Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 2 Luật Giáo dục 2005

MỤC 4: GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 38. Giáo dục đại học

Giáo dục đại học bao gồm:

1. Đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ hai đến ba năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành;

2. Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ bốn đến sáu năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành;

3. Đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện từ một đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học;

4. Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện trong bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học, từ hai đến ba năm học đối với người có bằng thạc sĩ. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ có thể được kéo dài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể việc đào tạo trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt.

Điều 39. Mục tiêu của giáo dục đại học

1. Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Đào tạo trình độ cao đẳng giúp sinh viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cơ bản để giải quyết những vấn đề thông thường thuộc chuyên ngành được đào tạo.

3. Đào tạo trình độ đại học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

4. Đào tạo trình độ thạc sĩ giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

5. Đào tạo trình độ tiến sĩ giúp nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và thực hành, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát hiện và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.

Điều 40. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục đại học

1. Nội dung giáo dục đại học phải có tính hiện đại và phát triển, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa kiến thức khoa học cơ bản, ngoại ngữ và công nghệ thông tin với kiến thức chuyên môn và các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc; tương ứng với trình độ chung của khu vực và thế giới.

Đào tạo trình độ cao đẳng phải bảo đảm cho sinh viên có những kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức chuyên môn cần thiết, chú trọng rèn luyện kỹ năng cơ bản và năng lực thực hiện công tác chuyên môn.

Đào tạo trình độ đại học phải bảo đảm cho sinh viên có những kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức chuyên môn tương đối hoàn chỉnh; có phương pháp làm việc khoa học; có năng lực vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn.

Đào tạo trình độ thạc sĩ phải bảo đảm cho học viên được bổ sung và nâng cao những kiến thức đã học ở trình độ đại học; tăng cường kiến thức liên ngành; có đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong chuyên ngành của mình.

Đào tạo trình độ tiến sĩ phải bảo đảm cho nghiên cứu sinh hoàn chỉnh và nâng cao kiến thức cơ bản; có hiểu biết sâu về kiến thức chuyên môn; có đủ năng lực tiến hành độc lập công tác nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong công tác chuyên môn.

2. Phương pháp đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học phải coi trọng việc bồi dưỡng ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng.

Phương pháp đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện bằng cách phối hợp các hình thức học tập trên lớp với tự học, tự nghiên cứu; coi trọng việc phát huy năng lực thực hành, năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề chuyên môn.

Phương pháp đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện chủ yếu bằng tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nhà giáo, nhà khoa học; coi trọng rèn luyện thói quen nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy sáng tạo trong phát hiện, giải quyết những vấn đề chuyên môn.

Điều 41. Chương trình, giáo trình giáo dục đại học

1. Chương trình giáo dục đại học thể hiện mục tiêu giáo dục đại học; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục đại học, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo của giáo dục đại học; bảo đảm yêu cầu liên thông với các chương trình giáo dục khác.

Trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định ngành về chương trình giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình khung cho từng ngành đào tạo đối với trình độ cao đẳng, trình độ đại học bao gồm cơ cấu nội dung các môn học, thời gian đào tạo, tỷ lệ phân bổ thời gian đào tạo giữa các môn học, giữa lý thuyết với thực hành, thực tập. Căn cứ vào chương trình khung, trường cao đẳng, trường đại học xác định chương trình giáo dục của trường mình.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức, kết cấu chương trình, luận văn, luận án đối với đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.

2. Giáo trình giáo dục đại học cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo.

Hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học có trách nhiệm tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình các môn học để sử dụng chính thức trong trường trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng thành lập; bảo đảm có đủ giáo trình phục vụ giảng dạy, học tập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức biên soạn và duyệt các giáo trình sử dụng chung cho các trường cao đẳng, trường đại học.

Điều 42. Cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

a) Trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng;

b) Trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học; đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

Viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ khi bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đủ số lượng, có khả năng xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo và tổ chức hội đồng đánh giá luận án;

b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ tiến sĩ;

c) Có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học; đã thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu thuộc đề tài khoa học trong các chương trình khoa học cấp nhà nước; có kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác nghiên cứu khoa học.

3. Mô hình tổ chức cụ thể của các loại trường đại học do Chính phủ quy định.

Điều 43. Văn bằng giáo dục đại học

1. Sinh viên học hết chương trình cao đẳng, có đủ điều kiện thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng trường cao đẳng hoặc trường đại học cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng.

2. Sinh viên học hết chương trình đại học, có đủ điều kiện thì được dự thi hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp và nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng trường đại học cấp bằng tốt nghiệp đại học.

Bằng tốt nghiệp đại học của ngành kỹ thuật được gọi là bằng kỹ sư; của ngành kiến trúc là bằng kiến trúc sư; của ngành y, dược là bằng bác sĩ, bằng dược sĩ, bằng cử nhân; của các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế là bằng cử nhân; đối với các ngành còn lại là bằng tốt nghiệp đại học.

3. Học viên hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, có đủ điều kiện thì được bảo vệ luận văn và nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng trường đại học cấp bằng thạc sĩ.

4. Nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, có đủ điều kiện thì được bảo vệ luận án và nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu khoa học cấp bằng tiến sĩ.

5. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học trong nước quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

6. Thủ tướng Chính phủ quy định văn bằng tốt nghiệp tương đương trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ của một số ngành chuyên môn đặc biệt.

Luật Giáo dục 2005

  • Số hiệu: 38/2005/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH