Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 205/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP quy định về xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

Chương III

KIỂM TRA TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ

MỤC I. KIỂM TRA TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU TRONG QUÁ TRÌNH LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 21. Đối tượng, nguyên tắc kiểm tra, thẩm quyền, tiêu chí xây dựng Danh mục quản lý rủi ro hàng hoá xuất khẩu về giá cấp Cục và nguồn thông tin xây dựng mức giá kiểm tra

1) Đối tượng kiểm tra: Hồ sơ hải quan hoặc hồ sơ hải quan điện tử, các tài liệu có liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế của hàng hóa xuất khẩu thuộc diện kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.

2) Nguyên tắc kiểm tra: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro về trị giá

Việc kiểm tra trị giá tính thuế hàng hoá xuất khẩu được thực hiện trên cơ sở kiểm tra các mặt hàng thuộc Danh mục quản lý rủi ro hàng hoá xuất khẩu về giá cấp Cục (sau đây gọi là Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục).

3) Thẩm quyền xây dựng, điều chỉnh, kiểm tra Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục:

3.1) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ tình hình quản lý hoạt động xuất khẩu từng thời kỳ và thực tế xuất khẩu hàng hoá để xây dựng, điều chỉnh Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục và mức giá kiểm tra làm căn cứ kiểm tra trị giá khai báo, đồng thời gửi báo cáo Tổng cục Hải quan.

3.2) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiểm tra, chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố sửa đổi, điều chỉnh Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục trong trường hợp Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục chưa phù hợp với thực tế.

4) Các tiêu chí xây dựng Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục: Hàng hoá đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

4.1) Mặt hàng tài nguyên, khoáng sản chưa qua chế biến có thuế suất thuế xuất khẩu, trừ mặt hàng dầu thô;

4.2) Mặt hàng có khả năng gian lận thương mại.

5) Nguồn thông tin xây dựng mức giá kiểm tra:

5.1) Giá FOB, giá DAF của hàng hoá xuất khẩu giống hệt, hàng hoá xuất khẩu tương tự;

5.2) Giá bán tại thị trường nội địa của hàng hoá xuất khẩu giống hệt, hàng hoá xuất khẩu tương tự sau khi trừ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và các chi phí hợp pháp phát sinh trước khi xuất khẩu hàng hoá tại cửa khẩu xuất.

5.3) Các thông tin khác do cơ quan hải quan thu thập được sau khi quy đổi về giá FOB, giá DAF.

Điều 22. Kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra trị giá tính thuế

1) Kiểm tra mức giá khai báo:

1.1) Đối với hàng hoá thuộc Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục:

1.1.1) Nội dung kiểm tra: So sánh mức giá khai báo với mức giá kiểm tra tại Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục.

1.1.2) Xử lý kết quả kiểm tra:

1.1.2.1) Trường hợp không có nghi vấn về mức giá khai báo thì chấp nhận mức giá khai báo của người khai hải quan.

1.1.2.2) Trường hợp có nghi vấn về mức giá khai báo thìtiếp tục thực hiện kiểm tra thủ tục, hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

1.2) Đối với hàng hoá không thuộc Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục thì chấp nhận mức giá khai báo của người khai hải quan.

2) Kiểm tra thủ tục, hồ sơ:

2.1) Nội dung kiểm tra:

2.1.1) Kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng mua bán hàng hoá.

2.1.2) Kiểm tra sự phù hợp về nội dung giữa hợp đồng mua bán hàng hoá với các nội dung khai báo trên tờ khai hải quan hoặc tờ khai hải quan điện tử.

2.2) Xử lý kết quả kiểm tra:

2.2.1) Xác định trị giá tính thuếnếu hợp đồng mua bán hàng hoá không hợp pháp hoặc nội dung giữa hợp đồng mua bán hàng hoá và các nội dung khai báo trên tờ khai hải quan hoặc tờ khai hải quan điện tử có mâu thuẫn.

2.2.2) Chấp nhận mức giá khai báo của người khai hải quan, chuyển lực lượng Kiểm tra sau thông quan đối với trường hợp có nghi vấn hồ sơ không hợp pháp hoặc mức giá khai báo thấp hơn mức giá tại Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu cấp Cục.

2.2.3) Chấp nhận mức giá khai báo của người khai hải quan nếu kết quả kiểm tra không thuộc các trường hợp quy định tại điểm 2.2.1, điểm 2.2.2 khoản này.

3) Các trường hợp nghi vấn về mức giá khai báo: Hàng hoá xuất khẩu có mức giá khai báo thấp hơn mức giá quy định tại Danh mục rủi ro hàng hoá xuất khẩu; hoặc mức giá khai báo thấp hơn mức giá của hàng hoá xuất khẩu giống hệt, tương tự tại cơ sở dữ liệu giá của cơ quan hải quan.

MỤC II. KIỂM TRA TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU TRONG QUÁ TRÌNH LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 23. Đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, tiêu chí xây dựng Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu về giá cấp Tổng cục, Danh mục quản lý rủi ro hàng hoá nhập khẩu về giá cấp Cục và nguồn thông tin xây dựng mức giá kiểm tra

1) Đối tượng kiểm tra: Hồ sơ hải quan hoặc hồ sơ hải quan điện tử, các tài liệu có liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế của hàng hóa thuộc diện kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.

2) Nguyên tắc kiểm tra: Áp dụng quản lý rủi ro về trị giá

Việc kiểm tra trị giá tính thuế hàng nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở kiểm tra các mặt hàng thuộc Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu về giá cấp Tổng cục (sau đây gọi tắt là Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục), Danh mục quản lý rủi ro hàng hoá nhập khẩu về giá cấp Cục (sau đây gọi tắt là Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục).

3) Thẩm quyền xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, loại bỏ Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục, Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục:

3.1) Thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

3.1.1) Xây dựng, điều chỉnh Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục và mức giá kiểm tra kèm theo trên cơ sở:

3.1.1.1) Tiêu chí xây dựng Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục hướng dẫn tại điểm 4.1 khoản 4 Điều này;

3.1.1.2) Khả năng quản lý, tình hình nhập khẩu hàng hoá từng thời kỳ trên phạm vi toàn quốc;

3.1.1.3) Báo cáo đề xuất của Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc xây dựng, điều chỉnh Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục.

3.1.2) Bổ sung vào Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục những mặt hàng nhập khẩu có từ 17 Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã đưa vào Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục;

3.1.3) Đưa ra khỏi Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục những mặt hàng không còn phù hợp với tiêu chí xây dựng Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục hướng dẫn tại điểm 4.1 khoản 4 Điều này;

3.1.4) Chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục trong trường hợp Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục chưa phù hợp với thực tế.

3.2) Thẩm quyền của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố:

3.2.1) Xây dựng, điều chỉnh Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục và mức giá kiểm tra kèm theo trên cơ sở:

3.2.1.1) Tiêu chí xây dựng Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục quy định tại điểm 4.2 khoản 4 Điều này;

3.2.1.2) Khả năng quản lý, tình hình nhập khẩu hàng hoá từng thời kỳ thuộc phạm vi quản lý, khả năng gian lận thương mại;

3.2.1.3) Chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục.

3.2.2) Bổ sung vào Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục những mặt hàng do Tổng cục Hải quan đưa ra khỏi Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục;

3.2.3) Đưa ra khỏi Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục những mặt hàng đã được Tổng cục Hải quan đưa vào Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục hoặc những mặt hàng không còn phù hợp với các tiêu chí theo quy định tại điểm 4.2 khoản 4 Điều này;

3.2.4) Định kỳ đề xuất, báo cáo Tổng cục Hải quan những mặt hàng cần bổ sung, điều chỉnh tại Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục và mức giá kèm theo trên cơ sở chủ động thu thập, tổng hợp, phân tích các thông tin dữ liệu giá.

4) Tiêu chí xây dựng Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu:

4.1) Tiêu chí xây dựng Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục: Hàng hoá nhập khẩu có trị giá lớn và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cao.

4.2) Tiêu chí xây dựng Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục: Hàng hoá nhập khẩu ngoài Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

4.2.1) Có trị giá lớn và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cao;

4.2.2) Có kim ngạch nhập khẩu lớn, nhập khẩu thường xuyên, có thuế nhập khẩu;

4.2.3) Có khả năng gian lận thương mại.

5) Nguồn thông tin xây dựng mức giá kiểm tra:

5.1) Nguồn thông tin về giá từ hồ sơ nhập khẩu do doanh nghiệp khai báo hoặc do cơ quan hải quan xác định;

5.2) Nguồn thông tin từ các thư chào hàng của nhà xuất khẩu;

5.3) Nguồn thông tin từ giá bán tại thị trường nội địa;

5.4) Nguồn thông tin từ các tổ chức Hiệp hội ngành hàng;

5.5) Nguồn thông tin từ Internet, tạp chí, sách báo;

5.6) Nguồn thông tin từ các cơ quan, tổ chức trong nước cung cấp như: Thông tin từ cơ quan thuế nội địa; thông tin từ Ngân hàng; thông tin từ cơ quan thẩm định giá;

5.7) Nguồn thông tin do các cơ quan, tổ chức quốc tế cung cấp như: Thông tin do tham tán thương mại cung cấp; thông tin do hải quan các nước cung cấp; thông tin do cơ quan thẩm định giá nước ngoài cung cấp;

5.8) Các nguồn thông tin khác do cơ quan hải quan thu thập được theo quy chế xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu giá.

Điều 24. Kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra trị giá tính thuế

1) Đối với thủ tục hải quan điện tử:

1.1) Hình thức, mức độ kiểm tra trị giá tính thuế:

1.1.1) Hình thức kiểm tra:

1.1.1.1) Kiểm tra trị giá khai báo trên cơ sở thông tin tờ khai hải quan điện tử, tờ khai trị giá điện tử;

1.1.1.2) Kiểm tra trị giá khai báo trên cơ sở tờ khai hải quan điện tử in, tờ khai trị giá điện tử in và các chứng từ đi kèm tờ khai ở dạng văn bản giấy.

1.1.2) Mức độ kiểm tra:

1.1.2.1) Đối với hình thức kiểm tra trị giá khai báo trên cơ sở thông tin tờ khai hải quan điện tử, tờ khai trị giá điện tử: Kiểm tra nội dung khai báo và mức giá khai báo;

1.1.2.2) Đối với hình thức kiểm tra trị giá khai báo trên cơ sở tờ khai hải quan điện tử in, tờ khai trị giá điện tử in và các chứng từ đi kèm tờ khai ở dạng văn bản giấy: Kiểm tra nội dung khai báo; tính chính xác của hồ sơ; tính hợp pháp của các chứng từ; tính tuân thủ nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá; mức giá khai báo.

1.2) Thẩm quyền quyết định hình thức, mức độ kiểm tra trị giá tính thuế: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử quyết định hình thức, mức độ kiểm tra trị giá tính thuế.

Việc quyết định của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử phải tuân thủ theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro về trị giá trên cơ sở Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục và Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục quy định tại Thông tư này hoặc trên cơ sở thông tin tại thời điểm quyết định, được thể hiện bằng:

1.2.1) Quyết định cập nhật Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục và Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để phân luồng hồ sơ hải quan; hoặc

1.2.2) Trực tiếp quyết định trên hệ thống khi có thông tin nghi vấn về trị giá tính thuế.

1.3) Kiểm tra trị giá:

1.3.1) Kiểm tra trị giá khai báo trên cơ sở thông tin tờ khai hải quan điện tử và tờ khai trị giá điện tử:

1.3.1.1) Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra nội dung khai báo: Kiểm tra toàn bộ các tiêu chí ghi trên tờ khai hải quan điện tử, tờ khai trị giá điện tử do người nhập khẩu khai báo trong đó cần chú ý kiểm tra kỹ các tiêu chí sau:

a.1) Tên hàng phải đầy đủ, chi tiết ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá, phù hợp với các tiêu chí trên tờ khai trị giá. Cụ thể: Tên hàng khai báo là tên thương mại thông thường kèm theo các đặc trưng cơ bản về hàng hoá, như: Cấu tạo, vật liệu cấu thành, thành phần, hàm lượng, công suất, kích cỡ, kiểu dáng, công dụng, nhãn hiệu, xuất xứ,... đáp ứng được yêu cầu về phân loại và xác định các yếu tố ảnh hưởng, liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế của hàng hóa.

Ví dụ: Mặt hàng xe máy, ô tô cần có các thông tin về nhãn hiệu xe, hãng sản xuất, nước sản xuất, kiểu dáng, dung tích xi lanh, model, ký mã hiệu khác,...

a.2) Đơn vị tính: Phải được định lượng rõ ràng theo đơn vị đo lường (như m, kg,...), trường hợp không định lượng được rõ ràng (như thùng, hộp...) thì phải tiến hành quy đổi tương đương (như thùng có bao nhiêu hộp, mỗi hộp bao nhiêu kg, bao nhiêu gói, chiếc...).

a.3) Đối với các trường hợp tên hàng, đơn vị tính không được khai báo cụ thể, rõ ràng, không định lượng được theo quy định nêu trên, thì yêu cầu người khai hải quan khai làm rõ thêm thông tin về hàng hóa. Trường hợp người khai hải quan không khai thêm theo yêu cầu của cơ quan hải quan hoặc khai thêm nhưng khai không đầy đủ thì xử lý theo quy định tại tiết a.1 điểm 1.3.2.2 khoản này.

b) Kiểm tra mức giá khai báo: Cơ quan hải quan so sánh, đối chiếu mức giá khai báo với cơ sở dữ liệu giá tại thời điểm kiểm tra trị giá.

Cơ sở dữ liệu giá dùng để kiểm tra trị giá khai báo là các dữ liệu giá được thu thập, cập nhật, sử dụng theo quy định tại Quy chế xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu giá.

1.3.1.2) Xử lý kết quả kiểm tra:

a) Chấp nhận mức giá khai báo của người khai hải quan nếu kết quả kiểm tra không thuộc các trường hợp nêu tại tiết b điểm này.

Trường hợp không có nghi vấn về mức giá nhưng có nghi vấn mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ theo quy định tại tiết a.4, a.5, a.6 điểm 1.3.2.2 khoản này nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận thì cơ quan hải quan vẫn chấp nhận mức giá khai báo, đồng thời chuyển các nghi vấn mâu thuẫn về thủ tục hồ sơ sang lực lượng kiểm tra sau thông quan.

b) Chuyển luồng kiểm tra trị giá tính thuế sang mức kiểm tra trên cơ sở tờ khai hải quan điện tử in, tờ khai trị giá điện tử in và các chứng từ đi kèm tờ khai ở dạng văn bản giấy, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

b.1) Tên hàng, đơn vị tính khai báo không cụ thể, rõ ràng theo quy định nêu tại tiết a.1, a.2 điểm 1.3.1.1 khoản này;

b.2) Phát hiện các mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ quy định tại tiết a.4, a.5, a.6 điểm 1.3.2.2 khoản này;

b.3) Có nghi vấn về mức giá.

1.3.2) Kiểm tra trị giá khai báo trên cơ sở tờ khai hải quan điện tử in, tờ khai trị giá điện tử in và các chứng từ đi kèm tờ khai ở dạng văn bản giấy:

1.3.2.1) Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra nội dung khai báo: Kiểm tra toàn bộ các tiêu chí ghi trên tờ khai hải quan điện tử in, tờ khai trị giá điện tử in do người nhập khẩu khai báo theo quy định tại tiết a điểm 1.3.1.1 khoản này.

b) Kiểm tra tính chính xác của hồ sơ (như các phép tính số học,...); sự trung thực, phù hợp về nội dung giữa các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan (như so sánh, đối chiếu giữa các điều khoản của hợp đồng,...); so sánh, đối chiếu các nội dung của hoá đơn thương mại với hợp đồng mua bán hàng hoá; so sánh, đối chiếu các nội dung khai báo trên tờ khai trị giá điện tử in với các chứng từ tương ứng có liên quan trong hồ sơ hải quan.

c) Kiểm tra tính hợp pháp của các chứng từ liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế.

d) Kiểm tra tính tuân thủ nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Thông tư này; các điều kiện áp dụng, trình tự các phương pháp được sử dụng để xác định trị giá khai báo.

Ví dụ: Người khai hải quan áp dụng không đúng trình tự các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Mục II Chương II Thông tư này

e) Kiểm tra mức giá khai báo: Thực hiện kiểm tra mức giá khai báo theo quy định tại tiết b điểm 1.3.1.1 khoản 1 Điều này.

1.3.2.2) Xử lý kết quả kiểm tra:

a) Bác bỏ trị giá khai báo và xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Thông tư này đồng thời tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, nếu sau khi kiểm tra cơ quan hải quan phát hiện có một trong những mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ; về nguyên tắc và trình tự áp dụng các phương pháp xác định trị giá tính thuế (sau đây gọi là mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ). Các mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ bao gồm:

a.1) Người khai hải quan được yêu cầu khai làm rõ thêm thông tin về tên hàng, đơn vị tính nhưng người khai hải quan không khai hoặc khai không đầy đủ;

a.2) Có sự mâu thuẫn về nội dung giữa các chứng từ tài liệu trong hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan và có cơ sở để xác định người khai hải quan kê khai không trung thực các nội dung liên quan đến việc xác định trị giá;

Ví dụ: Có sự khác biệt về mô tả hàng hóa giữa hóa đơn thương mại và hợp đồng mua bán hàng hoá.

a.3) Hồ sơ hải quan và các chứng từ có liên quan không hợp pháp;

a.4) Không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ, chính xác các yếu tố của giao dịch có ảnh hưởng đến trị giá (ví dụ: không khai báo các khoản điều chỉnh, mối quan hệ đặc biệt; không khai báo tiền bản quyền, phí giấy phép,...);

a.5) Áp dụng không đúng trình tự các phương pháp, nội dung các phương pháp xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Thông tư này;

a.6) Không thoả mãn một trong các điều kiện khi áp dụng các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Thông tư này;

Ví dụ: Người khai hải quan không thoả mãn điều kiện về quyền định đoạt hoặc sử dụng hàng hoá sau khi nhập khẩu khi áp dụng phương pháp trị giá giao dịch; không thoả mãn điều kiện về thời gian khi lựa chọn hàng hoá giống hệt, tương tự đối với trường hợp áp dụng phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt, phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu tương tự,...

b) Xử lý các trường hợp có nghi vấn:

b.1) Trường hợp không có nghi vấn về mức giá, nhưng có nghi vấn mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ thì cơ quan hải quan chấp nhận mức giá khai báo đồng thời chuyển các nghi vấn sang lực lượng kiểm tra sau thông quan.

b.2) Trường hợp có nghi vấn về mức giá trừ nghi vấn nêu tại tiết b.4.7 điểm này và có nghi vấn hoặc không có nghi vấn mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ thì xử lý như sau:

b.2.1) Đối với mặt hàng thuộc Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục, Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục: Cơ quan hải quan thông báo để người khai hải quan biết cơ sở, căn cứ nghi vấn mức giá khai báo, phương pháp, mức giá do cơ quan hải quan xác định theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

b.2.1.1) Trường hợp người khai hải quan đồng ý với mức giá và phương pháp do cơ quan hải quan xác định tại mẫu số 1 thì cơ quan hải quan ra thông báo xác định trị giá theo mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này, thực hiện ấn định thuế theo giá đã xác định và ghi rõ trên tờ khai hải quan.

b.2.1.2) Trường hợp người khai hải quan không đồng ý với mức giá và phương pháp do cơ quan hải quan xác định tại mẫu số 1 thì người khai hải quan được thực hiện quyền tham vấn theo quy định tại Điều 26 và phải thực hiện việc bảo đảm theo quy định tại Điều 25 Thông tư này, nếu người khai hải quan muốn thông quan hàng hoá đối với các trường hợp hàng hoá thuộc diện phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng.

Cơ quan hải quan thông báo cho người khai hải quan thực hiện việc bảo đảm theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Mức giá để xác định khoản bảo đảm là mức giá do cơ quan hải quan đã xác định theo mẫu số 1.

b.2.2) Đối với mặt hàng ngoài Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Tổng cục, Danh mục rủi ro hàng hoá nhập khẩu cấp Cục thì chấp nhận mức giá khai báo đồng thời chuyển các nghi vấn sang lực lượng kiểm tra sau thông quan.

b.3) Trường hợp có nghi vấn về mức giá tại tiết b.4.7 và có nghi vấn hoặc không có nghi vấn mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ thì chấp nhận mức giá khai báo đồng thời chuyển các nghi vấn sang lực lượng kiểm tra sau thông quan.

b.4) Các trường hợp nghi vấn về mức giá: Mặt hàng nhập khẩu được coi là có nghi vấn về mức giá nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

b.4.1) Mặt hàng nhập khẩu có mức giá khai báo thấp hơn mức giá tính thuế thấp nhất của mặt hàng giống hệt, tương tự, do cơ quan hải quan xác định; hoặc thấp hơn mức giá khai báo thấp nhất của mặt hàng giống hệt, tương tự (không so sánh với những lô hàng đang trong diện nghi vấn), đã được cơ quan hải quan chấp nhận theo mức giá khai báo.

Mặt hàng giống hệt, tương tự dùng để so sánh là những mặt hàng được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu của mặt hàng đang kiểm tra trị giá. Trường hợp không tìm được mặt hàng giống hệt, tương tự trong thời hạn nêu trên thì được mở rộng khoảng thời gian nhưng không quá 90 ngày trước hoặc 90 ngày sau ngày xuất khẩu của mặt hàng đang kiểm tra trị giá.

b.4.2) Mặt hàng nhập khẩu có mức giá khai báo thấp hơn hoặc bằng mức giá khai báo của linh kiện đồng bộ mặt hàng cùng loại nhập khẩu; hoặc thấp hơn hoặc bằng mức giá khai báo của nguyên liệu chính cấu thành nên sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu.

Khoảng thời gian lựa chọn dữ liệu thực hiện theo quy định tại tiết b.4.1 điểm này.

b.4.3) Mặt hàng nhập khẩu có mức giá khai báo thấp hơn mức giá kiểm tra của hàng hoá giống hệt, tương tự có trong Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục, Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Cục.

b.4.4) Mặt hàng nhập khẩu có mức giá khai báo thấp hơn mức giá do cơ quan hải quan thu thập từ các nguồn thông tin khác sau khi đã được quy đổi về cùng điều kiện với lô hàng đang kiểm tra trị giá.

b.4.5) Mặt hàng nhập khẩu có yếu tố giảm giá trong đó mức giá khai báo sau khi trừ đi khoản giảm giá thấp hơn mức giá của hàng hoá giống hệt, tương tự quy định tại cơ sở dữ liệu giá.

b.4.6) Trường hợp không tìm được hàng hoá giống hệt, hàng hoá tương tự theo quy định tại Thông tư này để so sánh, kiểm tra mức giá khai báo thì áp dụng linh hoạt, mở rộng hơn khái niệm hàng hoá giống hệt, tương tự, cụ thể:

b.4.6.1) Mặt hàng nhập khẩu có nhiều tính năng, công dụng đi kèm có thể so sánh với mặt hàng cùng loại có một tính năng cơ bản đã có trong cơ sở dữ liệu giá.

b.4.6.2) Mặt hàng nhập khẩu có phẩm cấp chất lượng cao hơn có thể so sánh với mặt hàng cùng loại có phẩm cấp chất lượng thấp hơn đã có trong cơ sở dữ liệu giá.

b.4.6.3) Mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ các nước, khối nước phát triển có thể so sánh với mặt hàng cùng loại từ các nước, khối nước chưa phát triển, đang phát triển có trong cơ sở dữ liệu giá (ví dụ: Hàng hoá nhập khẩu đang cần kiểm tra trị giá có xuất xứ từ Nhật Bản có thể so sánh với hàng cùng loại xuất xứ từ Hàn Quốc có trong cơ sở dữ liệu giá).

Khoảng thời gian lựa chọn dữ liệu thực hiện theo quy định tại tiết b.4.1 điểm này.

b.4.7) Hàng hoá nhập khẩu có mức giá khai báo cao hơn trên 15% so với mức giá tại cơ sở dữ liệu giá.

Khoảng thời gian lựa chọn dữ liệu thực hiện theo quy định tại tiết b.4.1 điểm này.

c) Chấp nhận mức giá khai báo đối với các trường hợp không thuộc tiết a, tiết b điểm này.

2) Đối với các trường hợp không thực hiện thủ tục hải quan điện tử:

2.1) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra nội dung khai báo, mức giá khai báo, tính chính xác của hồ sơ, tính hợp pháp của các chứng từ liên quan, tính tuân thủ nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá tính thuế được thực hiện theo quy định tại điểm 1.3.2.1 khoản 1 Điều này, nhưng thay thế tờ khai hải quan điện tử in, tờ khai trị giá điện tử in bằng tờ khai hải quan và tờ khai trị giá trong bộ hồ sơ hải quan theo quy định.

2.2) Xử lý kết quả kiểm tra: Thực hiện theo quy định tại điểm 1.3.2.2 khoản 1 Điều này.

Điều 25. Trì hoãn xác định trị giá tính thuế

1) Các trường hợp trì hoãn xác định trị giá tính thuế:

1.1) Người khai hải quan trì hoãn xác định trị giá tính thuế: Áp dụng đối với trường hợp người khai hải quan chưa có đủ thông tin cần thiết để xác định trị giá tính thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

1.2) Cơ quan hải quan trì hoãn xác định trị giá tính thuế: Áp dụng đối với các trường hợp phải thực hiện việc tham vấn theo quy định tại Điều 26 Thông tư này.

2) Thời gian trì hoãn: 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai.

3) Thủ tục trì hoãn xác định trị giá tính thuế:

3.1) Trường hợp người khai hải quan trì hoãn xác định trị giá tính thuế:

3.1.1) Đối với người khai hải quan:

3.1.1.1) Nộp văn bản đề nghị cơ quan hải quan cho trì hoãn xác định trị giá tính thuế với lý do chưa có đủ các thông tin cần thiết cho việc xác định trị giá tính thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai;

3.1.1.2) Trường hợp hàng hoá thuộc diện phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng thì thực hiện việc bảo đảm cho toàn bộ số thuế của lô hàng nhập khẩu do cơ quan hải quan xác định, nếu muốn được thông quan hàng hoá;

3.1.1.3) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, người khai hải quan phải khai báo các thông tin cần thiết để xác định trị giá tính thuế cho lô hàng nhập khẩu, tự tính lại số thuế phải nộp và thực hiện nộp đủ thuế theo đúng quy định.

3.1.2) Đối với cơ quan hải quan:

3.1.2.1) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ cơ sở dữ liệu giá và các nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Thông tư này để xác định trị giá tính thuế và tính mức bảo đảm phải nộp. Mức bảo đảm phải đủ để đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ thuế phải nộp.

3.1.2.2) Thông báo mức bảo đảm cho người khai hải quan theo mẫu số 2.

3.1.2.3) Thông quan hàng hóa khi người khai hải quan thực hiện khoản bảo đảm theo quy định tại Thông tư này.

3.1.2.4) Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai mà người khai hải quan không thực hiện khai báo thông tin để xác định trị giá tính thuế, thì cơ quan hải quan xác định trị giá tính thuế theo mẫu số 4 Thông tư này, ấn định thuế và thông báo để người khai hải quan biết và thực hiện nộp đủ thuế theo quy định.

3.2) Trường hợp cơ quan hải quan trì hoãn xác định trị giá tính thuế:

3.2.1. Đối với cơ quan hải quan:

3.2.1.1) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tính mức bảo đảm phải nộp đối với trường hợp hàng hoá thuộc diện phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng và thông báo cho người khai hải quan theo mẫu số 2. Mức giá để tính mức bảo đảm là mức giá đã thông báo tại mẫu số 1.

Trường hợp người khai hải quan đã nộp thuế theo khai báo thì mức bảo đảm bằng khoản chênh lệch giữa số thuế tính theo mức giá do cơ quan hải quan xác định và số thuế tính theo mức giá khai báo của người khai hải quan.

3.2.1.2) Thông quan hàng hoá khi người khai hải quan thực hiện bảo đảm cho toàn bộ số thuế phải nộp theo quy định tại Thông tư này.

3.2.1.3) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, cơ quan hải quan phải tổ chức tham vấn để làm rõ những nghi vấn về mức giá khai báo theo quy định về tham vấn tại Điều 26 Thông tư này.

3.2.2) Đối với người khai hải quan:

3.2.2.1) Thực hiện bảo đảm cho toàn bộ số thuế của lô hàng nhập khẩu theo mức bảo đảm do cơ quan hải quan xác định, nếu muốn được thông quan hàng hoá;

3.2.2.2) Thực hiện tham vấn theo quy định tại Điều 26 Thông tư này.

4) Các hình thức bảo đảm, thời gian bảo đảm:

4.1) Hình thức bảo lãnh: Nội dung, hình thức bảo lãnh thực hiện theo pháp luật về quản lý thuế quy định bảo lãnh số tiền thuế phải nộp.

4.2) Hình thức đặt cọc:

4.2.1) Đối với người khai hải quan: Nộp tiền đặt cọc vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước; số tiền đặt cọc phải nộp theo mức bảo đảm tại thông báo của cơ quan hải quan theo mẫu số 2 Thông tư này.

4.2.2) Đối với cơ quan hải quan:

4.2.2.1) Hướng dẫn người khai hải quan nộp tiền đặt cọc vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước;

4.2.2.2) Trong thời gian tối đa là 05 ngày kể từ ngày ra Thông báo trị giá tính thuế, Chi cục hải quan thực hiện:

a) Làm thủ tục chuyển số tiền đặt cọc tương ứng với số thuế phải nộp (nếu có) từ tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan sang tài khoản thu ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành;

b) Làm thủ tục hoàn trả lại tiền đặt cọc còn thừa cho người khai hải quan.

4.3) Thời gian bảo đảm: 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Điều 26. Tham vấn

1) Thẩm quyền tham vấn:

1.1) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện việc tham vấn và chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả công tác tham vấn tại đơn vị.

1.2) Căn cứ tình hình thực tế, khả năng quản lý, khoảng cách giữa Chi cục và Cục, Cục trưởng Cục hải quan tỉnh thành phố có thể phân cấp cho Chi cục trưởng thực hiện việc tham vấn đối với các mặt hàng thuộc Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Cục nhưng không quá 10% số lượng các trường hợp hàng hoá thuộc Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Cục phải tham vấn.

1.3) Trường nhiều hàng hoá nhập khẩu thuộc cùng một tờ khai phải tham vấn bao gồm cả hàng hoá thuộc Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục và hàng hoá thuộc Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Cục thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện tham vấn.

2) Hình thức tham vấn:

2.1) Tham vấn trực tiếp.

2.2) Tham vấn bằng thư điện tử: Hướng dẫn cụ thể khi có đủ điều kiện thực hiện.

3) Các trường hợp phải tham vấn:

3.1) Cơ quan hải quan có nghi vấn về mức giá đối với mặt hàng thuộc Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục hoặc mặt hàng thuộc Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Cục, nhưng người khai hải quan không đồng ý với mức giá và phương pháp do cơ quan hải quan xác định theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

3.2) Cơ quan hải quan có căn cứ nghi vấn mối quan hệ đặc biệt có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch.

3.3) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định tham vấn đối với các mặt hàng thuộc Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục hoặc Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Cục có nghi vấn về mức giá, nhưng mức giá khai báo thấp hơn không quá 5% so với mức giá có trong cơ sở dữ liệu giá tại thời điểm kiểm tra.

3.4) Đối với cùng một mặt hàng, do cùng một doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu tại cùng một đơn vị hải quan, theo cùng một hợp đồng hoặc nhiều hợp đồng khác nhau, thì chỉ tổ chức tham vấn cho lô hàng nhập khẩu lần đầu, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

3.4.1) Thông tin liên quan đến việc kiểm tra, xác định trị giá tính thuế mà cơ quan hải quan có được từ cơ sở dữ liệu giá và thông tin thu thập bằng các biện pháp nghiệp vụ khác, tính đến thời điểm kiểm tra, xác định trị giá tính thuế cho lô hàng nhập khẩu đang được xác định trị giá, không thay đổi so với thông tin đã sử dụng để tổ chức tham vấn lô hàng nhập khẩu lần đầu.

3.4.2) Người khai hải quan chấp nhận sử dụng kết quả tham vấn lần đầu cho các lần nhập khẩu tiếp theo.

4) Tham vấn và xử lý kết quả tham vấn:

4.1) Chuẩn bị tham vấn:

4.1.1) Cơ quan hải quan:

4.1.1.1) Thông báo theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này cho người khai hải quan thời gian, địa điểm tiến hành tham vấn; hồ sơ, tài liệu có liên quan phục vụ tham vấn;

4.1.1.2) Chuẩn bị các nội dung tham vấn.

4.1.2) Người khai hải quan:

4.1.2.1) Cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng từ theo nội dung đã thông báo của cơ quan hải quan.

4.1.2.2) Cử đại diện có thẩm quyền quyết định các nội dung liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế hoặc người được ủy quyền toàn bộ tham gia tham vấn.

4.1.2.3) Trả lời các câu hỏi trong quá trình tham vấn có liên quan đến giao dịch nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

4.2) Nội dung tham vấn:

Căn cứ hồ sơ, tài liệu và các thông tin dữ liệu đã chuẩn bị trước, cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp trả lời các câu hỏi liên quan đến việc khai báo các yếu tố của giao dịch nhập khẩu; mức giá khai báo; phương pháp xác định trị giá tính thuế doanh nghiệp sử dụng.

Cơ quan hải quan lưu ý tập trung làm rõ các nghi vấn về hồ sơ, mức giá khai báo. Việc hỏi đáp trong quá trình tham vấn phải được ghi chép đầy đủ, trung thực tại biên bản tham vấn. Kết thúc biên bản tham vấn, căn cứ nội dung trả lời của doanh nghiệp, các thông tin dữ liệu giá, cơ quan hải quan nêu rõ “chấp nhận” hoặc “bác bỏ” mức giá khai báo, mức giá tính thuế dự kiến. Các bên tham gia tham vấn phải cùng ký vào biên bản tham vấn.

4.3) Thời gian tiến hành tham vấn và xác định trị giá tính thuế: tối đa là 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai.

4.4) Xử lý kết quả tham vấn:

4.4.1) Cơ quan hải quan bác bỏ mức giá khai báo và xác định trị giá tính thuế trong các trường hợp sau:

4.4.1.1) Trong quá trình tham vấn cơ quan hải quan phát hiện các mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ theo quy định tại điểm 1.3.2.2 khoản 1 Điều 24 Thông tư này.

4.4.1.2) Người khai hải quan kê khai không trung thực các nội dung liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế:

a) Người khai hải quan không kê khai hoặc kê khai sai giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán; các yếu tố liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế (như các khoản điều chỉnh, mối quan hệ đặc biệt, điều kiện áp dụng phương pháp xác định trị giá...).

b) Người xuất khẩu hoặc đại diện của người xuất khẩu có thông tin xác nhận mức giá khai báo không đúng với thực tế mua bán.

c) Thông tin cơ quan hải quan có được bằng các biện pháp nghiệp vụ khác khẳng định trị giá giao dịch không trung thực.

d) Thông tin mà người khai hải quan cung cấp sau khi đã kiểm tra là không chính xác, chứng từ tài liệu cung cấp là giả mạo hoặc chứng từ không hợp pháp.

4.4.1.3) Người khai hải quan không giải trình hoặc không giải trình được về tính trung thực chính xác của các nội dung liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế:

a) Quá thời gian yêu cầu tham vấn mà người khai hải quan không tham gia tham vấn.

b) Quá thời hạn yêu cầu mà người khai hải quan không cung cấp được các thông tin, tài liệu, chứng từ theo nội dung thông báo của cơ quan hải quan.

c) Người khai hải quan không giải trình, không chứng minh được hoặc giải trình, chứng minh thiếu thuyết phục, không có căn cứ về các nghi vấn của cơ quan hải quan (như về tính hợp lý hồ sơ; mức giá khai báo hay mối quan hệ đặc biệt có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch; nội dung trả lời của người khai hải quan mâu thuẫn với hồ sơ hải quan; hồ sơ, chứng từ, tài liệu do doanh nghiệp khai báo hoặc xuất trình có mâu thuẫn; tính hợp lý của mức giá khai báo và giá của các mặt hàng giống hệt, tương tự có trên cơ sở dữ liệu giá;...).

4.4.1.4) Đối với các trường hợp bác bỏ trị giá khai báo, trong thời hạn tối đa 05 ngày kể từ ngày kết thúc tham vấn nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, cơ quan hải quan xác định trị giá tính thuế và ra thông báo trị giá tính thuế theo mẫu số 4 Thông tư này.

4.4.2) Chấp nhận mức giá khai báo: Ngoài các trường hợp bác bỏ mức giá khai báo nêu tại điểm 4.4.1 khoản này, cơ quan hải quan chấp nhận mức giá khai báo và ra thông báo trị giá tính thuế theo mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

5) Toàn bộ các chứng từ, hồ sơ liên quan đến việc tham vấn phải lưu trữ cùng bộ hồ sơ hải quan.

6) Ngoài việc tham vấn, để đảm bảo tính trung thực, khách quan của quá trình kiểm tra, xác định trị giá tính thuế cơ quan hải quan có thể tiến hành lấy ý kiến tư vấn của các đơn vị, cơ quan liên quan.

7) Người khai hải quan có quyền khiếu nại kết quả xác định trị giá tính thuế của cơ quan hải quan sau khi tham vấn theo hướng dẫn tại Điều 29 Thông tư này.

MỤC III. KIỂM TRA TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ SAU KHI HÀNG HOÁ ĐÃ THÔNG QUAN

Điều 27. Kiểm tra trị giá tính thuế sau khi hàng hoá đã thông quan:

1) Đối với lực lượng phúc tập tại Chi cục hải quan:

1.1) Đối tượng kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ hải quan, mức giá khai báo và các tài liệu có liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

1.2) Nội dung kiểm tra:

1.2.1) Đối với hàng hoá xuất khẩu: Thực hiện kiểm tra theo các nội dung kiểm tra quy định tại Điều 22 Thông tư này.

1.2.2) Đối với hàng hoá nhập khẩu: Thực hiện theo các nội dung kiểm tra quy định tại Điều 24 Thông tư này.

1.3) Xử lý kết quả kiểm tra:

1.3.1) Nếu phát hiện các mâu thuẫn về thủ tục, hồ sơ thì bác bỏ mức giá khai báo, xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Thông tư này;

1.3.2) Nếu phát hiện các nghi vấn về hồ sơ, chứng từ, mức giá khai báo nhưng chưa đủ căn cứ kết luận hành vi gian lận thì chuyển các nghi vấn sang lực lượng kiểm tra sau thông quan để tiếp tục xác minh, làm rõ theo quy định.

2) Đối với lực lượng kiểm tra sau thông quan:

2.1) Đối tượng kiểm tra: Các trường hợp có nghi vấn về hồ sơ, chứng từ hoặc mức giá khai báo do lực lượng phúc tập chuyển; do lực lượng kiểm tra tại khâu thông quan chuyển; do lực lượng kiểm tra sau thông quan phát hiện hoặc do đánh giá mức độ rủi ro theo mặt hàng, ngành hàng, theo doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu thì tổ chức kiểm tra sau thông quan tại cơ quan hải quan hoặc trụ sở của doanh nghiệp.

2.2) Nội dung kiểm tra, trình tự kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra: Được thực hiện theo các quy định về kiểm tra sau thông quan và quy định về xác định trị giá tính thuế.

3) Đối với lực lượng điều tra chống buôn lậu:

Tổ chức kiểm tra, xác minh các vụ việc có dấu hiệu gian lận lớn về trị giá như: Làm giả hồ sơ, chứng từ; móc ngoặc để đồng loạt hạ thấp hoặc khai khống trị giá do lực lượng kiểm tra sau thông quan chuyển hoặc những vụ việc gian lận nổi cộm, có tính chất hệ thống, phạm vi rộng do lực lượng chống buôn lậu phát hiện.

4) Đối với các lô hàng đã được kiểm tra trị giá trong quá trình làm thủ tục hải quan bao gồm cả các trường hợp đã bác bỏ trị giá khai báo hoặc các trường hợp chấp nhận trị giá khai báo sau tham vấn nhưng lực lượng phúc tập, lực lượng kiểm tra sau thông quan, lực lượng điều tra chống buôn lậu phát hiện các sai phạm thì vẫn tiến hành xử lý hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật, thực hiện ấn định thuế và làm rõ trách nhiệm của bộ phận kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan, nếu có sai phạm thì xử lý kỷ luật theo quy định của ngành và của pháp luật.

Điều 28. Mối quan hệ phối hợp nghiệp vụ giữa lực lượng kiểm tra trị giá trong quá trình làm thủ tục hải quan và lực lượng kiểm tra sau khi hàng hoá đã thông quan

1) Đối với lực lượng kiểm tra trị giá trong quá trình làm thủ tục hải quan:

1.1) Định kỳ tập hợp, rà soát các nghi vấn về mức giá, nghi vấn về thủ tục, hồ sơ; đánh giá, phân tích các dấu hiệu nghi vấn và chuyển cho lực lượng kiểm tra sau thông quan để kiểm tra theo quy định về kiểm tra sau thông quan.

1.2) Tiếp nhận kết quả kiểm tra, kiến nghị của các lực lượng kiểm tra sau khi hàng hoá đã thông quan để tổng hợp, phân tích, đánh giá nhằm đưa ra các giải pháp kiểm tra trị giá trong quá trình làm thủ tục hải quan để ngăn chặn kịp thời các gian lận trị giá, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trị giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2) Đối với lực lượng kiểm tra sau khi hàng hoá đã thông quan:

2.1) Thông báo kết quả kiểm tra, xử lý về trị giá sau khi hàng hoá đã được thông quan cho lực lượng kiểm tra trị giá trong quá trình làm thủ tục hải quan trong vòng 05 ngày kể từ ngày có kết quả kiểm tra;

2.2) Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế, kiến nghị lực lượng kiểm tra trị giá trong quá trình làm thủ tục hải quan bổ sung các giải pháp kiểm tra trị giá nhằm ngăn chặn gian lận trị giá, đồng thời kiến nghị các nội dung sửa đổi cơ chế chính sách quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế.

Thông tư 205/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP quy định về xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 205/2010/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 21 đến số 22
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH