Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1239/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 08 tháng 04 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 GIAI ĐOẠN 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

Căn cứ Luật Dược ngày 06/4/2016;

Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

Căn cứ Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

Căn cứ Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 45/TTr-SYT ngày 02/4/2021 và ý kiến thống nhất của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ban hành tại Điều 1 đạt mục tiêu, kết quả, chỉ tiêu đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Giao thông Vận tải, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Ngoại vụ; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế (báo cáo);
- Cục YTDP, Viện Pasteur Nha Trang, Viện SR-KST-CT Quy Nhơn;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các hội đoàn thể;
- Các ban Đảng thuộc Tỉnh ủy;
- Các ban thuộc HĐND tỉnh;
- Các đơn vị y tế TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- Báo BĐ, Đài PTTH BĐ;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Ban Tiếp CD; TT TH CB (VPUB);
- Lưu: VP, K11, K5, K14, K15.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Hải Giang

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 GIAI ĐOẠN 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1239/QĐ-UBND ngày 08 tháng 04 năm 2021 của UBND tỉnh Bình Định)

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

- Luật Dược ngày 06/4/2016;

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Thông báo số 164/TB-VPCP ngày 31/12/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về vắc xin phòng COVID-19;

- Nghị Quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

- Quyết định số 983/QĐ-BYT ngày 01/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế Phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

- Quyết định số 1210/QĐ-BYT ngày 09/02/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022 do COVAX Facility hỗ trợ;

- Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

- Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022;

- Công văn số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng được tiêm chủng đủ mũi vắc xin theo từng đợt phân bổ vắc xin.

- Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, đáp ứng nhanh cho công tác phòng chống dịch.

III. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc:

- Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và đặc biệt là hệ thống tiêm chủng mở rộng để tổ chức chiến dịch tiêm chủng.

- Tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi được tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế.

- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân.

2. Thời gian: Giai đoạn 2021 - 2022 (Thời gian triển khai cụ thể theo tiến độ cung ứng vắc xin).

3. Đối tượng triển khai: Thực hiện theo Nghị Quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ. Theo đó, toàn tỉnh dự kiến có 271.381 người là đối tượng được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 diện ưu tiên và miễn phí gồm:

a) Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm:

- Người làm việc trong các cơ sở y tế.

- Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).

- Lực lượng Quân đội, Công an.

b) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

c) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

d) Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

e) Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

g) Người sinh sống tại các vùng có dịch.

đ) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

h) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

i) Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

(Chi tiết đối tượng và lộ trình tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Phụ lục 1 kèm theo).

4. Phạm vi triển khai: Trên phạm vi toàn tỉnh và tổ chức tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

5. Hình thức triển khai:

- Tổ chức tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên.

- Tổ chức tiêm chủng theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở y tế, các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động (nếu cần thiết).

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tập huấn:

Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế về các nội dung: Tiếp nhận, bảo quản vắc xin; tổ chức điểm tiêm chủng; tiêm chủng vắc xin an toàn và hướng dẫn khám sàng lọc, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm; thông tin về loại vắc xin phòng COVID-19; hướng dẫn thống kê báo cáo...

2. Truyền thông:

- Truyền thông nội dung Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, nhằm thông tin kịp thời đến người dân và dư luận về công tác triển khai vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng ưu tiên, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của vắc xin, tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi có thể xảy ra sau tiêm, theo dõi phát hiện phản ứng sau tiêm chủng.

- Truyền thông chia sẻ thông tin về sử dụng vắc xin COVID-19 nhằm nâng cao nhận thức, vận động người dân và huy động xã hội tham gia tiêm chủng.

3. Đảm bảo việc tiếp nhận, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng:

- Thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận, bảo quản vắc xin COVID-19, vật tư tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia.

- Kiểm tra, rà soát hệ thống nhà kho, dây chuyền lạnh, phích lạnh bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng của các cơ sở y tế đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo tốt nhất việc tiếp nhận, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng.

4. Tổ chức tiêm chủng:

- Tổ chức buổi tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế, bảo đảm tổ chức đồng bộ, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tiêm chủng và phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm an toàn về tiêm chủng cho người dân và an toàn cho cán bộ thực hiện tiêm chủng.

- Việc tổ chức triển khai tiêm chủng được thực hiện theo các nguyên tắc: Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng; tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin; độ bao phủ cao, đảm bảo an toàn, đúng đối tượng và thực hiện theo đúng các hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế về hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Các cơ sở y tế có đủ điều kiện tiêm chủng tổ chức điểm tiêm chủng và tiêm chủng cho người làm việc tại đơn vị mình; Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có tại các xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp cần thiết, sẽ huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước và tư nhân tham gia tổ chức buổi tiêm.

5. Giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng:

- Giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng bao gồm các đơn vị thực hiện và các đơn vị phối hợp từ trung ương đến địa phương. Khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được thực hiện theo Điều 6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016.

- Giám sát thường quy: Các cơ sở tiêm chủng tiến hành theo dõi, giám sát phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.

- Tổ chức các đội cấp cứu cơ động tại các địa phương, đơn vị để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi được yêu cầu. Các cơ sở y tế sẵn sàng trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để tổ chức cấp cứu kịp thời các trường hợp xảy ra phản ứng bất lợi sau tiêm.

- Thực hiện nghiêm việc xử trí phản vệ trong quá trình sử dụng vắc xin theo quy định tại Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.

6. Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế:

- Các cơ sở tiêm chủng có phương án thu gom, xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế tại điểm tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNM ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và đặc điểm của vắc xin COVID trong quá trình sử dụng vắc xin.

- Thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế.

7. Giám sát và báo cáo:

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng. Cán bộ giám sát có trách nhiệm theo dõi giám sát và hỗ trợ cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng.

- Thực hiện báo cáo: Các cơ sở thực hiện tiêm hoàn thiện báo cáo hàng ngày, báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định.

V. DỰ KIẾN VẮC XIN, VẬT TƯ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Dự kiến nhu cầu vắc xin và vật tư tiêm chủng theo từng nhóm đối tượng ưu tiên (Chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo):

- Vắc xin: 567.210 liều (Hệ số sử dụng 1,1).

- Bơm kim tiêm 0,5ml: 567.210 cái.

- Hộp an toàn: 6.240 cái.

2. Dự kiến kinh phí thực hiện:

a) Kinh phí trung ương chi cho các hoạt động:

- Mua vắc xin, vật tư tiêm chủng (bơm kim tiêm, hộp an toàn,...),vận chuyển và bảo quản, tăng cường năng lực hệ thống dây chuyền lạnh tuyến Trung ương.

- Các hoạt động tập huấn cho tuyến tỉnh.

- Xây dựng các thông điệp truyền thông, triển khai các hoạt động truyền thông tại tuyến trung ương

b) Kinh phí địa phương chi cho các hoạt động:

- Vận chuyển và bảo quản vắc xin từ tuyến trung ương về địa phương và tại địa phương.

- Tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã.

- Dự kiến kinh phí triển khai kế hoạch: 3.121.496.000 đồng

(Ba tỷ một trăm hai mươi mốt triệu, bốn trăm chín mươi sáu nghìn đồng).

Trong đó:

Mua bơm kim tiêm, hộp an toàn, bông cồn: 1.321.247.400 đồng

Tập huấn: 47.400.000 đồng

Truyền thông: 145.500.000 đồng

In ấn biểu mẫu phục vụ tiêm chủng: 469.221.600 đồng

Công tiêm cho người thực hiện tiêm chủng: 1.031.252.000 đồng

Kiểm tra, giám sát: 106.875.000 đồng

(Chi tiết tại Phụ lục 3 kèm theo)

c) Kinh phí từ nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác và các nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này đạt mục tiêu, kết quả đề ra.

- Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng bảo đảm nhân lực, vật tư, thuốc men bảo đảm an toàn trong tiêm chủng và xử lý hiệu quả các sự cố bất lợi trong quá trình tổ chức tiêm chủng.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh bố trí kinh phí, nguồn kinh phí để triển khai Kế hoạch này, thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo an toàn, đúng quy định. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các địa phương.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải và các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng thuộc đơn vị mình. Đồng thời, huy động lực lượng tham gia, hỗ trợ việc điều tra, lập danh sách đối tượng thuộc nhóm được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định và các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện truyền thông về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến dịch, đối tượng, thời gian, địa điểm tiêm chủng, tác dụng, lợi ích của vắc xin, phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và cách xử trí.

- Giám sát và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Y tế, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan theo quy định.

2. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải và các sở, ban, ngành liên quan:

- Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong triển khai các hoạt động của Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 và hỗ trợ ngành y tế khi có yêu cầu.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các hoạt động: Lập danh sách đối tượng thuộc diện tiêm chủng báo cáo Sở Y tế; phối hợp đối chiếu, rà soát đối tượng tiêm chủng tại cơ quan, địa phương đảm bảo không bỏ sót, không trùng lặp đối tượng.

- Phối hợp với ngành y tế tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định và các cơ quan thông tấn, báo chí, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố, các đài truyền thanh cơ sở: Truyền thông sâu rộng trong cộng đồng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, tác dụng, lợi ích của vắc xin, phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và cách xử trí; ưu tiên bố trí thời lượng phát các thông điệp truyền thông về chiến dịch tiêm chủng tại các địa phương trong thời gian diễn ra chiến dịch

4. Sở Tài chính: Phối hợp Sở Y tế tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Hướng dẫn, phối hợp kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng Luật ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

5. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc tổ chức tiêm cho đối tượng trong lực lượng Công an.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tại địa phương tích cực phối hợp với ngành y tế tổ chức triển khai công tác tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu, kết quả đề ra.

- Kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng trên địa bàn.

7. Đề nghị Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể: Chỉ đạo các cấp hội tích cực vận động hội viên, đoàn viên phối hợp với ngành Y tế và các ngành, các cấp chính quyền địa phương để thực hiện truyền thông, vận động, giải thích người dân hiểu rõ lợi ích của tiêm chủng vắc xin cho phòng COVID-19 và tổ chức thực hiện Kế hoạch này đúng mục tiêu, có hiệu quả.

Trường hợp Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, giao Sở Y tế kịp thời nắm bắt, đề xuất cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch này cho phù hợp, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành
phố nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này./.

 

PHỤ LỤC 1:

DỰ KIẾN ĐỐI TƯỢNG VÀ LỘ TRÌNH SỬ DỤNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19

Đợt 1. Triển khai ngay sau khi tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế để tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên thuộc là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch

STT

Đối tượng ưu tiên

Số đối tượng dự kiến

Tỷ lệ tiêm chủng(%)

Số đối tượng tiêm

1

Nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trực tiếp khám hoặc khám sàng lọc, điều trị, chăm sóc người bệnh có nguy cơ nhiễm COVID-19, người bệnh nghi nhiễm COVID-19, người bệnh nhiễm COVID-19 tại các khoa Truyền nhiễm, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa khám sàng lọc người nghi nhiễm COVID-19; nhân viên lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2, nhân viên vận chuyển bệnh nhân nghi ngờ COVID-19...

2.466

95

2.343

2

Nhân viên tại các đơn vị y tế dự phòng: Cán bộ lấy mẫu, vận chuyển mẫu và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm; cán bộ kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; cán bộ làm công tác điều tra dịch tễ, truy vết, giám sát dịch, xử lý dịch; cán bộ giám sát cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú; cán bộ tham gia tại các chốt kiểm dịch....

1.639

95

1.557

3

Nhân viên làm việc tại các khu cách ly; cán bộ thuộc các lực lượng Công an, Quân đội trực tiếp tham gia phòng, chống dịch (tham gia tại các chốt kiểm dịch, điều tra truy vết, cưỡng chế cách ly, làm việc tại các cửa khẩu...); tổ Covid dựa vào cộng đồng; tình nguyện viên, phóng viên

8.062

95

7.659

4

Thành viên Ban chỉ đạo các cấp

4.308

95

4.093

5

Những người làm việc tại các cơ sở y tế chưa được tiêm chủng

3.375

95

3.206

TỔNG CỘNG

19.850

95

18.858

Đợt 2. Dự kiến triển khai khi tiếp nhận vắc xin đợt 2 triển khai để tiêm chủng cho đối tượng các nhóm còn lại tùy thuộc vào số lượng vắc xin được phân bổ

STT

Đối tượng ưu tiên

Số đối tượng dự kiến

Tỷ lệ tiêm chủng

Số đối tượng tiêm

1

Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh

176

95

167

2

Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Nhân viên làm việc tại các đầu mối giao thông như Cảng hàng không Phù Cát, Cảng Quy Nhơn, bến xe, nhà ga; cung cấp dịch vụ điện, nước...

2.987

95

2.838

3

Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

22.908

95

21.763

4

Người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi

132.533

95

125.906

5

Người sinh sống tại các vùng có dịch

-

 

 

6

Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội

92.927

95

88.281

7

Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài

-

 

 

TỔNG CỘNG

251.531

95

238.955

Ghi chú: Sở Y tế chịu trách nhiệm về số lượng đối tượng triển khai tiêm chủng được tổng hợp từ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh./.

 

PHỤ LỤC 2:

TỔNG HỢP DỰ KIẾN VẮC XIN VÀ VẬT TƯ TIÊM CHỦNG

STT

Nhóm đối tượng ưu tiên

Số đối tượng tiêm

Nhu cầu vắc xin (liều)

Nhu cầu bơm kim tiêm 0,5ml
(cái)

Nhu cầu hộp an toàn (cái)

1

Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch

18.858

41.490

41.490

456

2

Nhân viên, cán bộ ngoại giao nước ngoài của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu

167

370

370

5

3

Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Nhân viên làm việc tại các đầu mối giao thông như Cảng hàng không Phù Cát, Cảng Quy Nhơn, bến xe, nhà ga; cung cấp dịch vụ điện, nước...

2.838

6.250

6.250

69

4

Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người

21.763

47.880

47.880

527

5

Người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi

125.906

277.000

277.000

3.047

6

Người sinh sống tại các vùng có dịch

-

 

 

 

7

Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội

88.281

194.220

194.220

2.136

8

Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài

-

 

 

 

9

Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch

-

 

 

 

TỔNG CỘNG

257.813

567.210

567.210

6.240

Ghi chú: Sở Y tế chịu trách nhiệm về số lượng đối tượng, nhu cầu vắc xin và vật tư tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đảm bảo thực hiện Kế hoạch./.

 

PHỤ LỤC 3.

DỰ KIẾN KINH PHÍ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH

STT

Nội dung chi

Thành tiền

1

Mua bơm kim tiêm, hộp an toàn, bông cồn phục vụ tiêm chủng

1.321.247.400

1.1

Bơm kim tiêm 0,5ml

1.100.387.400

1.2

Hộp an toàn

78.000.000

1.3

Bông thấm nước

100.200.000

1.4

Cồn sát khuẩn

42.660.000

2

Hội nghị tập huấn triển khai

47.400.000

2.1

Hội nghị tập huấn triển khai cho tuyến huyện và các điểm tiêm chủng tại tỉnh

8.320.000

2.2

Hội nghị tập huấn triển khai cho tuyến xã

39.080.000

3

Các hoạt động truyền thông tại địa phương

145.500.000

3.1

Tuyến tỉnh

54.000.000

3.2

Các điểm tiêm chủng

91.500.000

4

In ấn biểu mẫu

469.221.600

5

Hỗ trợ công tiêm

1.031.252.000

6

Kiểm tra, giám sát điểm tiêm chủng

106.875.000

6.1

Tuyến tỉnh

70.575.000

6.2

Tuyến huyện

36.300.000

Tổng cộng: (1) (2) (3) (4) (5) (6)

3.121.496.000

Bằng chữ: Ba tỷ một trăm hai mươi mốt triệu bốn trăm chín mươi sáu nghìn đồng chẵn.

Ghi chú: Tổng kinh phí thực hiện tạm tính. Sở Y tế chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh bố trí kinh phí, nguồn kinh phí để triển khai Kế hoạch, thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1239/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 1239/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/04/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Lâm Hải Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản