Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 16 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

I. SỰ CẦN THIẾT

Dịch bệnh do vi rút Corona 2019 (COVID-19) được phát hiện lần đầu vào tháng 12/2019. Tới nay, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19.

Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 23/01/2020, tính đến hết ngày 14/4/2021, Việt Nam ghi nhận 2.714 trường hợp mắc; 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm: tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Tính đến tháng 4/2021, có 11 vắc xin phòng Covid-19 được các quốc gia cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) phê chuẩn. Ngoài ra, theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn có 237 loại vắc xin phòng COVID-19 khác đang triển khai nghiên cứu.

Chương trình CO VAX Facility (Giải pháp tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 toàn cầu) do GAVI, WHO sáng lập để cung cấp vắc xin COVID-19 cho 190 quốc gia. Ngày 10/12/2020, GAVI đã chính thức xác nhận Việt Nam là một trong số các quốc gia thành viên của Chương trình và được hỗ trợ vắc xin. GAVI và COVAX Facility dự kiến hỗ trợ toàn bộ vắc xin cho khoảng 20% dân số của các quốc gia. Tuy nhiên, trên cơ sở ước tính hiện tại, Chương trình sẽ cung cấp vắc xin và vật tư tiêm chủng miễn phí để tiêm cho khoảng 15-16% dân số của 92 quốc gia trong đó có Việt Nam. Ngày 29/01/2021, COVAX Facility có thư về việc phân bổ khoảng 4,8 triệu liều vắc xin của AstraZeneca sản xuất cho Việt Nam trong Quý I,II/2021, số lượng phân bổ tiếp theo sẽ được COVAX thông báo sau.

Để kịp thời tiếp nhận và sử dụng vắc xin COVID-19, Tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại địa phương và khả năng cung ứng vắc xin của COVAX Facility cũng như đảm bảo cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

- Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc;

- Quyết định số 1210/QĐ-BYT ngày 09/02/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ;

- Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19,

- Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022;

- Công văn số 1384/BYT-DP ngày 06/3/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19;

- Quyết định số 1821/QĐ-BYT ngày 07/4/2021 của Bộ Y tế về việc phân bổ vắc xin phòng COVID-19 đợt 2.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 bằng sử dụng vắc xin.

2. Mục tiêu cụ thể

- Trên 80% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVTD- 19 khi có đủ nguồn vắc xin.

- Từ 95% trở lên số đối tượng nguy cơ được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Tiếp nhận, cung ứng và triển khai kịp thời tiêm vắc xin phòng COVID- 19 cho các đối tượng theo quy định và tình hình dịch.

- Đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG.

1. Thời gian: dự kiến triển khai từ tháng 4 năm 2021 ngay sau khi nhận được nguồn cung ứng vắc xin từ Bộ Y tế.

2. Xác định đối tượng

Người dân từ 18 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (tổng số đối tượng dự kiến: 741.016 người - theo số liệu tổng hợp từ UBND các huyện, thành phố và của Cục Thống kê tỉnh, đã trừ lực lượng công an và quân đội).

3. Hình thức triển khai

- Tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

- Tổ chức tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên

4. Địa điểm tiêm chủng

Tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng công lập đã được công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn tỉnh (150 điểm tiêm chủng, mỗi ngày có thể tiêm 100 người/điểm tiêm chủng). Trường hợp số lượng đối tượng được tiêm trên địa bàn lớn, Sở Y tế huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ hoặc tổ chức điểm tiêm lưu động theo quy định của Bộ Y tế.

5. Lộ trình triển khai

5.1. Triển khai tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP

Ưu tiên tiêm cho nhóm đối tượng nguy cơ theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 bao gồm:

a) Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch:

- Người làm việc trong các cơ sở y tế;

- Người tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ phòng chống Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...);

b) Nhân viên, cán bộ ngoại giao được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

c) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

d) Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

e) Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

g) Người sinh sống tại các vùng có dịch.

đ) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

h) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

i) Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Số lượng dự kiến: 364.332 người, trừ đi khoảng 10% số đối tượng không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm và đối tượng từ chối tiêm, còn lại 327.899 người tương đương với 721.378 liều vắc xin (2 liều/người). Căn cứ vào nguồn cung ứng vắc xin sẽ điều phối các đối tượng phù hợp với số lượng vắc xin để tiêm các đợt.

5.2. Triển khai tiêm cho các đối tượng còn lại

Số lượng dự kiến: 376.684 người, trừ đi khoảng 10% số đối tượng không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm và đối tượng từ chối tiêm, còn lại 339.016 người tương đương với 745.835 liều vắc xin (2 liều/người).

(Tùy theo loại vắc xin cụ thể, có thể còn thêm hệ số hư hao, đối với vắc xin của hãng Astra Zeneca hệ số là 1,1).

6. Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin và vật tư

Thực hiện việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin và vật tư tiêm chủng trong hệ thống dây chuyền lạnh của tiêm chủng mở rộng tại các tuyến theo đứng quy định của Bộ Y tế.

7. Tập huấn cho cán bộ y tế về tiêm vắc xin phòng COVID-19

Sở Y tế tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng tuyến huyện, xã trên địa bàn trước khi triển khai tiêm chủng ít nhất 07 ngày.

8. Truyền thông về triển khai vắc xin phòng COVID-19

- Xây dựng kế hoạch truyền thông về sử dụng vắc xin COVID-19 nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin và vận động người dân, huy động xã hội tham gia tiêm chủng.

- Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng ưu tiên, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm, tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi sau tiêm, kế hoạch triển khai tiêm.

- Thời gian thực hiện: Trước, trong và sau khi triển khai tiêm.

9. Tổ chức tiêm chủng

- Việc tổ chức buổi tiêm chủng, giám sát và đảm bảo sẵn sàng cấp cứu, xử lý tai biến do tiêm chủng; quản lý bơm kim tiêm, rác thải y tế sau tiêm, kiểm tra giám sát và báo cáo hoạt động tiêm chủng vắc xin COVID-19 thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế.

- Xác định, lập danh sách, nêu rõ nguyên nhân người trong diện tiêm vắc xin mà không tiêm.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách tỉnh (bao gồm cả ngân sách Trung ương hỗ trợ): đảm bảo kinh phí mua vắc xin, vật tư tiêm chủng và các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của tuyến tỉnh.

2. Ngân sách cấp huyện, xã: sử dụng tối đa 50% nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện, xã để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của tuyến huyện, xã. Trường hợp chi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quá lớn, vượt quá 50% dự phòng ngân sách cấp huyện, xã, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ phần chênh lệch để địa phương có đủ nguồn thực hiện nhiệm vụ.

3. Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

4. Nguồn do tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Lập dự toán kinh phí chi cho hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Điều phối đối tượng và số lượng đối tượng tiêm ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế tập trung nguồn lực triển khai để hoàn thành mục tiêu và đảm bảo an toàn, hiệu quả: Tổ chức rà soát nhân lực cán bộ y tế, tập huấn cho cán bộ tham gia tiêm chủng, kiểm tra hệ thống dây truyền lạnh đảm bảo theo quy định để tiếp nhận bảo quản vắc xin. Chỉ đạo các đơn vị điều trị chuẩn bị các phương án đảm bảo sẵn sàng cấp cứu, xử lý tai biến đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh tuyên truyền chiến dịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức lồng ghép truyền thông tại cộng đồng.

- Tổ chức giám sát trước, trong và sau chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để có phương án điều chỉnh cho phù hợp, những vấn đề vượt thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, giải quyết.

- Tổng hợp kết quả tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 theo từng giai đoạn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể

Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, lập danh sách, thông báo kế hoạch đến các đối tượng trong diện được tiêm vắc xin phòng Covid-19, phối hợp với sở y tế để tiêm vắc xin cho nhân viên do sở, ngành quản lý.

3. Sở Tài chính

Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để thực hiện kế hoạch theo quy định hiện hành.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế thực hiện truyền thông về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn người dân cách theo dõi, phát hiện các tai biến nặng có thể xảy ra sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

5. Công an tỉnh

Đảm bảo công tác an ninh trật tự tại các điểm tiêm chủng, các điểm bảo quản vắc xin. Tăng cường cảnh giác, đấu tranh với các đối tượng tuyên truyền, đưa tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin Covid-19.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng lập danh sách các nhóm đối tượng được tiêm chủng trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Sở Y tế gửi về Sở Y tế để tổng hợp.

- Chỉ đạo các phòng, ban, Đài Truyền thanh huyện, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền trên đài phát thanh 3 cấp về lợi ích tiêm vắc xin phòng COVID-19, cách theo dõi, phát hiện các tai biến nặng có thể xảy ra sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai điều tra đối tượng, lập danh sách và tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Y tế; thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn chuyên môn trong triển khai các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả.

- Đảm bảo kinh phí thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn theo phân cấp ngân sách.

Trên đây là Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục Y tế dự phòng;
- BQLTCMR quốc gia, BQLTCMR MB;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- Đài Phát thanh và TH tỉnh; Báo Ninh Bình;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP2, VP5, VP6.
5.Tr11_KHYT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 54/KH-UBND năm 2021 về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 54/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/04/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản