Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 110/2018/TT-BTC hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Chương IV

THANH TOÁN TIỀN MUA LẠI, CHI PHÍ TỔ CHỨC MUA LẠI, HOÁN ĐỔI CÔNG CỤ NỢ

Mục 1. THANH TOÁN TIỀN MUA LẠI CÔNG CỤ NỢ

Điều 22. Thanh toán tiền mua lại công cụ nợ

1. Đối với công cụ nợ mua lại được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam

a) Chậm nhất vào 11 giờ 30 phút ngày mua lại công cụ nợ, chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ phải đảm bảo toàn bộ tiền mua lại công cụ nợ (bao gồm cả tiền mua lại công cụ nợ của khách hàng của nhà tạo lập thị trường) đã được thanh toán và ghi có vào tài khoản của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam;

b) Trong ngày mua lại công cụ nợ, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện chuyển tiền thanh toán cho chủ sở hữu công cụ nợ theo danh sách thông báo của chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ. Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thông báo cho Sở Giao dịch chứng khoán sau khi hoàn thành việc thanh toán để thực hiện hủy niêm yết, rút lưu ký, hủy đăng ký công cụ nợ theo quy định tại Điều 25 Thông tư này.

2. Đối với công cụ nợ không được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, chậm nhất vào 16 giờ ngày mua lại công cụ nợ theo hợp đồng mua lại công cụ nợ, chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ phải đảm bảo toàn bộ tiền mua lại công cụ nợ đã được thanh toán và ghi có vào tài khoản của chủ sở hữu công cụ nợ.

Mục 2. CHI PHÍ TỔ CHỨC MUA LẠI, HOÁN ĐỔI CÔNG CỤ NỢ

Điều 23. Chi phí tổ chức mua lại, hoán đổi công cụ nợ

1. Chi phí tổ chức mua lại, hoán đổi công cụ nợ bao gồm:

a) Chi phí trả cho Kho bạc Nhà nước để tổ chức mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ gồm: chi phí trực tiếp liên quan đến công tác mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ; chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa, thiết bị, công nghệ; chi hội nghị, đào tạo, khảo sát, nghiên cứu; chi thông tin, tuyên truyền; chi, khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân theo quy chế do Kho bạc Nhà nước ban hành; các chi phí khác;

b) Chi phí đấu thầu mua lại, hoán đổi công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán: áp dụng theo mức giá dịch vụ của Sở Giao dịch Chứng khoán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Nguồn chi trả

a) Ngân sách Trung ương chi trả các khoản chi phí tổ chức mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ. Kho bạc Nhà nước lập dự toán chi phí tổ chức mua lại, hoán đổi do Kho bạc Nhà nước thực hiện và tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Kho bạc Nhà nước,

b) Ngân hàng chính sách chi trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình mua lại, hoán đổi trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và được tính vào chi phí hoạt động của ngân hàng chính sách;

c) Ngân sách địa phương chi trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình mua lại, hoán đổi trái phiếu chính quyền địa phương.

Điều 24. Tiền phạt nhà tạo lập thị trường không có đủ công cụ nợ trúng thầu mua lại, hoán đổi công cụ nợ

1. Nhà tạo lập thị trường phải đảm bảo tài khoản lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có đủ số lượng công cụ nợ trúng thầu mua lại hoặc hoán đổi (bao gồm cả công cụ nợ của khách hàng của nhà tạo lập thị trường) trong ngày tổ chức đấu thầu.

2. Trường hợp nhà tạo lập thị trường không đảm bảo có đủ số lượng công cụ nợ quy định tại Khoản 1 Điều này, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thông báo cho chủ thể tổ chức phát hành và Sở Giao dịch chứng khoán để hủy kết quả đấu thầu đối với số lượng công cụ nợ bị thiếu.

3. Chủ thể tổ chức phát hành thu tiền phạt đối với nhà tạo lập thị trường trong trường hợp thiếu công cụ nợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này như sau:

a) Số tiền phạt phải nộp được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

P = Số tiền phạt đối với nhà tạo lập thị trường không có đủ công cụ nợ đã trúng thầu mua lại, hoán đổi;

GG = Giá trúng thầu mua lại một (01) công cụ nợ hoặc giá công cụ nợ bị hoán đổi do chủ thể tổ chức phát hành thông báo hoặc giá công cụ nợ bị hoán đổi trúng thầu;

N = Số lượng công cụ nợ còn thiếu so với kết quả trúng thầu;

Lo = Lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tại ngày tổ chức đấu thầu (%/năm);

k = bằng một (01) đối với công cụ nợ không thanh toán lãi định kỳ, bằng số lần thanh toán lãi trong 1 năm đối với công cụ nợ thanh toán lãi định kỳ.

b) Chủ thể tổ chức phát hành thông báo bằng văn bản cho nhà tạo lập thị trường không có đủ số lượng công cụ nợ, trong đó nêu rõ số tiền phạt, thời hạn thanh toán và tài khoản nộp tiền phạt.

c) Nhà tạo lập thị trường phải nộp tiền phạt theo thông báo của chủ thể tổ chức phát hành. Đối với công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, tiền phạt được ghi thu vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Thông tư 110/2018/TT-BTC hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 110/2018/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/11/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Huỳnh Quang Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 67 đến số 68
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH