Hệ thống pháp luật

Điều 27 Thông tư 13/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Điều 27. Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm (nằm ngoài định mức sử dụng nguyên liệu, định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt), phế thải; máy móc, thiết bị thuê, mượn

1. Các hình thức xử lý:

Tùy theo sự thỏa thuận trong hợp đồng gia công và quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, phế thải, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công được xử lý như sau:

a) Bán tại thị trường Việt Nam (thực hiện theo phương thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ);

b) Xuất khẩu trả ra nước ngoài;

c) Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam;

d) Biếu, tặng tại Việt Nam;

e) Tiêu hủy tại Việt Nam.

2. Thủ tục hải quan:

a) Thủ tục hải quan bán nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn tại thị trường Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

b) Thủ tục hải quan xuất khẩu trả ra nước ngoài theo chỉ định của bên đặt gia công thực hiện như đối với lô hàng xuất khẩu thương mại. Khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế lô hàng, đối chiếu chủng loại, ký, mã hiệu của máy móc, thiết bị ghi trên tờ khai tạm nhập với máy móc, thiết bị xuất trả.

c) Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn sang hợp đồng gia công khác theo chỉ định của bên đặt gia công thực hiện như thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công để làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Điều 20 Thông tư này, trừ việc yêu cầu thương nhân xuất trình hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn GTGT; ngoài ra, thực hiện thêm các công việc sau:

c1) Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn sang hợp đồng gia công khác chỉ được thực hiện sau khi lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công xác nhận vào công văn đề nghị của thương nhân theo quy định tại tiết a1, điểm a, khoản 1 Điều 25 Thông tư này.

c2) Các trường hợp không được chuyển nguyên liệu, vật tư sang hợp đồng gia công khác:

c2.1) Thương nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư nhưng không thực hiện hợp đồng gia công mà đề nghị chuyển toàn bộ nguyên liệu, vật tư này cho thương nhân khác;

c2.2) Thương nhân nhận nguyên liệu, vật tư từ hợp đồng gia công trước nhưng không đưa vào gia công mà tiếp tục đề nghị chuyển sang hợp đồng gia công khác; trường hợp nguyên liệu, vật tư nhận từ hợp đồng gia công trước đã đưa vào sản xuất gia công nhưng không sử dụng hết cho hợp đồng gia công này thì được tiếp tục chuyển sang và sử dụng tại hợp đồng gia công sau của cùng hoặc khác đối tác đặt gia công, không được tiếp tục chuyển sang hợp đồng gia công tiếp theo.

d) Thủ tục hải quan biếu, tặng máy móc, thiết bị thuê, mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm:

Hồ sơ hải quan gồm:

d1) Tờ khai hải quan (sử dụng tờ khai hàng hóa phi mậu dịch): trên tờ khai ghi rõ “hàng thuộc hợp đồng gia công số...ngày....tháng....năm... Thương nhân nhận gia công...”: nộp 02 bản chính.

d2) Văn bản biếu, tặng của bên đặt gia công: nộp 01 bản chính;

d3) Văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương nếu hàng biếu, tặng thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương hoặc văn bản cho phép của cơ quan chuyên ngành nếu hàng nhập khẩu có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành: nộp 01 bản chính.

Thủ tục hải quan và chính sách thuế thực hiện theo quy định đối với hàng biếu, tặng. Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, cơ quan hải quan sao 02 bản tờ khai, 01 bản lưu cùng hợp đồng gia công, 01 bản giao cho thương nhân nhận gia công (trong trường hợp người được biếu tặng không là thương nhân nhận gia công).

đ) Thủ tục hải quan giám sát việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải tại Việt Nam:

đ1) Việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải được tiến hành trong quá trình thực hiện hoặc sau khi kết thúc hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công.

đ2) Thủ tục hải quan giám sát việc tiêu hủy:

đ2.1) Thương nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công thông báo thời gian, địa điểm tiêu hủy trong đó nêu rõ phương pháp, biện pháp tiêu hủy kèm theo văn bản thỏa thuận của bên đặt gia công và văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền về quản lý môi trường trong trường hợp thương nhân trực tiếp tiêu hủy.

Trường hợp thương nhân thuê thương nhân khác có chức năng xử lý phế liệu, phế phẩm, phế thải thì phải có hợp đồng tiêu hủy (01 bản chính) và văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền đối với thương nhân này (01 bản chụp).

đ2.2) Thương nhân chủ động tổ chức việc tiêu hủy và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tác động của toàn bộ quá trình tiêu hủy đối với môi trường.

đ2.3) Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công cử 02 công chức Hải quan giám sát quá trình tiêu hủy.

đ2.4) Khi kết thúc tiêu hủy, các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu hủy theo đúng quy định. Biên bản này phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của thương nhân, dấu của thương nhân có hàng tiêu hủy, họ tên, chữ ký của công chức hải quan giám sát việc tiêu hủy và người được người đại diện theo pháp luật giao tham gia vào quá trình tiêu hủy.

đ3) Trường hợp tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải không thực hiện tại thương nhân phát sinh phế liệu, phế phẩm, phế thải mà phải vận chuyển đến một địa điểm khác để tiêu hủy thì thực hiện như sau:

đ3.1) Việc vận chuyển phế liệu, phế phẩm, phế thải đến địa điểm tiêu hủy phải thực hiện đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

đ3.2) Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công thực hiện niêm phong hải quan đối với phương tiện chứa phế liệu, phế phẩm, phế phẩm vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy. Trường hợp địa điểm tiêu hủy thuộc cùng một địa bàn tỉnh/thành phố thì Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công chịu trách nhiệm giám sát tiêu hủy.

Trường hợp địa điểm tiêu hủy thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác thì Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công có văn bản đề nghị đơn vị hải quan nơi có địa điểm tiêu hủy giám sát việc tiêu hủy theo quy định tại tiết đ2, điểm đ, khoản 2 Điều này. Kết thúc việc tiêu hủy, Chi cục Hải quan giám sát tiêu hủy gửi Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công 01 Biên bản tiêu hủy (có chữ ký đầy đủ của các bên liên quan).

Thủ tục giám sát, bàn giao nhiệm vụ giám sát thực hiện theo quy định đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu hướng dẫn tại quy trình nghiệp vụ thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

3. Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa do thương nhân tự cung ứng bằng hình thức nhập khẩu từ nước ngoài theo loại hình gia công:

a) Trường hợp bên đặt gia công đã thanh toán tiền mua nguyên liệu, vật tư: thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

b) Trường hợp bên đặt gia công chưa thanh toán tiền mua nguyên liệu, vật tư: được chuyển cung ứng cho hợp đồng gia công tiếp theo trong trường hợp đáp ứng điều kiện cung ứng quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

4. Đối với hợp đồng gia công có cùng đối tác đặt gia công và cùng đối tác nhận gia công, thương nhân được bù trừ nguyên liệu cùng chủng loại, cùng quy cách, phẩm chất, cùng đơn giá.

Thông tư 13/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 13/2014/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/01/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 211 đến số 212
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH