Hệ thống pháp luật

Điều 7 Thông tư 64/2020/TT-BCA quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường thủy nội địa của lực lượng Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Điều 7. Giải quyết ban đầu vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm phát hiện hoặc được phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông

Cán bộ Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm phát hiện hoặc cán bộ Cảnh sát giao thông được lãnh đạo có thẩm quyền phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông thực hiện những nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức cứu nạn, cứu hộ:

a) Quan sát hiện trường phát hiện những mối nguy hiểm như cháy, nổ, chất độc hại, nguy cơ chìm, đắm phương tiện, đe dọa đến tính mạng của người, tài sản còn trên phương tiện hoặc gây ô nhiễm môi trường để báo cáo lãnh đạo đơn vị chỉ đạo phối hợp với các lực lượng khác trong Công an nhân dân theo Điều 14 Thông tư số: 62/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Công an nhân dân để tổ chức cứu nạn, cứu hộ, hạn chế thiệt hại;

b) Vớt và cấp cứu người bị nạn; kiểm tra số người bị chết, người mất tích, người bị thương, thông báo kịp thời cho cơ sở y tế nơi gần nhất để tổ chức cấp cứu người bị nạn; trường hợp người bị nạn đã chết thì đưa vào vị trí thích hợp, che đậy lại; có thể huy động phương tiện, người dân có kinh nghiệm trong việc vớt, cấp cứu người bị nạn. Việc huy động người, phương tiện thực hiện theo khoản 6 Điều này;

c) Cứu vớt phương tiện, tài sản, hạn chế thiệt hại xảy ra;

d) Tìm kiếm người mất tích (nếu có);

đ) Trường hợp đến hiện trường mà người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông bị thương đã được đưa đi cấp cứu hoặc rời khỏi hiện trường, phải cử cán bộ xác minh nhân thân của nạn nhân, thông qua bác sỹ, nhân viên cơ sở y tế nơi nạn nhân cấp cứu để ghi nhận tình trạng tổn thương cơ thể của nạn nhân;

e) Trường hợp người bị nạn từ chối đi cấp cứu thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải lập biên bản ghi nhận việc này, có sự xác nhận của nhân viên y tế (nếu có), người làm chứng;

g) Trường hợp người bị nạn đã chết phải giữ nguyên vị trí và che đậy lại, không di chuyển các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại hiện trường;

h) Trường hợp các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông bị hư hỏng, không còn hoạt động được phải thông báo cho các đơn vị có chức năng cứu hộ bố trí phương tiện cẩu, kéo chuyên dụng, phù hợp đến hiện trường để cứu hộ phương tiện vào nơi thích hợp theo yêu cầu của cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

2. Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông:

a) Thả phao tiêu khoanh vùng hiện trường vụ tai nạn giao thông;

b) Bảo vệ người, phương tiện, tài sản, hàng hóa liên quan đến vụ tai nạn giao thông;

c) Giữ nguyên vị trí, trạng thái phương tiện, dấu vết, tang vật ở điều kiện cho phép, chú ý phát hiện và ghi nhận những thay đổi đã xảy ra. Trường hợp trục vớt được phương tiện thì tổ chức đưa vào vị trí an toàn và bố trí lực lượng tiến hành bảo vệ phương tiện; nếu không trục vớt được phương tiện thì tiến hành thả phao tiêu cảnh báo nguy hiểm và phối hợp với các lực lượng khác tổ chức bảo vệ hiện trường;

d) Sử dụng đèn cảnh báo, đèn báo hiệu, phao tiêu báo hiệu nguy hiểm để bảo vệ hiện trường, bảo vệ an toàn cho cán bộ khám nghiệm hiện trường;

đ) Bố trí cán bộ và vị trí phương tiện neo đậu hai đầu (thượng lưu và hạ lưu) cách khoảng 500 mét khu vực hiện trường được khoanh vùng bảo vệ để điều tiết giao thông, cảnh báo người điều khiển phương tiện đi qua khu vực hiện trường giảm tốc độ, chú ý quan sát không gây nguy hiểm cho lực lượng khám nghiệm hiện trường; trường hợp sử dụng phương tiện của Cảnh sát giao thông thì sử dụng cờ hiệu, bật hệ thống còi, đèn ưu tiên để cảnh báo cho các phương tiện khác biết.

3. Tổ chức điều tiết giao thông không để xảy ra ùn tắc:

a) Trường hợp vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông thì phải phân luồng, điều tiết giao thông đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý đường thủy nội địa biết để phối hợp bảo đảm an toàn giao thông;

b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đã gây ùn tắc giao thông phải báo cáo lãnh đạo đơn vị để có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng điều tiết giao thông, giải quyết ùn tắc từ xa.

4. Trường hợp người gây tai nạn giao thông điều khiển phương tiện bỏ chạy ngoài việc phải thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, đồng thời tìm hiểu thông tin chi tiết về đặc điểm, loại phương tiện, màu sơn, biển số của phương tiện, đặc biệt là vị trí của phương tiện, những thiệt hại về phương tiện và hướng phương tiện bỏ chạy. Đối chiếu, xác định những dấu vết hình thành trong quá trình va chạm. Căn cứ đặc điểm phương tiện bỏ chạy, các dấu vết để lại trên phương tiện để tổ chức truy tìm người, phương tiện gây tai nạn giao thông, thông báo cho các đơn vị trên tuyến phối hợp truy bắt.

5. Thu thập thông tin ban đầu:

a) Quan sát để phát hiện, thu thập các dấu vết dễ bị thay đổi hoặc mất; những thay đổi do quá trình cấp cứu, trục vớt phương tiện; những ảnh hưởng dòng chảy, thời tiết thủy văn;

b) Tìm thuyền viên, người lái phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; người làm chứng, người biết việc để thu thập thông tin về vụ tai nạn giao thông (nếu có thì ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân); kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, hàng hóa chở trên phương tiện (nếu có) liên quan đến vụ tai nạn giao thông;

c) Sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp cho lực lượng Cảnh sát giao thông để kiểm tra ngay nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng đối với người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại hiện trường; hoặc yêu cầu cơ sở y tế kiểm tra nồng độ cồn hoặc chất kích thích mạnh trong máu của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đang được cấp cứu;

d) Xem xét, thu thập dữ liệu điện tử như: Thiết bị GPS ghi hành trình của phương tiện, thiết bị nhận dạng tàu (AIS), hình ảnh từ camera của cơ quan, tổ chức, cá nhân xung quanh, đi qua khu vực hiện trường trong khoảng thời gian xảy ra tai nạn (nếu có).

6. Huy động, trưng dụng phương tiện:

a) Trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn giao thông bỏ chạy; cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy hoặc nhiệm vụ khẩn cấp khác thì thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu;

b) Việc trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Công an nhân dân quy định.

7. Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều này:

a) Nếu phát hiện vụ tai nạn giao thông có một trong các dấu hiệu về hậu quả: Có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết, bị mất tích; có người bị thương dập, nát, đứt rời chân, tay, bị mù cả hai mắt, vỡ nền sọ; có từ 03 người bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ xác định thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì thực hiện như sau:

Đối với cán bộ Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện, báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết;

Đối với cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh, báo cáo Trưởng phòng để chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền giải quyết;

b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông không thuộc một trong các dấu hiệu quy định tại điểm a khoản này thì phân công cán bộ Cảnh sát giao thông tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết theo quy định của Thông tư này.

8. Trong 07 ngày kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn giao thông, cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công điều tra, xác minh phải thường xuyên kiểm tra thông tin về tình trạng tổn thương cơ thể, đánh giá sơ bộ thiệt hại về tài sản, báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị chỉ đạo phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông để bảo đảm việc giải quyết theo đúng quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Thông tư 64/2020/TT-BCA quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường thủy nội địa của lực lượng Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 64/2020/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/06/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 879 đến số 880
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH