Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 3 Thông tư 58/2015/TT-BTNMT quy định thẩm định, kiểm tra và nghiệm thu dự án ứng dụng công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Mục 1. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

Điều 11. Phạm vi, yêu cầu kiểm tra, nghiệm thu

1. Phạm vi

Công tác kiểm tra, nghiệm thu dự án ứng dụng công nghệ thông tin được tiến hành trong suốt giai đoạn thực hiện dự án và dựa trên kết quả đạt được.

2. Yêu cầu

a) Bảo đảm việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy định kinh tế - kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan;

b) Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ của từng hạng mục, nội dung trong dự án theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt; bảo đảm dự án đạt được đúng mục tiêu và hiệu quả đặt ra;

c) Phát hiện những lỗi kỹ thuật, sai sót từng giai đoạn trong quy trình thi công thực hiện dự án đảm bảo chất lượng chung của toàn bộ dự án;

d) Kiểm soát tiến độ thi công, xác nhận chất lượng, khối lượng của từng công đoạn, hạng mục hoặc toàn bộ dự án.

Điều 12. Cơ sở pháp lý để kiểm tra, nghiệm thu

1. Tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản quy phạm khác có liên quan do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành đang còn hiệu lực tại thời điểm kiểm tra, nghiệm thu.

2. Quyết định phê duyệt dự án; Quyết định phê duyệt thiết kế thi công - tổng dự toán của cơ quan có thẩm quyền.

3. Các giải pháp, giải quyết kỹ thuật phát sinh của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 13. Nguyên tắc, cấp độ kiểm tra, nghiệm thu

1. Việc kiểm tra, nghiệm thu chất lượng, khối lượng phải được tiến hành thường xuyên trong suốt quá trình thi công theo các bước của quy trình công nghệ đã được phê duyệt nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời các sai sót bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án.

2. Các đơn vị thi công phải tự kiểm tra, nghiệm thu chất lượng, khối lượng của tất cả các hạng mục, nội dung dự án làm cơ sở để kiểm tra, nghiệm thu cấp chủ đầu tư.

3. Chủ đầu tư tiến hành kiểm tra tiến độ; kiểm tra chất lượng, nghiệm thu khối lượng từng công đoạn, từng hạng mục, toàn bộ dự án.

4. Chủ quản đầu tư thẩm định hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu nhằm phê duyệt hồ sơ quyết toán dự án.

Điều 14. Trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu

1. Trách nhiệm của Chủ quản đầu tư

a) Tổ chức thẩm định hoặc ủy quyền cho cơ quan có chức năng thực hiện thẩm định về chất lượng, khối lượng sản phẩm của dự án;

b) Tổ chức thẩm định hoặc ủy quyền cho cơ quan có chức năng thực hiện thẩm định, thẩm tra hồ sơ nghiệm thu dự án hoàn thành;

c) Quyết định giải quyết những vướng mắc phát sinh về kỹ thuật, công nghệ chưa có quy định và các thay đổi, điều chỉnh thuộc thẩm quyền;

d) Căn cứ kết quả kiểm tra chất lượng và nghiệm thu khối lượng, phê duyệt quyết toán dự án.

2. Trách nhiệm của Chủ đầu tư

a) Chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng, khối lượng hạng mục, sản phẩm của dự án. Căn cứ điều kiện năng lực tham gia hoạt động kiểm tra, nghiệm thu, Chủ đầu tư có thể thành lập hội đồng tư vấn, tổ kỹ thuật hoặc chỉ định đơn vị trực thuộc, thuê pháp nhân (sau đây gọi là đơn vị kiểm tra) để thực hiện kiểm tra, nghiệm thu và thông báo bằng văn bản cho đơn vị thi công biết;

b) Quyết định giải quyết những thay đổi, vướng mắc về mức độ khó khăn, điều kiện thi công, thiết kế kỹ thuật, khối lượng thi công so với phê duyệt;

c) Đình chỉ, thay đổi đơn vị thi công một phần hoặc toàn bộ dự án khi thi công không đúng nội dung, khối lượng, chất lượng sản phẩm, không đảm bảo tiến độ thi công đã phê duyệt của dự án hoặc vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật;

d) Trình duyệt Chủ quản đầu tư phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

3. Trách nhiệm của Đơn vị thi công

a) Sử dụng nhân lực chuyên môn, kỹ thuật của đơn vị hoặc thuê tư vấn (tổ chức, cá nhân) có đủ năng lực để thực hiện việc kiểm tra, nghiệm thu tất cả các hạng mục, nội dung bảo đảm tiến độ, chất lượng và khối lượng của dự án;

b) Trường hợp có sự thay đổi về khối lượng công việc, mức độ khó khăn, điều kiện thi công và các vấn đề phát sinh kỹ thuật so với thiết kế kỹ thuật - dự toán ảnh hưởng đến tiến độ thi công, cần phải dừng xin ý kiến Chủ đầu tư bằng văn bản và chỉ được thực hiện sau khi có trả lời bằng văn bản của Chủ đầu tư.

4. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị kiểm tra, nghiệm thu

a) Chịu sự giám sát, điều hành của Chủ đầu tư;

b) Phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục; chịu trách nhiệm việc kiểm tra tiến độ thi công, chất lượng và nghiệm thu khối lượng của hạng mục, sản phẩm, dự án;

c) Tổng hợp, lập hồ sơ nghiệm thu cấp chủ đầu tư;

d) Được thanh toán chi phí theo Định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm tra, nghiệm thu dự án công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường.

Điều 15. Điều kiện năng lực tham gia hoạt động kiểm tra, nghiệm thu

1. Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin

Tổ chức theo quy định tại Điều 69 và cá nhân theo Điều 71 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP.

2. Đối với dự án phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường

Điều kiện bao gồm năng lực về công nghệ thông tin và chuyên môn tài nguyên và môi trường:

a) Điều kiện năng lực về công nghệ thông tin: Tổ chức theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP; cá nhân tham gia vào hoạt động kiểm tra, nghiệm thu theo quy định tại Điều 71 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;

b) Điều kiện năng lực của tổ chức về chuyên môn chuyên ngành tài nguyên và môi trường: tối thiểu có 02 cá nhân có trình độ đại học chuyên ngành liên quan trở lên với kinh nghiệm làm việc tối thiểu 03 năm trở lên.

Thông tư 58/2015/TT-BTNMT quy định thẩm định, kiểm tra và nghiệm thu dự án ứng dụng công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 58/2015/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/12/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 87 đến số 88
  • Ngày hiệu lực: 23/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH