Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2014/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 02 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ BỐ TRÍ, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ CÁC VÙNG: THIÊN TAI, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, DI CƯ TỰ DO, KHU RỪNG ĐẶC DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1422/TTr-SNN ngày 26 tháng 6 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Bến Tre như sau:

1. Phạm vi áp dụng:

Quy định này áp dụng cho việc thực hiện bố trí, ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc xoáy, lũ quét, lũ ống, ngập lũ, xâm nhập mặn, sóng thần, nước biển dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, các làng chài trên sông nước) và khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 (theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ).

2. Đối tượng được hỗ trợ:

Hộ gia đình được bố trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (thực hiện theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21 tháng 11 năm 2012) bao gồm:

- Hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc xoáy; hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, ngập lũ, lốc xoáy, sóng thần, xâm nhập mặn, nước biển dâng; hộ gia đình sống ở vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng; các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường.

- Hộ gia đình sinh sống ở khu rừng đặc dụng cần phải bố trí, ổn định lâu dài.

- Cộng đồng dân cư tiếp nhận hộ tái định cư tập trung và xen ghép.

3. Thời gian xét hỗ trợ:

Chính sách hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư tại Điều 1 Quyết định này áp dụng cho các đối tượng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

4. Chính sách hỗ trợ:

Hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình các chi phí về di chuyển người, hành lý, khai hoang (nếu có), công cụ sản xuất, giống cây trồng vật nuôi, lương thực, nước sinh hoạt và cất nhà ở. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

a) Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn nếu di chuyển nội vùng dự án mức hỗ trợ 20.000.000 đồng/hộ; di chuyển trong tỉnh mức hỗ trợ 23.000.000 đồng/hộ; di chuyển ngoài tỉnh mức hỗ trợ 25.000.000 đồng/hộ. Trường hợp hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do thiên tai được hỗ trợ thêm 12 tháng lương thực theo mức tương đương 30kg gạo/người/tháng.

b) Mức hỗ trợ cho hộ dân ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển, phải bố trí ổn định tại chỗ là 10.000.000 đồng/hộ (mười triệu đồng) để nâng cấp nhà ở, mua xuồng và vật dụng phòng chống thiên tai khác.

Điều 2. Quy trình xét hỗ trợ

Thực hiện theo quy trình đã ban hành tại Thông tư số 14/2010/TT-BNNPTNT ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định quy trình bố trí, ổn định dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Nguồn kinh phí sử dụng

Kinh phí hỗ trợ di dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng được sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp di dân được ngân sách Nhà nước bố trí hằng năm (theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Hằng năm lập kế hoạch bảo vệ với Trung ương để bố trí nguồn vốn cho chương trình di dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng của tỉnh.

- Theo dõi tiến độ thực hiện công tác di dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng để kịp thời đề nghị bổ sung nguồn vốn hoặc điều chỉnh nếu có nhu cầu.

- Chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

+ Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện (Phòng Kinh tế thành phố) thẩm tra kết quả họp xét của Hội đồng xét duyệt cấp xã và tham gia Hội đồng xét duyệt cấp huyện.

+ Phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện (thành phố) giải quyết khiếu nại của hộ dân đúng quy định.

+ Tiếp nhận nguồn vốn sự nghiệp di dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng của tỉnh và tiến hành cấp phát kinh phí cho hộ dân trực tiếp và kịp thời.

+ Phối hợp và chịu trách nhiệm cấp phát kinh phí hỗ trợ di dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng, thanh quyết toán theo đúng quy định.

+ Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện (thành phố) và xã (thị trấn) đang làm công tác quy hoạch bố trí dân cư.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí lồng ghép chính sách thuộc các chương trình, dự án khác trên địa bàn với dự án thuộc chương trình sắp xếp, bố trí dân cư.

3. Sở Tài chính:

- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp di dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp phát kinh phí cho hộ dân đúng tiến độ.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định quyết toán vốn sự nghiệp di dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng theo quy định.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chủ trì cuộc họp hội đồng xét duyệt cấp huyện, thành phố; phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn giải quyết đơn khiếu nại của hộ dân sau khi Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) đã giải quyết nhưng hộ dân chưa thống nhất.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Phòng Kinh tế thành phố) và Uỷ ban nhân dân các xã (phường, thị trấn) thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

+ Tham gia đầy đủ các công việc theo quy trình xét hỗ trợ di dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng.

+ Thống kê đầy đủ số hộ dân được hỗ trợ di dân các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng và họp hội đồng xét duyệt công bằng, chính xác, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu nại của người dân.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 17/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Quy định về trình tự, thủ tục xét cấp kinh phí hỗ trợ di dân vùng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 16/2014/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư các vùng Thiên tai, đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 16/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Võ Thành Hạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản