Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 22/2009/TT-BTNMT về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ đá sét do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương 2.

PHÂN CẤP TRỮ LƯỢNG VÀ TÀI NGUYÊN CÁC MỎ ĐÁ SÉT

Điều 4. Phân nhóm trữ lượng và tài nguyên các mỏ đá sét

1. Tài nguyên các mỏ đá sét được phân thành hai nhóm:

a) Nhóm tài nguyên xác định;

b) Nhóm tài nguyên dự báo.

2. Nhóm tài nguyên xác định được phân thành hai loại: trữ lượng và tài nguyên.

Điều 5. Phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ đá sét

1. Cơ sở phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ đá sét

a) Mức độ nghiên cứu địa chất, bao gồm: chắc chắn, tin cậy, dự tính và dự báo;

b) Mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ, bao gồm: dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ (nghiên cứu khả thi), báo cáo đầu tư xây dựng công trình mỏ (nghiên cứu tiền khả thi) và nghiên cứu khái quát;

c) Mức độ hiệu quả kinh tế, bao gồm: có hiệu quả kinh tế, có tiềm năng hiệu quả kinh tế và chưa rõ hiệu quả kinh tế.

2. Phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ đá sét

a) Trữ lượng các mỏ đá sét được phân thành ba cấp: 111, 121 và 122;

b) Tài nguyên xác định các mỏ đá sét được phân thành sáu cấp: 211, 221, 222, 331, 332 và 333;

c) Tài nguyên dự báo các mỏ đá sét được phân thành một cấp: 334.

3. Cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ đá sét được mã hóa như sau:

a) Chữ số đầu thể hiện mức độ hiệu quả kinh tế: số 1 – có hiệu quả kinh tế; số 2 – có tiềm năng hiệu quả kinh tế; số 3 – chưa rõ hiệu quả kinh tế;

b) Chữ số thứ hai thể hiện mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ: số 1 – có dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ; số 2 – có báo cáo đầu tư xây dựng công trình mỏ; số 3 – nghiên cứu khái quát;

c) Chữ số thứ ba thể hiện mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất: số 1 – chắc chắn; số 2 – tin cậy; số 3 – dự tính; số 4 – dự báo.

Điều 6. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối cấp trữ lượng 111

1. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất

a) Phải xác định được chính xác hình thái, kích thước, thế nằm, uốn nếp, quy luật biến đổi hình dạng và cấu tạo bên trong của thân đá sét và sự có mặt của các đứt gãy lớn;

b) Phải phân chia chính xác thân đá sét thành các tập, các lớp với những đặc điểm riêng biệt và làm sáng tỏ được số lượng, diện phân bố, kích thước của lớp, khoảnh đá không quặng hoặc không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng; vị trí không gian của từng loại đá sét đã được xác định một cách chính xác.

c) Chất lượng đá sét phải được khẳng định một cách chắc chắc và phải thỏa mãn chỉ tiêu tính trữ lượng đã quy định cho từng khối tính; tính chất công nghệ của đá sét trong toàn mỏ được nghiên cứu tới mức cho phép xác định được lĩnh vực sử dụng từng loại đá sét. Các tài liệu thử nghiệm mẫu công nghệ phải đáp ứng yêu cầu lựa chọn quy trình công nghệ chế biến nguyên liệu;

d) Điều kiện địa chất thủy văn của mỏ phải được nghiên cứu tỉ mỉ tới mức tính được chính xác lượng nước chảy vào công trình khai thác; đã nghiên cứu đầy đủ các điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ như chiều dày, thể tích, tính chất cơ lý của đã sét, đá bóc; làm rõ được các hiện tượng địa chất công trình động lực;

đ) Mức độ tin cậy của trữ lượng bảo đảm tối thiểu 80%.

2. Yêu cầu về khoanh nối ranh giới tính trữ lượng.

Ranh giới trữ lượng cấp 111 được khoanh nối trong phạm vi các công trình thăm dò cắt qua thân đá sét với điều kiện là khoảng cách giữa các công trình bảo đảm chỉ có một phương án duy nhất khoanh nối thân khoáng và các lớp đá kẹp và có mật độ công trình thích hợp theo quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này.

3. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ

a) Đã lập dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ;

b) Đã chọn được các giải pháp kỹ thuật, công nghệ khai thác và chế biến nguyên liệu đá sét hợp lý;

c) Diện tích cấp trữ lượng không nằm trong khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; hoạt động khai thác và chế biến đá sét trong ranh giới cấp trữ lượng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hoặc có ảnh hưởng nhưng đã lựa chọn được giải pháp khắc phục và giảm tối thiểu tối đa ảnh hưởng của khai thác, chế biến đá sét đến môi trường;

d) Đã lựa chọn được phương án hoàn thổ hoặc cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác mỏ.

4. Yêu cầu về mức độ hiệu quả kinh tế

Kết quả nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ đã chứng minh việc khai thác và chế biến đá sét ở mỏ là có hiệu quả kinh tế vào thời điểm lập dự án đầu tư.

Điều 7. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối cấp trữ lượng 121

1. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 6 của Thông tư này.

2. Yêu cầu về khoanh nối ranh giới tính trữ lượng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.

3. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ

a) Đã lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình mỏ hoặc đã có chỉ tiêu tạm thời tính trữ lượng được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản công nhận;

b) Đã sơ bộ lựa chọn được các giải pháp kỹ thuật, công nghệ khai thác và chế biến nguyên liệu đá sét phù hợp;

c) Diện tích cấp trữ lượng không nằm trong khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; hoạt động khai thác và chế biến đá sét trong ranh giới cấp trữ lượng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hoặc có ảnh hưởng nhưng đã sơ bộ lựa chọn được giải pháp khắc phục và giảm thiểu ảnh hưởng của khai thác, chế biến đá sét đến môi trường;

d) Đã sơ bộ lựa chọn được phương án hoàn thổ hoặc cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác mỏ.

4. Yêu cầu về mức độ hiệu quả kinh tế

Báo cáo đầu tư xây dựng công trình mỏ đã chứng minh hoặc qua so sánh với các mỏ đang khai thác có điều kiện địa chất tương tự chứng minh việc khai thác và chế biến đá sét ở mỏ là có hiệu quả kinh tế vào thời điểm lập báo cáo đầu tư.

Điều 8. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối cấp trữ lượng 122

1. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất

a) Phải xác định cơ bản điều kiện thế nằm, hình dạng của thân đá sét, cũng như sự có mặt của các đứt gãy lớn;

b) Phải phát hiện đầy đủ các dạng thạch học chính của đá sét, nhưng chưa yêu cầu khoanh định chi tiết sự phân bố của chúng trong không gian;

c) Phải xác định được chiều dày trung bình của thân đá sét, số lượng các lớp đá kẹp không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng bên trong thân đá sét kể cả trong trường hợp chưa thể liên hệ khoanh nối chúng một cách chính xác trong không gian.

d) Chất lượng đá sét đã được khẳng định một cách tin cậy và thỏa mãn chỉ tiêu tính trữ lượng cho từng khối; đã phân chia được các loại đá sét nhưng chưa khoanh định được chính xác diện phân bố của chúng; các tính chất công nghệ của đá sét được nghiên cứu đến mức cho phép xác định được lĩnh vực sử dụng của từng loại đá sét; các tài liệu thử nghiệm công nghệ phải thu được các số liệu cần thiết cho việc lựa chọn quy trình công nghệ chế biến đá sét;

đ) Đặc điểm địa chất thủy văn, địa chất công trình và điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ phải được nghiên cứu tới mức cho phép xác định được số lượng các tầng chứa nước và mức độ giàu nước của chúng, dự kiến được lượng nước có khả năng chảy vào công trình khai thác, xác định được thể tích đá bóc mặc dù chưa xác định chi tiết sự phân bố của chúng trên diện tích mỏ;

e) Mức độ tin cậy của trữ lượng bảo đảm tối thiểu 50%.

2. Yêu cầu về khoanh nối ranh giới tính trữ lượng

Ranh giới tính trữ lượng được khoanh định trong phạm vi các công trình khoan, khai đào thăm dò và kết quả lấy mẫu chi tiết tại các công trình đó. Đối với các mỏ có cấu trúc địa chất không phức tạp, chiều dày và chất lượng tương đối ổn định được phép ngoại suy theo tài liệu địa chất, địa vật lý từ công trình gặp quặng hoặc từ ranh giới trữ lượng cấp cao hơn. Khoảng cách ngoại suy không được vượt quá một phần hai khoảng cách giữa các công trình thăm dò đã xác định cho cấp trữ lượng này.

3. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ và yêu cầu về mức độ hiệu quả kinh tế thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 7 của Thông tư này.

Điều 9. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối cấp tài nguyên 211, 221 và 331

1. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất và khoanh nối cấp tài nguyên

Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất và khoanh nối ranh giới tính tài nguyên đối với các cấp 211, 221 và 331 thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.

2. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ và mức độ hiệu quả kinh tế:

a) Cấp tài nguyên 211

Đã lập dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ chứng minh trong điều kiện công nghệ, kinh tế - xã hội, môi trường và các điều kiện khác tại thời điểm lập dự án đầu tư, việc khai thác và chế biến đá sét từ nguồn tài nguyên này chưa có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên trong tương lai có thể khai thác và chế biến có hiệu quả kinh tế do tiến độ về khoa học, sự thay đổi các điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường và pháp luật.

b) Cấp tài nguyên 221

Đã lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình mỏ sơ bộ chứng minh trong điều kiện công nghệ, kinh tế - xã hội, môi trường và các điều kiện khác tại thời điểm lập báo cáo đầu tư, việc khai thác và chế biến đá sét từ nguồn tài nguyên này chưa có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trong tương lai có thể khai thác và chế biến có hiệu quả kinh tế do tiến bộ về khoa học, sự thay đổi các điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường và pháp luật.

c) Cấp tài nguyên 331

Chưa tiến hành nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ, chưa xác định được việc khai thác và chế biến đá sét từ nguồn tài nguyên này có hiệu quả kinh tế hay có tiềm năng hiệu quả kinh tế nhưng kết quả nghiên cứu địa chất đã khẳng định sự tồn tại chắc chắn nguồn tài nguyên này.

Điều 10. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối cấp tài nguyên 222 và 332

1. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất và khoanh nối cấp tài nguyên

Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất và khoanh nối ranh giới tính tài nguyên đối với các cấp 222 và 332 thực hiện theo quy định tại khoản 1 va 2 khoản 2 Điều 8 của Thông tư này.

2. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ và mức độ hiệu quả kinh tế.

a) Cấp tài nguyên 222

Yêu cầu về mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ và mức độ hiệu quả kinh tế thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

b) Cấp tài nguyên 332

Chưa tiến hành nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ, chưa xác định được việc khai thác và chế biến đá sét từ nguồn tài nguyên này có hiệu quả kinh tế hay có tiềm năng hiệu quả kinh tế nhưng kết quả nghiên cứu địa chất đã khẳng định sự tin cậy của nguồn tài nguyên này.

Điều 11. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối cấp tài nguyên 333

1. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất và khoanh nối cấp tài nguyên

a) Phải xác định được những nét cơ bản về hình dạng, thế nằm, sự phân bố các thân đá sét;

b) Phải xác định sơ bộ chiều dày, cấu tạo và mức độ ổn định của thân đá sét;

c) Chất lượng đá sét phải được xác định sơ bộ theo kết quả lấy mẫu ở các vết lộ tự nhiên, công trình dọn sạch, hào, giếng, khoan hoặc ngoại suy theo tài liệu của khoảnh kề cận có mức độ nghiên cứu địa chất chi tiết hơn;

d) Các yếu tố tự nhiên quyết định điều kiện khai thác mỏ chưa bắt buộc nghiên cứu chi tiết, chủ yếu được tìm hiểu sơ bộ và lấy tương tự các vùng kề cận đã được nghiên cứu chi tiết hơn.

2. Yêu cầu về khoanh nối ranh giới tính tài nguyên

Ranh giới tài nguyên 333 được khoanh nối trong phạm vi tập, lớp đá sét, theo công trình thăm dò đạt chỉ tiêu tính tài nguyên và được phép ngoại suy theo ranh giới các cấu trúc và các thành hệ đá thuận lợi về mặt địa chất cho việc thành tạo đá sét, theo tài liệu địa vật lý kết hợp với một số các công trình khoan, khai đào hoặc từ ranh giới khối trữ lượng, tài nguyên cấp cao hơn.

3. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ và mức độ hiệu quả kinh tế

Chưa tiến hành nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ, chưa xác định được việc khai thác và chế biến đá sét từ nguồn tài nguyên này có hiệu quả kinh tế hay có tiềm năng hiệu quả kinh tế.

Điều 12. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối cấp tài nguyên 334

Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất và khoanh nối cấp tài nguyên

a) Phải xác lập được các dấu hiệu có đá sét vá các tiền đề địa chất thuận lợi cho việc thành tạo đá sét;

b) Vị trí, chiều dày, chất lượng đá sét phải được xác định theo kết quả lấy mẫu rời rạc tại các vết lộ, hoặc suy đoán từ những mỏ, điểm lộ có điều kiện địa chất tương tự đã được nghiên cứu chi tiết hơn.

2. Yêu cầu về khoanh nối ranh giới tính tài nguyên

Cấp tài nguyên 334 được suy đoán chủ yếu trên cơ sở tài liệu điều tra cơ bản địa chất khu vực về tài nguyên khoáng sản tỷ lệ 1 : 25 000 – 1 : 200 000, các tiền đề và dấu hiệu địa chất thuận lợi cho việc thành tạo đá sét hoặc suy đoán từ những mỏ đã được nghiên cứu chi tiết có điều kiện địa chất tương tự.

3. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ và mức độ hiệu quả kinh tế

Đối với cấp tài nguyên này không đòi hỏi phải có các số liệu về nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ vá đánh giá mức độ hiệu quả kinh tế.

Thông tư 22/2009/TT-BTNMT về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ đá sét do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 22/2009/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/11/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phạm Khôi Nguyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 541 đến số 542
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH