhân tham gia hoạt động tư vấn đáp ứng các điều kiện sau đây: có bằng cử nhân hoặc tương đương trở lên về hóa học; có kinh nghiệm công tác phù hợp trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất.

2. Tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 của Luật này phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có đội ngũ tư vấn viên đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này với số lượng phù hợp;

c) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết đáp ứng yêu cầu của hoạt động tư vấn.

3. Cá nhân thực hiện hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 của Luật này phải có chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất. Điều kiện để cá nhân được cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều này cấp chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất bao gồm:

a) Có bằng cử nhân hoặc tương đương trở lên về hóa học;

b) Có kinh nghiệm công tác phù hợp trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất.

4. Chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.

5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 3 Điều này; quy định nội dung chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất; quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất.

Luật Hóa chất 2025

  • Số hiệu: 69/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2026
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH