Hệ thống pháp luật

Điều 20 Thông tư 205/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP quy định về xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

Điều 20. Trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trong một số trường hợp đặc biệt

1) Đối với hàng hoá có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế thì trị giá tính thuế được xác định như sau:

1.1) Hàng hoá đã sử dụng tại Việt Nam: Trị giá tính thuế nhập khẩu được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của hàng hoá, tính theo thời gian sử dụng tại Việt Nam (tính từ thời điểm nhập khẩu theo tờ khai hải quan đến thời điểm tính thuế) và được xác định cụ thể như sau:

Thời gian sử dụng tại Việt Nam

Trị giá tính thuế nhập khẩu = (%) trị giá khai báo tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan

Từ 6 tháng trở xuống (được tính tròn là 183 ngày)

90%

Từ trên 6 tháng đến 1 năm (được tính tròn là 365 ngày)

80%

Từ trên 1 năm đến 2 năm

70%

Từ trên 2 năm đến 3 năm

60%

Từ trên 3 năm đến 5 năm

50%

Từ trên 5 năm đến 7 năm

40%

Từ trên 7 năm đến 9 năm

30%

Từ trên 9 năm đến 10 năm

15%

Trên 10 năm

0%

Nếu mức giá khai báo tại thời điểm nhập khẩu của hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, hoặc được miễn thuế, xét miễn thuế thấp hơn mức giá trong cơ sở dữ liệu giá cùng thời điểm, thì lấy mức giá trong cơ sở dữ liệu giá và tỷ lệ quy định trên đây để xác định trị giá tính thuế.

1.2) Hàng hóa chưa sử dụng tại Việt Nam: Trị giá tính thuế được xác định theo nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Thông tư này.

2) Đối với phế liệu thu được trong quá trình sản xuất hàng gia công cho phía nước ngoài mà bên thuê gia công bán lại cho phía Việt Nam, thì trị giá tính thuế được xác định như sau:

2.1) Trường hợp có hợp đồng mua bán hàng hóa thì trị giá tính thuế được xác định theo nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Thông tư này.

2.2) Trường hợp không có hợp đồng mua bán thì trị giá tính thuế được xác định theo quy định tại khoản 5 Điều này.

3) Trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sau khi thuê phía nước ngoài gia công là tiền thuê gia công và trị giá của nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình gia công do phía nước ngoài cung cấp thể hiện trên hợp đồng gia công và các khoản điều chỉnh quy định tại Điều 14 Thông tư này. Không tính vào trị giá tính thuế sản phẩm sau gia công trị giá của vật tư, nguyên liệu đã xuất khẩu từ Việt Nam đưa đi gia công theo hợp đồng gia công đã ký.

4) Đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng đem ra nước ngoài sửa chữa, khi nhập khẩu về Việt nam thuộc đối tượng chịu thuế, thì trị giá tính thuế là chi phí sửa chữa thực trả theo hợp đồng ký kết với phía nước ngoài, phù hợp với các chứng từ hợp pháp, liên quan đến việc sửa chữa hàng hoá.

5) Hàng hoá nhập khẩu không có hợp đồng mua bán:

5.1) Hàng hoá nhập khẩu theo khai báo từ 5 triệu đồng trở xuống, thì trị giá tính thuế là trị giá khai báo. Trường hợp có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp, thì trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định theo nguyên tắc và một trong các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Thông tư này;

5.2) Hàng hoá nhập khẩu theo khai báo trên 5 triệu đồng:

5.2.1) Hàng hoá nhập khẩu của hành khách nhập cảnh; hàng hoá nhập khẩu với mục đích làm giải thưởng trong các cuộc thi thể thao, văn hoá nghệ thuật; hàng hoá là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ phát chuyển nhanh:

a) Đối với hàng hoá nhập khẩu là máy móc, thiết bị, hàng hoá khác có trị giá từ 50 triệu đồng trở lên; hàng hoá nhập khẩu là ô tô, xe máy: Trị giá tính thuế được xác định theo nguyên tắc và một trong các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Thông tư này.

b) Đối với hàng hoá khác ngoài quy định tại điểm a khoản này, trị giá tính thuế là trị giá khai báo. Trường hợp có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp, thì trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định theo nguyên tắc và một trong các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Thông tư này.

5.2.2) Đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng bảo hành; hàng khuyến mại, hàng hoá mua bán trao đổi của cư dân biên giới; các loại hình khác không có hợp đồng mua bán, thì trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định theo nguyên tắc và một trong các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Thông tư này.

6) Hàng hoá nhập khẩu thừa so với hợp đồng mua bán hàng hoá đã ký với phía nước ngoài:

6.1) Hàng hoá nhập khẩu thừa là hàng hoá giống hệt hoặc tương tự với hàng hoá nhập khẩu ghi trên hợp đồng: Trị giá tính thuế của hàng nhập khẩu thừa được xác định theo phương pháp xác định trị giá tính thuế của số hàng hoá nhập khẩu ghi trên hợp đồng.

6.2) Hàng hoá nhập khẩu thừa là hàng hoá khác với hàng hoá nhập khẩu ghi trên hợp đồng, nếu được phép nhập khẩu thì trị giá tính thuế được xác định trên nguyên tắc áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá tính thuế theo hướng dẫn từ Điều 15 đến Điều 19 Thông tư này, không xác định theo phương pháp trị giá giao dịch.

7) Hàng hoá nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng mua bán hàng hoá đã ký với phía nước ngoài:

7.1) Hàng hoá nhập khẩu không phù hợp về qui cách, nếu được phép nhập khẩu, thì trị giá tính thuế là trị giá thực thanh toán cho hàng hoá nhập khẩu. Hàng hoá không phù hợp về quy cách được hiểu là hàng thực nhập có những khác biệt về mầu sắc, kích cỡ, kiểu dáng so với mô tả trong hợp đồng mua bán và những khác biệt đó không làm ảnh hưởng đến giá thực tế phải trả.

7.2) Hàng hoá nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng mua bán hàng hóa ngoài trường hợp quy định tại điểm 7.1 khoản này, nếu được phép nhập khẩu, thì trị giá tính thuế được xác định trên nguyên tắc áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn từ Điều 15 đến Điều 19 Thông tư này, không xác định theo phương pháp trị giá giao dịch.

8) Hàng hoá nhập khẩu thực tế có sự chênh lệch về số lượng so với hoá đơn thương mại do tính chất của hàng hoá, phù hợp với điều kiện giao hàng và điều kiện thanh toán trong hợp đồng mua bán thì khi xác định trị giá tính thuế phải căn cứ vào hoá đơn thương mại và hợp đồng mua bán (điều kiện giao hàng, tỷ lệ dung sai, đặc tính tự nhiên của hàng hoá và điều kiện thanh toán). Trị giá tính thuế không được thấp hơn trị giá thực thanh toán ghi trên hoá đơn thương mại và các chứng từ có liên quan.

9) Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam từ kho ngoại quan:

9.1) Trị giá tính thuế được xác định theo nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Thông tư này.

9.2) Ngày xuất khẩu được xác định là:

9.2.1) Ngày xếp hàng lên phương tiện vận tải ghi trên vận đơn đối với trường hợp người đưa hàng vào kho ngoại quan trực tiếp nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam.

9.2.2) Ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hoá từ kho ngoại quan vào Việt Nam đối với các trường hợp khác.

10) Đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng đi thuê mượn thì trị giá tính thuế là giá thực trả theo hợp đồng đã ký với nước ngoài, phù hợp với các chứng từ hợp pháp có liên quan đến việc đi thuê mượn hàng hoá.

Thông tư 205/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP quy định về xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 205/2010/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: 06/01/2011
  • Số công báo: Từ số 21 đến số 22
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH