Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 53/2012/TT-BGDĐT quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng thông tin điện tử tại sở, phòng giáo dục và đào tạo và cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Văn bản này quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử (e-mail) và cổng thông tin điện tử tại các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để đảm bảo công tác thông tin, liên lạc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phục vụ công tác quản lý, điều hành, công khai thông tin của cơ quan quản lý giáo dục cấp sở, phòng và các cơ sở giáo dục trực thuộc.

2. Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm:

Thông tư này áp dụng đối với các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo (sau đây gọi chung là cơ quan quản lý giáo dục), cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục), các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trang thông tin điện tử (website) là nơi cung cấp, trao đổi thông tin công khai trên mạng Internet. Trang thông tin điện tử có thể bao gồm nhiều trang thông tin (trang web), trong đó có Trang đầu hay Trang nhất (Home page) là trang hiển thị ra đầu tiên khi mở Trang thông tin điện tử. Thông tin trên các trang web được truyền tải bằng kỹ thuật đa phương tiện (multimedia) qua mạng Internet: văn bản, âm thanh, tiếng nói, đồ hoạ, biểu đồ, hình ảnh, video và truyền hình trực tiếp. Có thể truy cập đến thông tin của các trang web khác nhờ các siêu liên kết (Hyperlinks).

2. Cổng thông tin điện tử (Portal) là Trang thông tin điện tử tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và ứng dụng theo một phương thức thống nhất, thông qua một điểm truy cập duy nhất đối với người sử dụng.

Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục sau đây được gọi chung là Cổng thông tin điện tử. Cổng thông tin điện tử có thể có nhiều trang thành viên, trang chuyên đề.

3. Họp qua web (Web conference) là hình thức tổ chức phòng họp trực tuyến và lớp học trực tuyến qua web, trong đó các bên tham gia có thể trao đổi thông tin qua hình ảnh video, âm thanh, tiếng nói, bài trình chiếu, chia sẻ hình ảnh màn hình, chia sẻ tệp dữ liệu, gõ văn bản trao đổi tức thời (chat), bỏ phiếu thăm dò cùng một số tiện ích khác.

4. Thuyết trình qua web (Webinar) là hình thức phát quảng bá thông tin một chiều tới nhiều người tham dự qua việc truy cập một trang web nhất định; thông tin bao gồm các sự kiện như bài giảng, bài báo cáo, bài thuyết trình, có thể kèm hình và tiếng của báo cáo viên.

5. Tên miền (Domain name) là tên định danh cho một địa chỉ tài nguyên trên Internet. Tên miền của ngành giáo dục Việt Nam có phần đuôi là edu.vn

6. Thư điện tử (e-mail) là phương tiện liên lạc, trao đổi thông tin thông qua các hộp thư điện tử trên Internet của các tổ chức và cá nhân. Mỗi hộp thư có tên gồm @.

7. Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Dịch vụ công trực tuyến được đánh giá theo các mức độ:

a) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.

b) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 nhưng cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

c) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 nhưng cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

d) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nhưng cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

8. Văn bản hành chính bao gồm: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản cam kết, bản thoả thuận, giấy chứng nhận, giấy uỷ quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, giấy đi đường, giấy biên nhận hồ sơ, phiếu gửi, phiếu chuyển, thư công.

Điều 3. Tên miền Internet của cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục

1. Tên miền của cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục là tên đăng ký sở hữu của cơ sở đó trên mạng Internet. Tên miền của các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục tại Việt Nam phải là tên miền cấp hai, có dạng edu.vn (sau đây gọi tắt là Tên miền riêng). Tên miền được dùng để tạo lập thư điện tử và trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử.

2. Tên miền riêng của các cơ quan quản lý giáo dục có dạng tên-tỉnh.edu.vn và tên-huyện.edu.vn hoặc tênhuyện-têntỉnh.edu.vn khi có sự trùng tên huyện giữa nhiều tỉnh, thành phố.

3. Cơ sở giáo dục có thể có tên miền riêng hoặc không có do có thể khai thác dùng chung dịch vụ tên miền của sở giáo dục và đào tạo hoặc của phòng giáo dục và đào tạo.

4. Tên miền của cơ sở giáo dục có thể dùng thêm ký hiệu:

a) Các trường học:

- C0: chỉ trường mầm non,

- C1: chỉ trường tiểu học,

- C2: chỉ trường trung học cơ sở,

- C3: chỉ trường trung học phổ thông.

Các trường phổ thông có nhiều cấp học:

- C12: chỉ trường phổ thông có cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở,

- C23: chỉ trường phổ thông có cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông,

- C123: chỉ trường phổ thông có cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

b) Các trung tâm giáo dục:

- TX: chỉ Trung tâm Giáo dục thường xuyên,

- TH: chỉ Trung tâm Tin học,

- TN: chỉ Trung tâm Ngoại Ngữ,

- TNT: chỉ Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học,

- TC: chỉ Trung tâm Giáo dục cộng đồng,

- TK: chỉ Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.

Tên miền của trường, trung tâm có thể có thêm thành phần tên huyện, tên tỉnh/thành phố.

5. Tên miền là tài sản vô hình có giá trị pháp lý. Các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục có trách nhiệm mua tên miền của mình qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Thông tư 53/2012/TT-BGDĐT quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng thông tin điện tử tại sở, phòng giáo dục và đào tạo và cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 53/2012/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Quang Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 13 đến số 14
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH